ĐBQH TẠ THỊ YÊN: HĐND PHẢI LUÔN CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO, TẬN TỤY VÀ TẬN TÂM TRONG MỌI HOẠT ĐỘNG

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nêu quan điểm: HĐND phải luôn chủ động, sáng tạo, tận tụy và tận tâm trong mọi hoạt động của mình với phương châm 'kế hoạch 1 thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20' theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị...

Năm 2023, nền kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, đúng đắn, sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng; sự chủ động, đồng hành, linh hoạt, nhạy bén, kiến tạo thể chế đã tạo nên khung khổ pháp lý quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương. Ngoài ra, với sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Ở địa phương, Hội đồng Nhân dân (HĐND) đã ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về quyết định các vấn đề quan trọng và công tác giám sát; hoàn thiện cơ chế phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mới, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp về việc phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.

Nhìn nhận lại hoạt động của HĐND, vào ngày 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Hội nghị năm nay có quy mô khá lớn với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu chính thức, trong đó có gần 500 đại biểu địa phương.

Để hoạt động của HĐND ngày càng thiết thực và hiệu quả, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, HĐND các tỉnh, thành phố cần quan tâm hơn nữa để tham gia vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật; tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát...

Phóng viên: Thưa đại biểu, ngày 25/3 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai công tác năm 2024. Xin đại biểu cho biết mục đích và tầm quan trọng của việc tổ chức Hội nghị này?

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên: Đây là lần thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác của HĐND và là lần thứ hai Hội nghị được tổ chức tập trung. Với số lượng đại biểu tham gia lớn, bao gồm đại diện các cơ quan ở Trung ương của các khối ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, đại diện một số Ban của Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố.

Với ý nghĩa như một Hội nghị mang tính sơ kết hoạt động của nhiệm kỳ, Hội nghị năm nay được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2024 và nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Tôi kỳ vọng Hội nghị là sự tham gia đầy đủ, nghiêm túc của các đại biểu, đặc biệt là các đại biểu đến từ địa phương. Tiếp đến là sự trao đổi, thảo luận cởi mở, sôi nổi, thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu. Trên cơ sở các ý kiến tham gia và nội dung, kết quả trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, Ban Công tác đại biểu sẽ tổng hợp đầy đủ để tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành báo cáo kết quả của Hội nghị, trong đó tập trung vào các kiến nghị, giải pháp của Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, xem xét, giải quyết.

Từ phía Ban Công tác đại biểu, là cơ quan có trách nhiệm chủ trì, tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để bảo đảm tốt nhất công tác tổ chức, hậu cần, truyền thông… để Hội nghị đạt kết quả cao nhất.

Phóng viên: Năm 2023, nền kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đại biểu đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trong năm qua?

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên: Trên cơ sở theo dõi tình hình thực tế, qua nắm bắt dư luận nhân dân, cử tri và qua báo cáo của HĐND các tỉnh, thành phố, tôi nhận thấy trong năm 2023, năm bản lề của nhiệm kỳ 2020-2025, HĐND đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trên mọi phương diện hoạt động để thực hiện nhiệm vụ theo luật định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương và của cả nước trong năm 2023.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Các kỳ họp HĐND được tổ chức trên tinh thần chủ động, trách nhiệm, bám sát thực tiễn tình hình chung của đất nước và tình hình cụ thể của từng địa phương, nghiêm túc, kỹ lưỡng. Quy trình ban hành nghị quyết của HĐND đã chú trọng hơn nữa việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động; tập trung công tác đối chiếu, rà soát với các nghị quyết có nội dung liên quan và kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, HĐND các cấp đã chú trọng công tác tuyên truyền về kết quả hoạt động. Đây là vừa là giải pháp để thông tin kịp thời đến cử tri và Nhân dân các chính sách mới, vừa là kênh thông tin để cử tri và Nhân dân giám sát hoạt động của HĐND.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận một số khó khăn, hạn chế như: còn tình trạng tài liệu gửi đến kỳ họp HĐND chưa bảo đảm thời gian, chất lượng; sự phối hợp công tác ở một số cơ quan có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ; hiệu quả chưa cao. Công tác giám sát trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi chưa bảo đảm thời gian theo chương trình, kế hoạch đã đề ra trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh và HĐND cấp dưới có lúc chưa sâu sát, kịp thời; chưa tổ chức được tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Công tác chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, chưa hiệu quả, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phóng viên: Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương, đại biểu có kỳ vọng như thế nào ở hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố năm 2024?

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên: Trong báo cáo của HĐND các tỉnh, thành phố gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ra những bài học kinh nghiệm quý của từng địa phương để phát huy hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân. Trên cơ sở tập hợp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng báo cáo tổng kết về tình hình tổ chức hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, trong đó cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện trong năm 2024.

Bên cạnh việc tập trung thực toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, Thành ủy để tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, cá nhân tôi kỳ vọng HĐND các tỉnh, thành phố quan tâm hơn nữa để tham gia vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm tốt phối hợp để chuẩn bị nhân sự và các điều kiện bảo đảm hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031.

Ngoài ra, tôi cũng mong rằng, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, nhất là giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của mình một cách thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm nhất, làm tốt công tác tiếp công dân; tiếp xúc cử tri; tiếp nhận, xử lý, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, nhất là các vụ việc cấp bách, tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm; thực hiện tốt công tác đối ngoại theo chương trình kế hoạch nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài nước.

Cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, HĐND, cử tri và Nhân dân sẽ được tiếp cận nhanh hơn và kịp thời nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quyết sách đã được HĐND triển khai thực hiện.

Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, HĐND dân phải luôn chủ động, sáng tạo, tận tụy và tận tâm trong mọi hoạt động của mình với phương châm “kế hoạch 1 thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20” theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị Số 01-CT/TW, ngày 09/32021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn của địa phương, mong mỏi của nhân dân, cử tri trước yêu cầu trong nửa cuối rất quan trọng của nhiệm kỳ này, tạo tiền đề cho sự đột phá phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85565