ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên): Tính kỹ nguồn lực và điều kiện bảo đảm hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Hồ sơ dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và hoàn thiện hơn so với hồ sơ dự án Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV.

Nhiệm vụ đã được rà soát, tách bạch rõ

Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã có 8 nội dung lớn được điều chỉnh. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: dự thảo Luật điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Tổ bảo vệ an ninh, trật tự), đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã có sự phân định rõ sự khác nhau về vị trí, chức năng giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã và các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở.

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:xuất phát từ việc phân định cụ thể vị trí, chức nănggiữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã và các lực lượng khác có liên quan ở địa bàn cơ sở, do đó nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được rà soát, chỉnh lý để tách bạch rõ giữa nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở.

Theo đó, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được giao thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự với tính chất là tham gia hỗ trợ Công an cấp xã và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Công an cấp xã (lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không thực hiện nhiệm vụ quản lý, không thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự mà do Công an cấp xã trực tiếp thực hiện).

Về sắp xếp, kiện toàn thống nhất và bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được quy định theo hướng giảm đáng kể về số lượng, từ dự kiến 1,8 triệu thành viên, hiện còn dự kiến khoảng 300.000 người trong toàn quốc (bằng 1/6 so với dự kiến ban đầu) do chỉ kiện toàn 2 lực lượng là bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng (không phải toàn bộ lực lượng dân phòng như dự kiến ban đầu).

Từ đó kinh phí để đảm bảo chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng giảm đi và theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ Công an thì thì kinh phí bảo đảm cân đối so với thực tế hiện nay và không làm tăng chi ngân sách nhà nước.

Đánh giá kỹ lưỡng nguồn lực bảo đảm

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, có một số nội dung còn băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu.

Về nội dung bố trí địa điểm làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Khoản 1, Điều 17 Dự thảo Luật quy định “UBNDcấp xãbố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại các địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc tại địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khả năng bảo đảm của địa phương”.

Tuy nhiên, theo Báo cáo số 53/BC-CP thì việc quy định như trên sẽ không làm tăng chi ngân sách để bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bên cạnh đó, trang 33, Báo cáo số 272/BC-BCA ngày 28.2.2023 của Bộ Công an cũng nêu việc bố trí địa điểm làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ“Tận dụng, sử dụng địa điểm, nơi làm việc, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị đang đầu tư, trang bị cho các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách để tiếp tục trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để sử dụng; qua đó, không gây áp lực đối với các địa phương trong việc bảo đảm kinh phí để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.

Khi thu gọn từ 3 đầu mối là Công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo về dân phố và lực lượng dân phòng thành 1 đầu mối là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Tổ bảo vệ an ninh, trật tự) thì việc bố trí địa điểm làm việc sẽ đỡ áp lực hơn.Tuy nhiên, điều này có thực sự không làm tăng chi ngân sách, không gây áp lực đối với các địa phương trong việc bảo đảm kinh phí để đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Tại trang 3 Báo cáo 272/BC-BCA có nêu,do điều kiện thực tế khó khăn, nhiều địa phương chưa bố trí cho ban bảo vệ dân phố có trụ sở để làm việc riêng mà vẫn bố trí làm việc chung tại trụ sở Ủy ban nhân dân hoặc trụ sở Công an phường, cụ thể là: có 22,95% ban bảo vệ dân phố được bố trí trụ sở làm việc riêng; 47,23% ban bảo vệ dân phố phải mượn, nhờ nơi làm việc, 29,82% ban bảo vệ dân phố chưa có nơi làm việc. Trong khi đó, ban bảo vệ dân phố chỉ được thành lập ở phường, mỗi phường thành lập một ban, như vậy việc tận dụng địa điểm hiện có của lực lượng bảo vệ dân phố là rất ít.

Về trụ sở làm việc của Công an xã thì mỗi xã cũng chỉ có 1 trụ sở, nhiều xã vẫn đang phải làm việc trong khuôn viên UBND xã. Đối với lực lượng dân phòng thì về cơ bản đội dân phòng hiện nay đều không có trụ sở làm việc.

Như vậy, việc tận dụng trụ sở, nơi làm việc của lực lượng bảo vệ dân phố, hay trụ sở của UBND, Công an cấp xã là không nhiều bởi có tới 103.568 tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên toàn quốc cần được bố trí nơi làm việc.

Việc bố trí tại các địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự làm việc cũng không phù hợp vì đối với các thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa thì hiện nay hầu hết cũng rất chật hẹp, không đảm bảo để sinh hoạt chung cũng như bố trí thêm phòng làm việc hay nơi cất giữ các phương tiện, thiết bị của lực lượng này.

Về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:Theo Điều 20 dự thảo Luật, người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Ngoài ra, khi được cử đi tập trung, bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được huy động thực hiện nhiệm vụ lực lượng này còn được hưởng từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng mức tiền bồi dưỡng và khi làm nhiệm vụ thường trực tại những thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc tại những nơi thuộc cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, chính sách ban hành ra phải khả thi, theo đó, cần tính toán, đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách này đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhất là cần cân đối ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về ngân sách, nhất là các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, biên giới.

Về nội dung thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: tại điểm b, khoản 1, Điều 13 dự thảo Luật quy định: “Căn cứ vào tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp xã hằng năm rà soát, tổng hợp về số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, bố trí tại thôn, tổ dân phố và nhu cầu về số lượng các chức danh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, tổ dân phố, báo cáo UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định”.

Điểm c, khoản 1, Điều 13 quy định “Căn cứ số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập và tổng số lượng các chức danh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đã được HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) quyết định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, UBND cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định về số lượng người tối thiểu để thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng tối đa Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự

Đề nghị quy định theo hướng đơn giản hóa, giảm bớt các thủ tục thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cụ thể là HĐND cấp tỉnh ban hành quy định chung mang tính nguyên tắc, định hướng về việc thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và các chức danh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Căn cứ vào tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp xã quyết định việc thành lập và các chức danh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại từng thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn đảm bảo đúng quy định và phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Không nên quy định hàng năm tiến hành rà soát và trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định, như vậy thủ tục rườm rà, mất rất nhiều thời gian và không cần thiết.

Q. Chi ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/dbqh-ta-thi-yen-dien-bien-tinh-ky-nguon-luc-va-dieu-kien-bao-dam-hoat-dong-cho-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-i333211/