ĐBQH PHAN THỊ MỸ DUNG: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ LƯU TRỮ HỒ SƠ KHI TỔ CHỨC ĐẤU GIÁ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, tài sản nhà nước, tài sản có giá trị lớn thì hồ sơ đấu giá phải được bảo quản cẩn thận, lưu trữ lâu dài. Do vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về lưu trữ hồ sơ đấu giá khi tổ chức đấu giá chấm dứt hoạt động.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong đấu giá tài sản

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá.

Đồng thời, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, nhất là tài sản công. Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông đồng, dìm giá" trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp…

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Qua nghiên cứu các vấn đề được đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An bày tỏ thống nhất và tin tưởng, với những nội dung sửa đổi sẽ tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc, những tiêu cực hiện nay về đấu giá tài sản.

Không nên nâng mức tiền đặt trước lên quá cao

Tuy nhiên để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, dự thảo Luật cần lưu ý, hoàn thiện một số nội dung. Về mức tiền đặt trước, đại biểu thống nhất như báo cáo giải trình của Bộ Tư pháp, hiện có hơn 20 nhóm loại tài sản được ra bán đấu giá, giá trị, tính chất tài sản khác nhau; theo quy định của luật hiện hành mức tiền đặt trước là từ 5 - 20% và đối với các tài sản đặc thù như đất đai, khoáng sản thì luật đó hoặc lĩnh vực đó phải quy định ít nhất là bao nhiêu (tức là quy định tỉ lệ tối thiểu trong khung 5-20%). Những tài sản thông dụng phổ quát do người có tài sản đấu giá quyết định; qua thực tiễn công tác này, tôi thống nhất việc giữ nguyên như quy định hiện hành, mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá.

Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do tham gia giao dịch, sẽ có ít cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng kết quả đấu giá (ví dụ như: nâng lên mức tiền đặt trước đến 40-50%, nếu tài sản đưa ra đấu giá có giá khởi điểm là một tỉ, thì người muốn đăng ký tham gia đấu giá phải chuẩn bị và nộp tiền đặt trước là 400-500 triệu đồng).

Ở đây, chúng ta phải thấy điểm khác với tiền đặt cọc trong giao dịch dân sự (vì khi chúng ta thực hiện đặt cọc trong giao dịch dân sự là cơ bản chúng ta khẳng định sẽ xác lập việc mua bán, chuyển nhượng quyền tài sản đó) còn khi tham gia đấu giá thì cũng chưa chắc là người trúng giá mua tài sản đấu giá. Dù biết rằng, thời gian qua có các tổ chức hoặc cá nhân tham gia đấu giá tài sản với mục đích không tốt (như muốn phá để cuộc đấu giá không thành, hoặc để thao túng thị trường, hình thành mặt bằng giá mới chứ không phải để mua tài sản hoặc phô trương thanh thế…) ….và sẵn sàng chịu mất tiền đặt trước.

Để xử lý vấn đề này, đại biểu đề xuất người tham gia đấu giá trúng đấu giá sau thời gian quy định nếu không nộp tiền mua tài sản mà không chứng minh được vì lý do bất khả kháng (lý do bất khả kháng được quy định theo Bộ Luật dân sự) thì ngoài việc mất tiền đặt trước và còn phải bị phạt nộp thêm một số tiền bằng với số tiền đã nộp trước, tất nhiên phải bổ sung cơ chế chế tài về xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt là của các cơ quan nhà nước có tài sản đưa ra đấu giá và không áp dụng đối với tài sản đấu giá là của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn hình thức đấu giá tài sản để bán tài sản của mình.

Cần có quy định xử lý việc trả giá cao bất thường

Đối với nội dung về việc dừng phiên đấu giá được quy định tại quyền, nghĩa vụ của đấu giá viên (khoản 1 Điều 19) và tại quyền, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá (khoản 1, Điều 47), đại biểu Dung cho rằng, thực tế thời gian qua, có cuộc đấu giá, người tham gia đấu giá có biểu hiện bất thường khác (ngoài các quy định đã có, như trả giá quá cao (cao bất thường) so với mặt bằng giá thị trường như một số vụ việc đã xảy ra, nhất là trong việc đấu giá tài sản công như quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ thì giá được trả tăng rất nhiều so với giá khởi điểm (cao từ mấy chục lần đến 204 lần, từ giá khởi điểm 24 tỷ và giá trúng đấu giá là 1.684 tỷ; nhưng Luật Đấu giá tài sản chưa quy định quyền của đấu giá viên hoặc người có tài sản bán đấu giá dừng, yêu cầu dừng phiên đấu giá để xử lý các trường hợp trên.

Hoặc trong trường hợp, khi bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự mà kết quả đấu giá thành đã đủ thanh toán nghĩa vụ và chi phí trong trường hợp đấu giá nhiều tài sản của người phải thi hành án nhưng chưa có quy định dừng đấu giá. Do đó, đại biểu Dung đề nghị sửa đổi bổ sung Luật lần này cần có nghiên cứu bổ sung quy định để tháo gỡ, giải quyết vấn đề trên.

