ĐBSCL: Lốc xoáy làm sập và tốc mái nhiều căn nhà

* Gió Tây Nam mạnh, Nam bộ sẽ có mưa dông diện rộngNgày 23-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đã đến thăm và tặng quà một số hộ dân bị thiệt hại do mưa lớn, kèm theo dông và lốc xoáy vào chiều 22-8 tại 2 huyện Ba Tri và Bình Đại.

 Lực lượng đoàn viên, quân sự, dân quân hỗ trợ người dân khắc phục sự cố thiên tai. Ảnh: TÍN HUY

Lực lượng đoàn viên, quân sự, dân quân hỗ trợ người dân khắc phục sự cố thiên tai. Ảnh: TÍN HUY

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), chiều 22-8, lốc xoáy đã xuất hiện tại huyện, làm sập và tốc mái khoảng 80 căn nhà, nhiều cây xanh ven đường bị đổ ngã, các bảng hiệu bị hư hỏng. Tại huyện Ba Tri có một căn nhà bị sập hoàn toàn, 77 căn bị tốc mái, 23 cột điện trung thế, 2 cột điện hạ thế bị gãy đổ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đã động viên các gia đình bị thiệt hại cố gắng vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống; chỉ đạo các địa phương cập nhật thiệt hại để hỗ trợ theo quy định, hỗ trợ các hộ dân tìm nơi trú ngụ tạm thời, đảm bảo an toàn trước tình hình mưa bão còn xảy ra trong những ngày tới.

Lốc xoáy làm nhiều cột điện gãy đổ, nhiều cây cối gãy nằm chắn ngang đường, ảnh hưởng giao thông. Ảnh: TÍN HUY

Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Sóc Trăng, tính từ đầu năm 2021 đến nay, dông lốc làm sập và tốc mái khoảng 228 căn nhà, tổng thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng. Riêng trong ngày 22-8, dông lốc đã làm sập 17 căn nhà. Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 24 vụ thiên tai, làm chết 1 người (cây ngã đè), bị thương 2 người, gần 40ha cây ăn trái và 10ha lúa bị đổ ngã, sạt lở hơn 52.000m đê bao…

Lần đầu tiên lốc xoáy xảy ra tại Bến Tre, vòi rồng cao hàng chục mét cuốn đi nhiều nhà cửa, vật kiến trúc của người dân. Ảnh: TÍN HUY

Còn tại TP Cần Thơ, ghi nhận đến cuối tháng 7-2021, đã xảy ra 22 đợt lốc xoáy, làm chết 1 người, 5 người bị thương, 500 căn nhà bị sập và tốc mái, tổng thiệt hại trên 3,6 tỷ đồng.

* Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Tỉnh Quảng Trị có 31 dự án điện gió được phê duyệt, tập trung ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Việc thi công các công trình làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước. Đặc biệt, các bãi thải có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy, có khả năng gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngoài dự kiến.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết: “Trước mắt, các chủ đầu tư dự án điện gió cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đảm bảo đời sống của người dân trong vùng dự án. Đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật lực để hỗ trợ di dời người dân tại các vùng có nguy cơ”. Về lâu dài, các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Trị cho rằng phải tiến hành rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi đảm bảo an toàn.

* Cùng ngày, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cập nhật dự báo, thời tiết trong những ngày tới ở Nam bộ sẽ diễn biến xấu do ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh dần lên. Ngày 24-8, ở Nam bộ và Tây Nguyên sẽ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30-60mm/24 giờ, có nơi trên 80mm/24 giờ (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm). Trong mưa dông cần phải đề phòng nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tuy nhiên từ ngày 25 đến 28-8, mưa dông ở TPHCM sẽ gia tăng thêm cường độ, vùng mưa sẽ lan ra toàn bộ khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Ở Trung bộ, đến ngày 26-8 sẽ kết thúc nắng nóng trên diện rộng. Còn ở vùng núi Bắc bộ đang bước vào đợt mưa 100-250mm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ngày 23-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra Công văn số 386, yêu cầu 15 tỉnh ở Tây Bắc bộ và Đông Bắc bộ triển khai ứng phó đợt mưa lũ này.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dbscl-loc-xoay-lam-sap-va-toc-mai-nhieu-can-nha-756259.html