ĐBQH phân tích vụ 'CGV chèn ép phim Việt' để cảnh báo cạnh tranh

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngày 15/11, các Đại biểu đã mổ xẻ câu chuyện CGV chèn ép các nhà làm phim Việt Nam, dẫn đến việc phim Việt không tiếp cận được với khán giả.

Khoản 1 Điều 20 của Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.

Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), thực tế có những hành vi tập trung kinh tế không đạt thị phần trên 50% nhưng vẫn có khả năng tạo ra vị trí thống lĩnh thị trường, làm hạn chế cạnh tranh khi doanh nghiệp nắm giữ hệ thống phân phối mạnh và quy mô vốn lớn, tạo nên lợi thế cạnh tranh gia nhập thị trường không lành mạnh.

Đại biểu Cương nêu ví dụ về câu chuyện gây ồn ào trên truyền thông liên quan đến CGV, một ông lớn trong ngành chiếu phim ở Việt Nam, bị dư luân cho là có biểu hiện kinh doanh trái phép và chèn ép doanh nghiệp Việt.

Chúng ta biết công nghiệp điện ảnh được cấu thành bởi 3 công đoạn, từ sản xuất, phát hành tới rạp chiếu. Rạp chiếu phim chính là đầu ra của khâu sản xuất phim, 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim và nắm đầu ra của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay là 2 doanh nghiệp nước ngoài, CGV chiếm 43%, Lotte chiếm 20% thị phần. Đặc biệt, CGV nắm tới 80% quyền sở hữu (Hãng phim Phương Nam - PV) dù Luật Điện ảnh chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ không quá 51%”, ông Nguyễn Sỹ Cương nói về việc CGV mua lại 80% cổ phần của Công ty sản xuất phim Phương Nam từ năm 2005.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Trong năm 2016, có 8 doanh nghiệp điện ảnh của Việt Nam gửi thư cầu cứu lên các cơ quan chức năng vì bị CGV chèn ép về tỷ lệ ăn chia quá thấp cho phim Việt. Sự việc đẩy lên đến đỉnh điểm với việc CGV từ chối phát hành một bộ phim Việt vì không chấp nhận tỷ lệ ăn chia như phim ngoại. Điều đó đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh là các nhà làm phim Việt Nam không dễ đưa phim của mình ra rạp nếu các chủ rạp nước ngoài không theo sự áp đặt và điều kiện chủ rạp nước ngoài đưa ra, điều đó khiến nhiều nhà làm phim và dư luật rất bất bình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu CGV đàm phán với 8 nhà sản xuất phim và phát hành phim ở trong nước để giải quyết mâu thuẫn qua hình thức thương lượng. Tuy nhiên, theo tôi biết CGV đã kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp trong nước cùng thống nhất và ký vào một bản đề xuất về tỷ lệ ăn chia của CGV để CGV xem xét. Nếu làm như vậy thì các doanh nghiệp Việt lại vi phạm Luật Cạnh tranh hiện hành”, Đại biểu Cương nói.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp Việt có thị phần 30% và không thể coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Trong trường hợp này các doanh nghiệp Việt có kết hợp cùng với nhau thành “một bó đũa” để đàm phán thay vì đơn lẻ nhưng cấu thành 30% thị phần, dù không thống lĩnh thị trường vẫn là sai luật.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề xuất luật cần có những bổ sung miễn trừ theo ngành. Riêng đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù như văn hóa, điện ảnh và một số ngành nhạy cảm, đây là những ngành cần có sự hỗ trợ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và ảnh hưởng của ngoại lai.

Các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài nắm giữ thị phần chi phối có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam tới chỗ phá sản. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam để mất hệ thống rạp thì sẽ khó đưa các bộ phim do Việt Nam sản xuất đến với khán giả, có nghĩa là nếu như không có hệ thống rạp của Việt Nam thì ngay phim Việt sẽ không được công chiếu ở Việt Nam”.

Đồng tình với Đại biểu Cương, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, có giải pháp cấp bách để cứu ngành điện ảnh Việt Nam đang bị điện ảnh nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH TP. HCM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn bày tỏ sự lo lắng khi giới trẻ thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng ca sĩ, diễn viên ngoại, để tóc, ăn mặc, ăn uống theo cung cách ngoại, trong khi đó nhiều em không biết những kiến thức cơ bản về văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Cũng lấy ví dụ về câu chuyện CGV chèn ép phim Việt, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Chương V của Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) về tập trung kinh tế phải bổ sung thêm mục nữa về các lĩnh vực liên quan. Ông Kiên nhắc lại câu chuyện khi Hàn Quốc công chiếu bộ phim "Oldboy" năm 2016, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-Sam đánh giá bộ phim này giá trị bằng 1,5 triệu chiếc ô tô Huyndai Sotana.

“Như vậy, chúng ta thấy tác động của kinh tế thông qua các lĩnh vực văn hóa là rất lớn, vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một mục nữa trong phần tập trung kinh tế”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên kiến nghị

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Kiên cũng lấy một minh chứng trong lĩnh vực phim, từ khâu sản xuất, phát hành, chiếu bóng và đến rạp thì cả 4 khâu đó tạo ra lợi nhuận của một bộ phim. Nhưng nếu chúng ta chỉ xem xét trong một lĩnh vực về rạp chiếu hoặc phát hành phim thì chúng ta chưa thấy được vị trí chiếm lĩnh độc quyền của một doanh nghiệp. Vì thế, khi xem xét đánh giá doanh nghiệp độc quyền hay không thì chúng ta cần phải xem xét cả trong chuỗi giá trị của sản phẩm đó thì mới phù hợp.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dbqh-phan-tich-vu-cgv-chen-ep-phim-viet-de-canh-bao-canh-tranh-post244697.info