ĐBQH: 'Vay nợ để bù đắp cho bội chi và trả nợ gốc hiện nay ở mức bình thường'

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân khẳng định vay nợ để bù đắp cho bội chi và trả nợ gốc hiện nay vẫn ở mức bình thường.

Trong báo cáo tình hình nợ công gửi tới Quốc hội, năm 2020, Chính phủ sẽ cần huy động khoảng 459.400 tỷ đồng để cân đối ngân sách trung ương. Cụ thể, khoảng 217 nghìn tỷ đồng vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương, vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng, vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ đồng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, PGS. TS Trần Hoàng Ngân.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, PGS. TS Trần Hoàng Ngân.

Đánh giá về động thái này của Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng, đây là việc bình thường.

"Cơ thể mình lớn thì mình phải chi nhiều hơn. Đó là chuyện bình thường. Chúng ta không nhìn số tuyệt đối mà nên nhìn số đó trong tổng mức tương đối. Nghĩa là khoản nợ chênh lệch với bao nhiêu phần trăm GDP. Kinh tế thế nào thì nợ tương ứng như thế.

Cho nên cái số 500 nghìn hay 400 nghìn tỷ đồng là chuyện bình thường. Vấn đề là ta vay để làm gì?

Ta phải chú ý đến chuyển dịch trong cơ cấu ngân sách nhà nước trong thời gian vừa qua là theo hướng tích cực. Chi đầu tư phát triển trước đây chỉ chiếm 22% đến bây giờ là 26-29%. Chi tiêu dùng trên 65% trong tổng chi thì bây giờ xuống còn 60-61%.

Tôi nghĩ, vay nợ để bù đắp cho bội chi và trả nợ gốc hiện nay là mức bình thường. Bởi vì, nó nằm trong tổng mức nợ phải trả trên tổng ngân sách chiếm tỉ lệ thấp, mặc dù số tuyệt đối là cao".

tran-hoang-ngan-1-1105579

500 nghìn hay 400 nghìn tỷ đồng là chuyện bình thường. Vấn đề là ta vay để làm gì?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Về nguồn vay khoản tiền khổng lồ này, vị đại biểu TP.HCM nhận định: "Rõ ràng khi vay người cần vay phải chủ động xem ở đâu lãi suất nó thấp. Vay nước ngoài thì ngoại tệ có độ rủi ro về mặt tỉ giá. Còn vay trong nước, lãi suất cao hơn lãi suất vay ngoại tệ, nhưng ổn định.

Hiện nay, Chính phủ nâng dần việc cho vay nội địa, vay trong nước nhiều hơn vay nước ngoài, cho nên nợ nước ngoài cũng sẽ giảm. Chúng ta nên giữ cơ cấu như vậy, tăng việc vay trong nước nhiều hơn là vay nước ngoài, trừ khoản phải vay đảo nợ, tức là khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ. Vay để đảo nợ, tôi cho đó là chuyện bình thường".

Phóng viên đặt vấn đề, nếu Chính phủ tận dụng nguồn vay trong nước có thể kéo theo lãi suất tăng cao, sẽ gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đồng tình: "Chính phủ nên tiếp tục kiểm soát chi ngân sách làm sao giảm các khoản chi một cách chặt chẽ để tiếp tục giảm bội chi ngân sách.

Khi nhu cầu vay của Chính phủ ít đi tức là tổng cầu vốn ít đi, lãi suất sẽ giảm. Đó là điều chúng ta đang làm và lãi suất trong thời gian vừa qua không có đột biến. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục giữ lãi suất theo hướng giảm chứ không tăng".

Tại phiên họp ngày 21/10, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của ngân sách Nhà nước như: Nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách Nhà nước. Đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Duy Thành

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dbqh-vay-no-de-bu-dap-cho-boi-chi-va-tra-no-goc-hien-nay-la-muc-binh-thuong-d505849.html