ĐBQH:Sai phạm 8B Lê Trực đã phản ánh với Thủ tướng chưa?

Tiếp tục phần chất vấn chiều ngày 30/10, tình trạng xây dựng sai phép nhận được nhiều sự quan tâm của ĐBQH.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng ngày càng lan tỏa, dai dẳng và rất nghiêm trọng.

Tòa nhà 8B Lê Trực được phạt cho tồn tại phần diện tích tăng thêm.

Ông nhấn mạnh, những sai phạm này xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài nhiều tháng mà ngành không phát hiện hoặc khi phát hiện thì xử lý phức tạp, người vi phạm rất ngoan cố.

Nêu vấn đề như trên, vị ĐB đoàn TP.HCM yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải báo cáo rõ đã làm gì để khắc phục tình trạng trên.

Ông nói rõ: "Bộ Xây dựng có trách nhiệm rất lớn về tình trạng này nhưng Bộ trưởng lại nói do quy định của pháp luật chưa đầy đủ.

Một bao cát đổ trong hẻm thì cán bộ ngành phát hiện ra mà tại sao ngôi nhà 5 tầng xây sai phép giữa thành phố lại không biết và đến nay vẫn chưa chịu đập bỏ?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, vi phạm trật tự trong hoạt động xây dựng ngày càng giảm dần, bình quân mỗi năm 13,2%.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vi phạm vẫn còn diễn ra phổ biến và phức tạp, đặc biệt một số vi phạm chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm.

“Thiếu quy định pháp luật hoặc quy định đã có nhưng chưa đủ rõ. Ý thức chấp hành pháp luật của nhà thầu, chủ đầu tư, nhân dân... chưa tốt. Ngoài ra, công tác kiểm tra, phát hiện sớm vi phạm ngay từ đầu chưa dứt điểm; việc cưỡng chế, phá dỡ để trở lại nguyên trạng ban đầu ở một số công trình kéo dài...”, Bộ trưởng dẫn ra hàng loạt nguyên nhân.

Bộ trưởng cho biết, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đã làm nhiều việc như hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật.

"Bộ được giao và đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa 4 luật về nhà ở, quy hoạch đô thị, kinh doanh bất động sản, xây dựng luật quản lý phát triển đô thị, luật kiến trúc.

Bộ cũng báo cáo và được Thủ tưởng đồng ý phê duyệt 2 đề án, trong đó có Nghị định về xử phạt vi phạm trong hoạt động xây dựng, kiểm tra thực hiện quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng. Hàng năm Bộ cũng tổ chức 80-90 cuộc thanh tra với 200 công trình qua đó xử lý vi phạm, rút kinh nghiệm để hoàn thành thể chế", ông Hà trả lời.

Bộ thừa nhận có hạn chế tồn tại trong quản lý nhà nước nhưng Bộ cũng đang nỗ lực xử lý.

"Việc quản lý các hoạt động xây dựng, xử phạt vi phạm thuộc tránh nhiệm của các cấp ngành, chính quyền, địa phương và chủ thể tham gia, chứ không chỉ Bộ Xây dựng. Về phần mình, tôi xin hứa làm hết sức, thời gian tới tập trung cao độ hoàn thiện thể chế liên quan, sửa đổi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và cùng địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Hàng năm chúng tôi đã triển khai gần 100 cuộc thanh tra để chấn chỉnh các sai phạm. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong lĩnh vực của mình, cam kết và hứa sẽ nỗ lực giải quyết. Nhưng tôi cũng chỉ hứa những gì trong thẩm quyền của tôi", Bộ trưởng nói.

Phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà được cho là chưa thỏa đáng, ĐB Trương Trọng Nghĩa chỉ đích danh một loạt sai phạm của 8B Lê Trực, các công trình tại rừng phòng hộ Sóc Sơn.... và đặt câu hỏi: "Bộ trưởng đã làm gì và có phản ánh với Thủ tướng chưa? Cử tri cho rằng ở đây có thể có vấn đề nhóm lợi ích, sự bao che", ông Nghĩa nêu vấn đề.

Câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa chưa nhận được trả lời của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Hà Nội phạt 8B Lê Trực cho tồn tại: Tại sao?

Phạt cho tồn tại

Liên quan tới việc xử lý sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội cung cấp một thông tin khiến dư luận phải ngỡ ngàng.

Cụ thể, tại Hội thảo Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP. Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 10/2018, ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tòa nhà phải đảm bảo chiều cao nên cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục phát dỡ tầng 17 - 18.

Sau khi phá dỡ xong 2 tầng này thì diện tích công trình vẫn tăng thêm so với giấy phép được cấp và phần giật cấp không được làm như trong thiết kế.

Mặc dù vậy, việc giật cấp có thể ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà, do đó, Hà Nội thống nhất phạt để cho tồn tại.

“Cái lúng túng ở chỗ là nếu xử lý đúng theo giấy phép là phải cắt giật cấp, nhưng cắt giật cấp thì kết cấu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, vừa qua Hà Nội quyết định thống nhất cho phép tiếp tục cắt ngang và giảm chiều cao.

Nếu cắt 2 tầng 17, 18 thì diện tích sàn mà chủ đầu tư vi phạm vẫn còn dư. Và dự kiến phần dư đó sẽ giải quyết nộp phạt”, ông Trung nói.

Nhận định về quyết định trên, các chuyên gia đều cho rằng việc cắt ngọn tòa nhà không ảnh hưởng tới kết cấu tầng. Theo các vị chuyên gia, giải thích của Hà Nội là một cách biện minh, cố chây ì, không muốn xử lý.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dbqhsai-pham-8b-le-truc-da-phan-anh-voi-thu-tuong-chua-3368256/