ĐBQH quan tâm tới kiểm định chất lượng khi sửa Luật Giáo dục ĐH

Kiểm định chất lượng là nội dung được quan tâm khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, tự chủ, tự tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chí, tiêu chuẩn nhà nước quy định, các tổ chức kiểm định độc lập, uy tín trong và ngoài nước kiểm định là yêu cầu hết sức quan trọng. Đây là sự quyết định đẳng cấp thứ bậc, danh tiếng, sự tồn tại và phát triển của cơ sở giáo dục và ngược lại.

Từ thực tiễn, đại biểu Đinh Duy Vượt, tại đề nghị tại Điều 52 của dự thảo Luật cần bổ sung quy định về quy trình kiểm định chất lượng giáo dục. Theo đó, nhà nước ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục đại học, đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn thuyết phục, lượng hóa được bộ tiêu chí, số liệu minh bạch được cộng đồng các trường đại học thống nhất cao, quy trình chặt chẽ, khoa học công khai.

“Về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Như vậy, chỉ có văn bản luật và nghị định mới có thể quy định về điều kiện kinh doanh. Vậy, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định chất lượng gồm điều kiện gì, chu kỳ kiểm định, kiểm định đột xuất, kiểm định bắt buộc, tiền kiểm hay hậu kiểm và trình tự thủ tục lập, hoạt động ra sao, có thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT quy định trong dự thảo luật hay không cần được xem xét, quy định rõ” – đại biểu Đinh Duy Vượt nêu ý kiến.

Cũng góp ý về nội dung kiểm định chất lượng, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đề nghị, tại Điều 52 về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, bổ sung: "Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo quy định chuẩn quốc gia về các tổ chức kiểm định, chuẩn kiểm định viên và chuẩn đạo đức nghề nghiệp hoặc quy tắc ứng xử của kiểm định viên".

Đại biểu Lê Thu Hà cũng cho rằng cần có cơ chế giám sát các tổ chức kiểm định. Như Hoa Kỳ có vai trò của Hội đồng kiểm định giáo dục đại học… Tốt nhất nên đưa thêm vào dự thảo luật một chương về kiểm định chất lượng giáo dục, tiến tới sẽ có Luật Kiểm định giáo dục. Theo đại biểu, đây là một công cụ rất mạnh, để hướng đến một nền giáo dục thật sự chất lượng và lành mạnh.

Còn theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), cần nghiên cứu quy định chặt chẽ chế tài xử lý, biện pháp thực hiện, tạo sự cạnh tranh lành mạnh đối với các tổ chức kiểm định chất lượng. Cơ chế thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng cần được cụ thể, rõ ràng, công khai.

HN

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dbqh-quan-tam-toi-kiem-dinh-chat-luong-khi-sua-luat-giao-duc-dh-3962482-v.html