ĐBQH từ chối danh hiệu văn hóa vì hình thức, lãng phí

Ngày 16/1, trao đổi với báo Đất Việt, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết ông đã từ chối danh hiệu gia đình văn hóa do quá hình thức, lãng phí.

Đây cũng là ý kiến được đại biểu này nêu trực tiếp tại buổi làm việc cùng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó có sự tham gia của Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ đoàn An Giang. Ảnh: VnE

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ đoàn An Giang. Ảnh: VnE

Theo đó, ĐBQH đoàn An Giang đề nghị Bộ VH-TT-DL cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hóa vì không thực chất, không có tác dụng điều chỉnh hành vi, đạo đức của xã hội.

"Tôi không đánh giá cao việc này. Bộ VH-TT-DL cần phải xem lại, ngay cả việc đưa ra rất nhiều bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng cần phải xem lại. Vấn đề cốt yếu là yếu tố đạo đức thì lâu nay bỏ rơi, giá trị đạo đức bị đảo lộn nhưng lại ban hành nhiều bộ tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế.

Vai trò của Bộ VH-TT-DL là tổ chức thực thi pháp luật cho tốt, đưa pháp luật vào cuộc sống chứ không phải đưa ra các tiêu chí này, tiêu chuẩn khác, rồi lại tốn rất nhiều tiền để in các biển hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa để phát như phát quà đại trà vậy", ông Bộ nói.

Nêu ví dụ từ việc phong tặng danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi ngày xưa với bây giờ để so sánh với việc phong tặng gia đình văn hóa hiện nay. Vị đại biểu này cho rằng, những gì thuộc về thực chất, được đánh giá thực chất sẽ luôn được xã hội trân trọng, ghi nhận.

Ví dụ như muốn đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến ngày xưa học sinh phải nỗ lực rất nhiều. Cả lớp chỉ được 5-6 bạn đạt học sinh tiên tiến, hiếm hoi mới có được bạn đạt học sinh giỏi. Tuy nhiên, bây giờ, tìm được học sinh yếu kém rất khó vì hầu hết cả lớp đều là học sinh khá với giỏi, vì thế, giá trị của danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến cũng không còn quý giá, không còn được trân trọng như trước đây nữa.

"Bây giờ gia đình nào cũng văn hóa, gia đình có con cái nghiện ngập, chồng vợ đánh đập lẫn nhau, con cãi bố mẹ... cũng vẫn thấy treo biển văn hóa.

Việc phát biển văn hóa tùy tiện, cào bằng, hình thức đã phá hỏng cả một danh hiệu, biến một danh hiệu trở thành một thứ không có giá trị, không có tác dụng điều chỉnh các mối quan hệ, hành vi đạo đức, ứng xử trong xã hội.

Trong khi, mỗi năm phải mất bao nhiêu tiền ngân sách để in biển hiệu mà không mang lại hiệu quả, không có tác dụng gì thì nên xem xét lại, không cần in nữa.

Tôi nghĩ tiền in các biển hiệu văn hóa như thế nên để dành cho người nghèo, như vậy vừa có ý nghĩa, vừa tạo được giá trị lan tỏa trong xã hội", ông Bộ nói.

Chính vì nhận thấy những bất cập từ việc đánh giá danh hiệu văn hóa, ông Bộ cho biết ông đã từ chối nhận danh hiệu gia đình văn hóa.

Ông Bộ nhấn mạnh, đã đến lúc Bộ VH-TT-DL phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá một cách nghiêm túc, nếu thấy không có tác dụng, tốn kém, lãng phí thì bỏ đi.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dbqh-tu-choi-danh-hieu-van-hoa-vi-hinh-thuc-lang-phi-3395351/