ĐBSCL: Giám sát chặt chẽ diễn biến lũ, kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó

Trong những ngày gần đây, lũ từ thượng nguồn sông MeKong đổ về khiến cho mực nước ở các sông vùng ĐBSCL đang lên nhanh đe dọa tính mạng, tài sản… của người dân. Nhằm giảm thiểu thiệt hại, hiện nay các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang theo dõi sát sao diễn biến của lũ để kịp thời thông tin đến người dân cũng như đưa ra các giải ứng phó.

Do lũ từ thượng nguồn sông MeKong đổ về khiến cho mực nước ở sông Hậu và các tuyến sông khác đang lên nhanh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ghi nhận ngày 30/7/2018, mực nước cao nhất tại Tân Châu là 2,9m và sẽ tăng lên 3,2m vào ngày 3/8/2018. Do ảnh hưởng của lũ sớm, mực nước tăng cao nên tại huyện An Phú, tỉnh An Giang có nhiều diện tích lúa Hè Thu bị ảnh hưởng, với khoảng trên 450 ha.

Hầu hết diện tích lúa Hè Thu này đã vào giai đoạn chín, sắp tới thời điểm thu hoạch, tuy nhiên do mưa lớn những ngày qua, kết hợp triều cường và chu kỳ nước dâng trong mùa lũ, nên mực nước trên các tuyến sông vùng đầu nguồn tăng cao, gây ngập lụt và thiệt hại diện tích lúa của nông dân.

Theo thống kê, ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú có khoảng 154 ha lúa Hè Thu bị ngập trong nước lũ, để giảm thiệt hại cho bà con, các ngành chức năng huyện An Phú đã huy động các lực lượng giúp người dân thu hoạch được trên 122 ha.

Còn tại xã Phú Hội diện tích lúa bị thiệt hại do lũ có thể nhiều hơn, Phó Chủ tịch UBND Phú Hội Nguyễn Huy Tuấn cho biết, xã Phú Hội có khoảng 300 ha lúa do nông dân trong xã sản xuất tự phát ngoài đê bao bị nước lũ uy hiếp. Tuy nhiên, nhờ có các lực lượng quân sự, bộ đội biên phòng hỗ trợ nên đã thu hoạch chạy lũ được 270 ha, số còn lại đang bị ngập nước.

Trước diễn biến bất thường của lũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang đã yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh.

Đồng thời, có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao; tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê bao, cống, các điểm xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng để kịp thời xử lý; huy động lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ giúp dân thu hoạch lúa.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay vụ lúa Hè Thu nông dân của tỉnh đã thu hoạch xong được khoảng 70% diện tích, dự kiến đến tháng 8/2018 sẽ thu hoạch hết. Trong những ngày vừa qua, mực nước trên các sông tăng nhanh, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến diện tích lúa Hè Thu của bà con trong tỉnh.

Trước tình hình mực nước trên các sông đang tăng, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL lo lắng cho diện tích lúa Thu Đông mới được gieo xạ

Tuy nhiên, "Với mực nước trên các sông cứ tiếp tục tăng trong những ngày tới thì ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang rất lo cho diện tích lúa Thu Đông hay còn gọi là vụ 3, vì hiện nay toàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 60% tổng diện tích khoảng 30.000ha, nếu mực nước cứ tiếp tục lên sẽ gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân" - ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đồng cũng yêu cầu, trong những ngày tới, các cơ quan chức năng theo dõi tình hình mực nước thông tin đến người dân, chính quyền địa phương cùng thực hiện các biện pháp gia cố bờ bao hạn chế nước tràn vào ruộng, khơi thông kênh rạch thoát nước, trang bị máy bơm hút nước bảo vệ diện tích lúa,...

Tại TP.Cần Thơ, hiện nông dân ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai... đã gieo xạ vụ lúa Thu Đông được trên 71.700ha và một số nơi nông dân vẫn đang tiếp tục gieo xạ. Ông Nguyễn Quý Ninh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN TP.Cần Thơ cho biết, trước tình hình mực nước trên các tuyến sông tăng trong những ngày qua, Ban Chỉ huy cùng các Sở, ngành tiến hành rà soát diện tích lúa Hè Thu của nông dân ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ...

Song các cơ quan chức năng TP.Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp nào bị thiệt hại do lũ. “Hiện nay, trên địa bàn TP.Cần Thơ có hơn 71.700ha lúa Thu Đông nông dân mới gieo xạ nằm trong vùng có đê bao, nhưng các địa phương, người dân cần thường xuyên kiểm tra, khắc phục những đoạn đê bao bị yếu bảo vệ diện tích lúa" - ông Nguyễn Quý Ninh khuyến cáo.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang yêu cầu, Chi cục Thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chửa các công trình thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây.

Đồng thời, giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trước, trong và sau mùa lũ theo kế hoạch; các địa phương vận động người dân chằng chống nhà cửa, kê kích vật tư, hàng hóa đảm bảo không bị ảnh hưởng do lũ...

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/dbscl-giam-sat-chat-che-dien-bien-lu-kip-thoi-dua-ra-cac-giai-phap-ung-pho-1256594.html