ĐBQH SÙNG A LỀNH: CẦN RÀ SOÁT KỸ CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM VÀ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ TÀI LIỆU LƯU TRỮ

Hôm nay (27/11), Quốc hội chính thức thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tán thành với sự cần thiết của dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh

Phóng viên: Hôm nay, Quốc hội chính thức thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đại biểu có đánh giá như thế nào về hồ sơ và sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật này?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Trước hết, tôi tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hồ sơ dự án Luật cũng đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình.

Phóng viên: Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu có góp ý gì thêm?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Tôi cũng còn có thêm một số góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm và thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ. Cụ thể:

Về các hành vi bị nghiêm cấm, tại khoản 1, Điều 6 của dự thảo luật duy định “Chiếm đoạt, phá hoại, làm mất tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý và tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt”. Về nội dung này, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “làm biến dạng về hình thể và màu sắc, di chuyển sang vị trí khác” vào khoản 1 Điều 6 như sau: “Chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất, làm biến dạng về hình thể và màu sắc, di chuyển sang vị trí khác tài liệu lưu trữ do Nhà nước quản lý”. Bởi khi cố ý làm biến dạng về hình thể và màu sắc, di chuyển sang vị trí khác tài liệu lưu trữ là hiện vật hoặc tài liệu điện tử sẽ gây khó khăn hoặc không thể truy, tìm kiếm, sao lục được dữ liệu nguyên bản.

Tại khoản 3, Điều 6 dự thảo quy định: “ Mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; hủy trái phép tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt”. Tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung cụm từ “Cung cấp” vào khoản 3, Điều 6 như sau: “Cung cấp, mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; hủy trái phép tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt”. Bởi khi cá nhân hoặc tổ chức quản lý mà cung cấp trái phép tài liệu lưu trữ không vì mục đích thu lợi bất chính, nhưng làm ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của cá nhân hoặc tổ chức bị cung cấp dữ liệu tài liệu lưu trữ thì đó cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, tại khoản 4 Điều 9 dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ bảo quản tại Lưu trữ lịch sử nhà nước ở địa phương và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 7 Luật này”.

Đối với nội dung này, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại như sau: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý hoặc ủy quyền cho Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ bảo quản tại Lưu trữ lịch sử nhà nước ở địa phương và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 7 Luật này” để đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82602