ĐBSCL sẽ có nhiều nông doanh

Nhận diện thách thức trên đường phát triển, nguồn nhân lực ÐBSCL đang báo động với thực trạng dân số có xu hướng giảm, thực trạng di dân, lao động dịch chuyển về vùng khác… Báo Cần Thơ đã phỏng vấn TS Ðặng Kiều Nhân về vấn đề này.

* Ông nhận định như thế nào về vấn đề trên đặt ra trong xu thế phát triển?

- Về xu hướng phát triển, sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp và nông thôn đến khu vực công nghiệp, dịch vụ và thành thị là một hiện tượng bình thường của phát triển kinh tế - xã hội. Di dân theo mùa và thay đổi định cư cho sinh kế là hiện tượng không mới đối với nước ta và ở các nước khác khi mà kinh tế đổi chiều. Bất kỳ quốc gia nào trong tiến trình phát triển cũng gặp xu hướng này.

Tuy nhiên, điều đó cho thấy nền kinh tế của vùng ÐBSCL phát triển chậm. Nền kinh tế của vùng chủ yếu dựa vào nông nghiệp, không giúp cải thiện đời sống nông dân. Trong khi đó, công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển và không đủ tạo ra việc làm để tạo cơ hội tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Qua số liệu thống kê cho thấy, các tỉnh ven biển có tỷ lệ di dân nông thôn cao hơn và nữ đi nhiều hơn nam, so với các tỉnh ở tiểu vùng nước ngọt. Nhu cầu lao động cho nuôi trồng thủy sản thấp hơn trồng trọt làm cho lao động nông thôn thiếu việc làm nhiều hơn, đặc biệt là lao động nữ. Vậy thì dân đồng bằng đi đâu? Số liệu thống kê cho thấy họ tới các thành phố hoặc khu công nghiệp nội vùng ít, chủ yếu đến Bình Dương, Ðồng Nai và TP Hồ Chí Minh, nơi có cơ hội việc làm nhiều hơn từ phát triển công nghiệp, dịch vụ và thương mại.

* Phân tích cơ cấu lao động trong vùng, thực trạng phân bố lao động ở ÐBSCL cho thấy chịu những rủi ro, tác động nào khác, thưa ông?

- Hiện chỉ có khoảng 5% lực lượng lao động của vùng làm việc trong khu vực nhà nước, khoảng 5% lao động làm việc trong khu vực kinh tế có yếu tố nước ngoài, còn lại đến 90% lao động ở khu vực kinh tế tư nhân. Ðiều này cho thấy nếu khu vực kinh tế tư nhân kém phát triển thì xuất cư là điều hiển nhiên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ở vùng ÐBSCL có đến 50% nông dân ở tiểu vùng lũ hoặc ven biển diện tích đất canh tác dưới 1ha. Ở tiểu vùng giữa - phù sa, nước ngọt và canh tác vườn là chủ yếu, thì đất ít hơn, dưới 0,5ha. Hộ nông dân thuần nông với bốn nhân khẩu và 2-3 lao động chính với diện tích canh tác đó thì thu nhập chỉ đủ ăn và không đáp ứng nhu cầu thiết yếu khác của cuộc sống. Ðó là năm bình thường, chưa kể yếu tố rủi ro thiên nhiên và thị trường nông sản biến động.

Thu nhập bình quân hằng tháng của lao động trong vùng thấp hơn trung bình chung của quốc gia khoảng một triệu đồng và thấp hơn vùng Ðông Nam Bộ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Mặc dù thu nhập có tăng lên trong 10 năm qua, nhưng tốc độ tăng lên vẫn thấp hơn vùng Ðông Nam Bộ, do tỷ trọng sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu thu nhập cao hơn. Thu nhập bình quân thấp nhất và có tỷ trọng từ sản xuất nông nghiệp cao nhất là ở tiểu vùng ven biển.

* Thưa ông, khoảng 40 năm trước miền Tây từng được xem là nơi “làm chơi ăn thiệt”, dễ sống, vì sao ngày nay có sự thay đổi ngược lại?

- Từ 20-30 năm trước đây, người ta nói “muốn lập nghiệp thì về miền Tây”, bây giờ thì có vẻ ngược lại. Trước đây kinh tế và sinh kế cư dân chủ yếu dựa vào khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên, khi mà tài nguyên còn màu mỡ và thuận lợi. Miền Tây có lợi thế so sánh về sản xuất nông nghiệp nhưng năng suất và lợi nhuận gần tới ngưỡng, tăng lợi nhuận hơn nữa thì phải đầu tư thâm canh và dẫn đến hậu quả xấu về môi trường và nhạy cảm nhiều hơn với thay đổi của tự nhiên và xã hội. Bây giờ khác, kinh tế đổi chiều, đó là công nghiệp, dịch vụ và tri thức. Thành ra, kinh tế nông nghiệp bằng khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên và tạo ra sản phẩm thô có giá trị thấp thì không đủ nâng cao thu nhập và đời sống nông dân và lao động nông thôn khi mà mức sống của xã hội ngày càng tăng lên, trong khi môi trường tự nhiên không còn thuận lợi nữa.

