ĐBQH VŨ TIẾN LỘC: CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC QUÊN MỤC TIÊU DÀI HẠN VÀ CẤP BÁCH LÀ ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỂ CHẾ, TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, tiếp nhận thông điệp từ 'Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022', với thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn, ngoài việc tập trung vào các mục tiêu trước mắt, chúng ta không được quên mục tiêu dài hạn và cấp bách là đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Để "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022" thực sự có hiệu ứng tới sự phát triển kinh tế, xã hội

Tổng thuật "Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022": Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022.

"Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với những ghi nhận tích cực. Diễn đàn nhằm tập hợp, tham vấn các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hiệp hội về tình hình kinh tế để từ đó có phân tích, dự báo kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội...; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Điểm lại nội dung chính của "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá về tình hình thế giới và Việt Nam và có sự thống nhất, đồng thuận cao. Các ý kiến đều chỉ rõ, thế giới và Việt Nam đều chịu nhiều hậu quả nặng nề cả về kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19. Qua chung tay phòng chống và thực hiện nhiều giải pháp đến nay, tình hình dịch cơ bản kiểm soát và các nền kinh tế dần mở cửa trở lại và trên đà phục hồi.

Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh những tình huống mới. Trong đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp và nguy cơ về dịch chồng dịch. Từ đầu năm 2022, xung đột địa chính trị làm trầm trọng thêm những khó khăn thế giới phải đương đầu về đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao. Các yếu tố đình đốn và lạm phát tăng cao đan xen. Như các diễn giả nhận định, tăng trưởng 2022 giảm 1/2 so với 2021 còn lạm phát tăng gấp đôi. Điều này xảy ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong số đó có nhiều đối tác lớn của Việt Nam. Đứt gãy chuỗi cung ứng cũng làm suy giảm đầu tư, thương mại toàn cầu, du lịch quốc tế. Cùng với đó là biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan diễn biễn phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Trước tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức khi tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan khác buộc các nước, trong đó có Việt Nam phải đưa ra những giải pháp linh hoạt nhưng cũng phải rất thận trọng.

Vậy các Bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần thích nghi và triển khai những gì để chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và những thông điệp mà các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học đề xuất, kiến nghị tại Diễn đàn thực sự hữu ích và góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn TS.Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết đánh giá của mình về "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022" vừa được tổ chức tại Hà Nội và những nội dung, vấn đề trọng tâm khiến đại biểu quan tâm nhất cũng như có đề xuất như thế nào?

ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Tôi đánh giá cao việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, có nhiều nỗ lực để hồi sinh với một diện mạo mới và tầm vóc mới “Diễn đàn kinh tế Việt Nam”, vốn là một diễn đàn có uy tín hàng đầu được tổ chức thường xuyên hàng năm trước đây. Năm nay, Diễn đàn đã mở rộng phạm vi sang cả lĩnh vực xã hội, điều này là hợp lẽ bởi những vấn đề kinh tế - xã hội thực tế không thể tách rời nhau. Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại mỗi kỳ họp cũng là báo cáo về kinh tế - xã hội. Với sự tham ra của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các nhà khoa học, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

TS.Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Diễn đàn là biểu hiện sự đồng hành giữa Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Đảng và Nhà nước. Diễn đàn cung cấp một cách nhìn khách quan từ nhiều phía bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta và có ý nghĩa tham khảo quý giá cho Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Đó là thành công lớn nhất của Diễn đàn.

Các phiên thảo luận tại diễn đàn này cho thấy, chẳng có vấn đề nào là vấn đề thuần túy kinh tế cả mà kinh tế - xã hội luôn được lồng ghép cộng hưởng. Chương trình ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế chứa đựng cả các giải pháp về kinh tế và xã hội. Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, sửa đổi Luật đất đai hay là vấn đề thị trường lao động được đề cập trong các phiên thảo luận của Diễn đàn cũng luôn xuất phát từ góc nhìn tổng thể kinh tế - xã hội và đặt con người, đặt người dân ở vị trí trung tâm.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết nhận định về những thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại Diễn đàn cũng như những khuyến nghị, khuyến cáo mà các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam?

ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Dù trong thảo luận vẫn còn những ý kiến khác nhau và đó là điều bình thường, cũng chính bởi vậy chúng ta mới cần Diễn đàn, cần đối thoại. Nhưng xu hướng chung là đồng thuận. Chúng ta thống nhất với nhau rằng để phục hồi và phát triển nền kinh tế thì phải tiếp tục củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Nói như Chủ tịch Quốc hội nói: “Mất ổn định kinh tế vĩ mô là hết”. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đầy thách thức trong bối cảnh áp lực lạm phát đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu, nhưng chúng ta cũng không thể không kiên định mục tiêu này.

Chúng ta hiểu một cách rất rõ ràng rằng: sau những nỗ lực tái cơ cấu lại các khoản nợ của các doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại, thực chất là chúng ta đã cho vay dưới chuẩn và vay dưới chuẩn luôn tiềm ẩn các rủi ro. Chúng ta đã có những nỗ lực tăng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế với một quy mô rất lớn từ đầu năm đến nay (gần 10%) thì dư địa của chính sách tiền tệ còn lại sẽ không còn nhiều so với tốc độ tăng cung ứng tín dụng mục tiêu là 14%. Vì vậy, để ổn định kinh tế vĩ mô rất cần dựa vào vai trò chủ công của chính sách tài khóa và có sự tích hợp cộng hưởng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tôi nghĩ rằng, việc ngân sách Nhà nước thông qua chính sách tài khóa yểm trợ cho dòng vốn cho vay của ngân hàng, để giảm chi phí cho vay của ngân hàng thông qua chính sách hỗ trợ 2% lãi suất là một ví dụ tuyệt vời của sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Suy cho cùng, chính việc duy trì và mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp chính là nền tảng vật chất cho ổn định nền kinh tế vĩ mô và việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ là các chính sách tài khóa tiền tệ như giảm, giãn hay hoãn các khoản thuế, phí phải nộp, nới room tín dụng, giảm lãi suất cho vay… mà giải pháp chính vẫn là các cải cách thể chế để khơi thông các điểm nghẽn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022.

Các nỗ lực trong việc xây dựng và thông qua lần đầu tiên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cũng như là việc đặt quyết tâm sửa đổi Luật Đất đai trong mối tương quan đồng bộ với các văn bản pháp luật khác là những nỗ lực theo hướng đó. Chúng ta đều hiểu là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển chính là cải cách thể chế vì cải cách thể chế sẽ khơi nguồn cho các nguồn lực phát triển. Thể chế chính là kênh dẫn vốn và nguồn lực vô tận cho phát triển kinh tế - xã hội. Một vấn đề quan trọng nữa đang nổi lên và rất cần lưu ý là trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô quốc gia cũng như ở tầm vi mô doanh nghiệp là việc nâng cao năng lực tự cường, khả năng chống chịu và quản trị rủi ro.

Phóng viên: Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức khi tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan khác buộc các nước, trong đó có Việt Nam phải đưa ra những giải pháp linh hoạt nhưng cũng phải rất thận trọng. Theo đại biểu, các cơ quan, Bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần có những thay đổi như thế nào để thích nghi, đối phó kịp thời với những biến động đó để mang lại những hiệu quả thực sự cho phát triển kinh tế-xã hội và cuộc sống của Nhân dân?

ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển với rất nhiều biến đổi bất định khó lường. Chúng ta sẽ không thể dự báo được những bất định sẽ xảy ra, cũng như không thể kiểm soát ngặn chặn được những xu hướng bất định đó. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là nâng cao năng lực nội sinh của chính chúng ta, của nền kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp để có thể chống chịu và thích nghi với mọi sự thay đổi. Nâng cao khả năng chống chịu, quản trị rủi do, phòng ngừa và xử lý tranh chấp sẽ là năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới đang biến đổi khó lường. Một trong những lý do quan trọng các FDI đang lựa chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu cũng xuất phát từ góc nhìn an toàn và khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam.

Tại Diễn đàn kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hơn một lần nhấn mạnh: Ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố bất biến mà chúng ta cần phải giữ để ứng phó với một thế giới vạn biến. Ngoài việc tập trung vào các mục tiêu trước mắt, chúng ta không được quên mục tiêu dài hạn và cấp bách là đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế. Tôi thiết nghĩ, đây là một thông điệp xuyên suốt để định hướng các nỗ lực của chúng ta và giữ vững niềm tin của toàn hệ thống trong quá trình hồi phục và phát triển nền kinh tế trong những năm sắp tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=68786