ĐBQH: Tăng tuổi nghỉ hưu ngành Công an nên theo lộ trình

ĐBQH Đặng Hồng Sỹ cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu ngành Công an nên theo lộ trình.

"Tôi thống nhất dự thảo quy định tăng tuổi của lực lượng công an theo Luật Lao động hiện hành (nam tăng 2 tuổi lên 62, nữ lên 60 và mỗi năm, nam sẽ tăng thêm 3 tháng, nữ tăng 4 tháng). Tuy nhiên, riêng với lực lượng hạ sĩ quan, cấp úy, thiếu tá, trung tá, nếu quy định tăng một lúc 2 tuổi như trong dự thảo quy định thì số lượng này rất đông. Các trường hợp này cũng nên thực hiện như Luật Lao động đã quy định, đảm bảo bình đẳng giữa các ngành nghề", đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) nêu ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi chiều 27/5.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ.

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) ý kiến, nữ giới làm việc trong ngành Công an khá vất vả, khó đảm bảo sức khỏe nếu tăng ngưỡng tuổi nghỉ hưu lên.

"Ngay cả quy định của Luật Lao động, sau một thời gian áp dụng đang bộc lộ điểm tồn tại ở một số vị trí công việc (công nhân lao động, môi trường độc hại...) nữ giới khó đảm bảo được sức khỏe nếu tăng tuổi nghỉ", bà Đôi nói.

Theo đại biểu Hoàng Thị Đôi, Ban soạn thảo cần có báo cáo, xem xét, đánh giá đúng tình hình vì sao lại tăng và tăng có phù hợp không, khi đó điều luật mới thuyết phục.

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn Hải Dương) cho rằng, vấn đề tăng tuổi phục vụ của sỹ quan thêm 2 - 5 năm cần được đánh giá thêm. Ví dụ, cùng là nữ sỹ quan nhưng có người làm văn phòng, văn thư, người làm điều tra hiện trường... hay môi trường làm việc của nữ sỹ quan ở thành thị, nông thôn, vùng núi khác cũng khác nhau.

Ông kiến nghị cần đánh giá tổng hợp và quy định chi tiết các trường hợp tăng, tăng bao nhiêu tuổi theo từng vị trí, lĩnh vực công tác. Luật Công an nhân dân sửa đổi lần này nên có độ mở, quy định về "sức khỏe, tự nguyện... của sĩ quan khi tăng thời gian phục vụ", để tương đồng với Luật Lao động hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng, dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi quy định "sỹ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam và 55 lên 60 tuổi với nữ", là chưa thống nhất với các luật hiện hành, trong đó có Luật Giáo dục đại học và Nghị định 50 của Chính phủ.

Bà lý giải, Luật Giáo dục đại học và Nghị định 50 đều quy định cụ thể những trường hợp giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ kéo dài thời gian làm việc (quy định về trình độ, vị trí, năng lực, nhu cầu, tiêu chí...). Thế nhưng dự thảo Luật này chưa đề ra các quy định, tiêu chí cụ thể khi kéo dài thời hạn phục vụ, dẫn đến việc thiếu thống nhất giữa các luật.

Nữ đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung nội dung "những giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ muốn kéo dài thời gian làm việc trên 62 tuổi với nam và trên 60 tuổi với nữ cần đảm bảo tiêu chí sau: đang giảng dạy, nghiên cứu ở trường đại học, có đủ sức khỏe, tự nguyện, được cơ sở giáo dục đồng ý tiếp nhận, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không bảo lưu phụ cấp lãnh đạo". Điều này giúp thống nhất với các luật hiện hành.

Trong báo cáo tờ trình dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi (sáng 27/5), Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Chính phủ đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ của công an: tăng 2 tuổi với sỹ quan, hạ sỹ quan, riêng nữ đại tá tăng 5 tuổi, nữ thượng tá tăng 3 tuổi và nữ tướng giữ nguyên 60 tuổi như hiện nay. Sỹ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ từ 60 lên 62 tuổi với nam; 55 lên 60 tuổi với nữ.

Theo lộ trình, mỗi năm sẽ tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Riêng sỹ quan, hạ sỹ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam và dưới 55 tuổi với nữ sẽ tăng 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.

Chính phủ đề xuất thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ trong công an bắt đầu từ 1/1/2021, thời điểm có hiệu lực của Bộ Luật Lao động nhưng không áp dụng với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có hiệu lực.

Theo ông Tô Lâm, đề xuất tăng tuổi phục vụ cho nhóm này để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật; mức tăng tương đương với tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động năm 2019. Nội dung này cũng đảm bảo thực tiễn chiến đấu, công tác; đảm bảo sự ổn định, tạo điều kiện trong quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ trong ngành.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dbqh-tang-tuoi-nghi-huu-nen-theo-lo-trinh-khong-can-ngoai-le-cho-nganh-cong-an-ar785672.html