Các nhà máy xí nghiệp thu hút lao động từ vùng nông thôn ở ĐBSCL đến làm việc. Trong ảnh: Công ty CP May Tây Đô đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.700 lao động. Ảnh: HĐ

Các nhà máy xí nghiệp thu hút lao động từ vùng nông thôn ở ĐBSCL đến làm việc. Trong ảnh: Công ty CP May Tây Đô đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.700 lao động. Ảnh: HĐ

* Theo đà gia tăng dân số vùng ÐBSCL sẽ tăng lên 20 triệu dân, nhưng dự báo mới đây dân số giảm. Như vậy nguồn nhân lực cho ÐBSCL tương lai, điều cần phải làm là gì?

- Một gia đình đông nhân khẩu mà sống bằng nghề nông thì không thể khá được. Do đó, tôi nghĩ kỳ vọng dân số của vùng tăng lên đến 20 triệu mà sống dựa vào kinh tế nông nghiệp thì không phù hợp. Thực tế cho thấy lao động miền Tây xuất cư có mặt tích cực: tạo thu nhập và nâng cao đời sống, giảm bớt lao động nông nghiệp và nông thôn tại chỗ, thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và tích tụ ruộng đất để phát triển trang trại lớn - cái này được coi là kinh tế nhân lực. Giảm nghèo ở nông thôn cũng vậy, ít đất sản xuất thì làm sao có thu nhập phi nông nghiệp mới thoát nghèo bền vững. Mặt khác, nếu nhiều lao động trẻ có trình độ và tay nghề di cư ra khỏi vùng thì làm giảm chất lượng nguồn nhân lực nội vùng để phát triển công nghiệp nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế tri thức. Do đó, mấu chốt của vấn đề là nền kinh tế của vùng tạo ra giá trị cao hơn, tạo cơ hội việc làm nhiều và ổn định hơn, môi trường sống và hưởng thụ nhu cầu cơ bản của con người được đảm bảo.

* Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ ban hành đi vào cuộc sống, ÐBSCL sẽ giữ chân nguồn lao động ở lại địa phương, thưa ông?

- Gặp khó và thách thức mới bừng tỉnh. Ðiều đáng mừng là Nghị quyết 120 của Chính phủ ra đời đúng thời điểm. Nghị quyết đã đánh giá thế mạnh, cơ hội và thách thức, có quan điểm và định ra giải pháp chiến lược hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của vùng trong bối cảnh mới của vùng, quốc gia và thế giới. Theo đó, kinh tế của vùng là công nghiệp và kinh doanh nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghiệp và giá trị cao từ sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, dựa trên lợi thế sinh thái của từng tiểu vùng. Kinh tế vùng không chỉ trong đất liền mà còn kinh tế biển. Như vậy, lúc đó không còn nói là năng suất hay sản lượng lúa, trái cây, thủy sản,… của địa phương này, địa phương kia mà là giá trị và lợi nhuận sản xuất, việc làm và thu nhập của cư dân. Nghị quyết cũng chỉ ra rằng phát triển kết cấu hạ tầng và cơ chế quản trị liên kết phát triển nội vùng và liên vùng là điều kiện cần để đạt được mục tiêu đó.

Từ khi có Nghị quyết 120, Chính phủ đã và đang triển khai Quy hoạch tích hợp vùng ÐBSCL, và khi có quy hoạch vùng thì tiếp theo triển khai quy hoạch tích hợp từng tỉnh dựa trên định hướng quy hoạch vùng, theo mục tiêu và quan điểm của Nghị quyết. Ðây là quy hoạch tích hợp vùng triển khai đầu tiên của cả nước theo Luật Quy hoạch mới. Cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến vị thế và sự phát triển bền vững của ÐBSCL.

* Nếu xếp thứ tự đối tượng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, ông có ý kiến gì?

- Nhân lực và lao động là yếu tố động và vùng ÐBSCL sẽ là vùng kinh tế - xã hội mở, có tương tác với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Ðông Nam Bộ và khu vực lân cận.

Do đó, theo tôi, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phải là đối tượng nông dân, HTX, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, đối tượng cung cấp dịch vụ kinh doanh nông nghiệp (bao gồm cán bộ khuyến nông) để thay đổi tư duy, phương cách sản xuất và kinh doanh và tiếp cận tiến bộ và dịch vụ xã hội tốt hơn.

Song song đó, cần có môi trường thuận lợi, quan trọng nhất là hạ tầng giao thông và dịch vụ hậu cần, bao gồm đào tạo nhân lực, để thúc đẩy phát triển công nghiệp và kinh doanh nông nghiệp của nhóm đối tượng trên. Cũng cần nói thêm rằng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn cần phải có đầu tư và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước chứ không phải khoán hết cho dịch vụ tư.

Ðược như vậy, vùng ÐBSCL sẽ ít nông dân và nhiều nông doanh hơn, phân bố lại lao động và dân cư nội vùng, thu hút doanh nghiệp và ngay cả lao động có chất lượng cao ngoài vùng. Khi đó, kinh tế và dòng lao động sẽ đảo chiều.

* Xin cảm ơn ông!

HỮU ÐỨC (thực hiện)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dbscl-se-co-nhieu-nong-doanh-a133184.html