Rà soát quy định về thông báo thay đổi địa điểm đấu giángười không được đăng ký tham gia đấu giá

Ngoài ra, tại khoản 11 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 37 về quy định về thông báo thay đổi địa điểm đấu giá quy định nếu thay đổi địa điểm đấu giá sau khi hết hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước thì chỉ cần thông báo với những người đã đăng ký tham gia và nộp tiền đặt trước biết trước 1 ngày điễn ra cuộc đấu giá. Mặc dù Ban soạn thảo giải trình trong trường hợp cần thay đổi địa điểm để đảm bảo phù hợp với thực tế như số lượng tham gia đấu giá nhiều hơn so với địa điểm dự kiến tổ chức đấu giá đã thông báo.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng, quy định này gây rủi ro cho những người đã nộp tiền đặt trước nhưng do thay đổi địa điểm nên không thể tham gia đấu giá, dẫn đến mất tiền đặt trước. (ví dụ địa điểm không thuận lợi hoặc ở rất xa, đi hơn cả ngày, hoặc vì lý do khách quan không tiếp nhận được sự thay đổi địa điểm tổ chức đấu giá…) . Song song đó, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định trường hợp có sự thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản thì người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia và được nhận lại tiền đặt trước; các trường hợp thay đổi nội dung khác của cuộc đấu giá như thay đổi thời gian đấu giá, quy chế đấu giá, nay thêm thay đổi địa điểm đấu giá chưa được quy định người tham gia đấu giá nhận lại tiền đặt trước khi không tham gia đấu giá nữa do sự thay đổi này. Do đó đề nghị có rà soát lại nội dung này của dự thảo.

Liên quan đến quy định về những người không được đăng ký tham gia đấu giá tại khoản 12 dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm e vào khoản 4, Điều 38, dự thảo Luật đang quy định là “ Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp .. khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.”, mục đích quy định là để chống thông đồng giá với nhau hoặc thông đồng để tham gia để phá cuộc đấu giá hoặc là dìm giá.

“Nhưng ở đây việc thành lập công ty con hoặc thành lập chi nhánh doanh nghiệp thì theo Luật Doanh nghiệp và không có bắt buột phải công bố, thông tin rộng rãi trên cả nước hoặc có thì cũng chưa hẳn sẽ biết được mối quan hệ giữa các công ty mẹ, con, chi nhánh. Mặt khác, quan hệ cha mẹ, vợ chồng, con có thể xác định qua pháp luật về Hộ tịch nhưng mối quan hệ huyết thống anh chị em ruột và giao cho tổ chức hành nghề đấu giá thực hiện xác định mối quan hệ này là khó khả thi, hay ngay trong bộ hồ sơ đấu giá tài sản không có quy định về bản kê khai nhân thân của người tham gia đấu giá. Hơn nữa, các cụm từ có khả năng chi phối, vậy tiêu chí như thế nào gọi là có khả năng? ai đánh giá được vấn đề có khả năng này? Do đó, tôi đề nghị rà soát cân nhắc thêm quy định này.”, đại biểu Dung nêu quan điểm.

Cần có quy định lưu trữ hồ sơ khi tổ chức đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động

Về lưu trữ hồ sơ đấu giá, đại biểu Dung nêu rõ, đây khâu cuối cùng của quy trình đấu giá tài sản và có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc lưu giữ thông tin để phục vụ cho hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước. Trong một số trường hợp, hồ sơ đấu giá còn là tài liệu, chứng cứ quan trọng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, tài sản nhà nước, tài sản có giá trị lớn thì hồ sơ đấu giá càng cần phải được bảo quản cẩn thận, lưu trữ lâu dài.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, tài sản nhà nước, tài sản có giá trị lớn thì hồ sơ đấu giá phải được bảo quản cẩn thận, lưu trữ lâu dài. Do vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về lưu trữ hồ sơ đấu giá khi tổ chức đấu giá chấm dứt hoạt động

Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 31, Điều 32 của Luật Đấu giá tài sản không quy định khi Doanh nghiệp đấu giá tài sản giải thể; hợp nhất, bị sáp nhập; phá sản và bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động thì Luật không quy định việc lưu trữ hồ sơ đấu giá khi tổ chức đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động. Do đó dự thảo Luật cần xem xét nội dung này.

Không bổ sung quy định về định giá tài sản, xác định giá khởi điểm là phù hợp

Đối với các quy định pháp luật liên quan về bán đấu giá tài sản có bao gồm những quy phạm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trước khi tiến hành đấu giá tài sản (như định giá, xác định giá khởi điểm, định giá lại đối với tài sản bị kê biên để đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá để tiến hành đấu giá…); và giai đoạn sau đấu giá thành (như việc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, bàn giao tài sản, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng…) nhưng không thuộc trình tự, thủ tục đấu giá mà được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó như Bộ Luật dân sự, Luật đất đai, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Khoáng sản, Luật Thi hành án dân dự… , đại biểu Dung thống nhất với Ban soạn thảo là xác định Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định thống nhất nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Nên không bổ sung quy định về định giá tài sản, xác định giá khởi điểm vào Luật Đấu giá tài sản là phù hợp, dù mục đích đề nghị này là để hạn chế trường hợp giá khởi điểm chênh lệch lớn so với giá thị trường (quá thấp hoặc quá cao), dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá, tài sản đưa ra bán đấu giá nhiều lần không thành. Nhưng vì các vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh giai đoạn trước và sau hoạt động đấu giá tài sản, được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với loại tài sản đó, nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn cần một cơ chế pháp luật chặt chẽ để đảm bảo hoạt động bán đấu giá tài sản được hiệu quả để bảo vệ được quyền lợi ích của Nhà nước, của các cá nhân, tổ chức liên quan như tổ chức hành nghề đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá mua tài sản đấu giá, người đồng sỡ hữu… Do vậy cần rà soát các Luật chuyên ngành có liên quan để có sửa đổi, bổ sung đồng bộ, tránh những khoảng trống pháp luật khi Luật Đấu giá tài sản không điều chỉnh mà các luật chuyên ngành cũng không điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, chưa thống nhất./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83161