ĐBSCL, “Mỏ tôm”… dần cạn!

(SGGP-12G).- Mùa tôm sú chính vụ tại ĐBSCL đã qua hơn 2 tháng nhưng nhiều trang trại nuôi tôm vẫn “treo vuông”. Không ít nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đang “kêu cứu” do “đói” nguyên liệu. Vì sao người nuôi quay lưng với con tôm?

Con tôm tiến… lùi Chưa bao giờ “mỏ tôm” ĐBSCL lại chứng kiến một nghịch lý buồn như mùa tôm 2009. Tôm nguyên liệu thiếu trầm trọng, giá mua tăng nhưng người dân vẫn không thả nuôi. Hiện diện tích thả nuôi tại nhiều địa phương chỉ đạt khoảng 40% - 50%. Tại huyện Duyên Hải, vùng trọng điểm nuôi tôm của tỉnh Trà Vinh với diện tích 14.000ha, đến thời điểm này chỉ có 9.900 hộ thả nuôi hơn 750 triệu con tôm giống nhưng có hơn 45% diện tích và con giống thả nuôi bị chết. Tôm nuôi bị chết ở giai đoạn từ 1,5 đến 2 tháng tuổi. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2008, lượng con giống thả nuôi giảm 50%, diện tích thả nuôi giảm hơn 30%. Ông Phan Văn Bửu, chủ trang trại nuôi tôm sú công nghiệp rộng 3,5ha ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải than thở: “Tôi bắt đầu nuôi tôm sú cách đây 8 năm. 3 năm đầu thu nhập hàng trăm triệu đồng nhưng từ năm 2003 đến 2008 năm nào cũng trắng tay do giá tôm bấp bênh, dịch bệnh tràn lan. Hiện gia đình nợ ngân hàng hơn 1,2 tỷ đồng, sổ đỏ 3,5 ha nuôi tôm hiện đang thế chấp ngân hàng không biết bao giờ mới “chuộc” lại được. Người dân nuôi tôm sú bây giờ ngán ngẩm lắm, tình hình này chắc “treo ao” luôn”. Không riêng trang trại nuôi tôm sú công nghiệp của ông Phan Văn Bửu “treo ao” mà trong 203 trang trại nuôi tôm công nghiệp tại xã Long Khánh cũng có đến 200 trang trại xếp máy quạt nước ô xy, chuyển sang nuôi tôm quảng canh xen với nuôi cua biển. Con tôm sú ở xứ biển này đang lùi bước, trả “ngôi vương” lại cho con cua biển. Ông Lâm Minh Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, trăn trở: “Không khí nuôi tôm năm nay trầm lắng và đìu hiu so với các năm. Năm 2008, huyện Duyên Hải có 850 trang trại nuôi tôm, ở cả 3 hình thức nuôi nhưng trong vụ nuôi tôm 2009 này toàn huyện chỉ có khoảng 200 trang trại nuôi tôm hoạt động. Từ hình thức nuôi tôm công nghiệp hiện đại, người dân chuyển dần sang các hình thức nuôi quảng canh cải tiến hay mô hình tôm - rừng nhằm giảm bớt rủi ro. “Mỏ tôm” Duyên Hải đang dần teo tóp…”. Theo Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT) nhận định, đến nay toàn vùng mới thả nuôi được 477.536ha, giảm hơn 38.200ha so với cùng thời điểm năm trước.Đặc biệt là diện tích nuôi công nghiệp và bán công nghiệp giảm mạnh ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh. Ngay như Bạc Liêu, địa phương có diện tích nuôi tôm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp lớn nhất khu vực (10.000ha) đến nay chỉ mới thả giống khoảng 2.400ha, chiếm 23% kế hoạch; Cà Mau thả giống gần 1.000ha/3.000ha (hơn 30% kế hoạch); Sóc Trăng thả nuôi hơn 1.000ha/5.000ha, chiếm 20% kế hoạch và Trà Vinh thả giống hơn 2.600ha/8.500ha, chiếm 30,5% kế hoạch. Bao giờ doanh nghiệp và người nuôi cộng đồng quyền lợi? Để doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu không “đói” nguyên liệu, hàng chục ngàn công nhân có việc làm, hàng trăm ngàn nông dân nuôi tôm ĐBSCL không lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do giá tôm “3 chìm, 7 nổi”, một giải pháp cấp bách và mang tính nhân văn là: Doanh nghiệp và người nuôi tôm phải cùng ngồi chung một chuyến thuyền, cùng chia sẻ rủi ro, bình đẳng trong phân chia lợi nhuận. Có như thế người nuôi tôm sẽ an tâm làm ra sản phẩm, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu sản xuất lâu dài, nghề nuôi tôm phát triển bền vững, tránh cảnh “ăn xổi ở thì” như hiện nay. Hàng chục năm qua, tôm sú là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, nếu không có chính sách thỏa đáng, công bằng, đảm bảo lợi ích người nuôi tôm, nguy cơ “mỏ tôm” ĐBSCL cạn dần là điều hoàn toàn có thể xảy ra. “Khi ngành thủy sản gặp khó khăn, rất dễ xảy ra các xung đột về lợi ích trong một chuỗi giá trị sản phẩm như giữa nhà máy chế biến với nông dân. Phải đặt nông dân với vai trò người làm ra nguyên liệu lên trên hết, việc còn lại là nội bộ các doanh nghiệp hội viên phải ngồi bàn bạc tháo gỡ”, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trần Thiện Hải đã khẳng định như vậy trong hội nghị mới đây của ngành thủy sản Việt Nam. Rõ ràng, thiếu vốn cho nuôi tôm ở ĐBSCL không phải là nguyên nhân chính mà điều quan trọng dẫn đến tình trạng người dân “treo vuông” khiến “mỏ tôm” dần cạn là do cơ chế, chính sách giá cả thiếu minh bạch, công bằng đối với người nuôi. Không riêng con tôm mà ngay cả với cá tra, hạt lúa… nhà nông ĐBSCL cũng mong đợi một chính sách mới mang tầm vĩ mô từ các nhà hoạch định chính sách để nông dân không phải chịu cảnh quá thiệt thòi như hiện nay. Đình Cảnh

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thongtincanuoc/2009/6/194998/