ĐCS Trung Quốc trở lại hồng chuyên

(Toquoc)-Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ tháng 9 thảo luận củng cố công tác Đảng trong tình hình mới.

(Toquoc) - Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ tháng 9 thảo luận củng cố công tác Đảng trong tình hình mới, nhấn mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ hồng và chuyên. Trong 60 năm lãnh đạo đất nước, đảng Cộng sản Trung Quốc gặt hái được nhiều thành tựu lớn về công tác lãnh đạo và xây dựng Đảng. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế là đảng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có hàng loạt vụ tham nhũng, mở rộng khoảng cách giàu nghèo và bất ổn xã hội tràn lan. Vì vậy, Hội nghị lần này chính là thời điểm để lãnh đạo Đảng này xem xét và tìm ra cách thức để củng cố sự kiểm soát của Đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc xem xét công tác xây dựng đảng 15 năm trước đây, tại Hội nghị Trung ương 4 của khóa 14. Quang cảnh một phiên đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc Trẻ, hồng và chuyên - cuộc cách mạng thầm lặng Jerry, sinh viên đại học, đã phấn đấu suốt 3 năm qua để được vào Đảng. Hope, tiến sĩ triết học, mong muốn vào Đảng với ước vọng thay đổi xã hội. Còn với Tina, cô chỉ muốn có một công việc để làm. Những trí thức trẻ tuổi này, đều là nữ và xuất thân từ thành phố, là đại diện cho một bộ mặt mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay bao gồm đại bộ phận các đảng viên già và nam giới. Với hơn 74 triệu đảng viên, tăng so với 50 triệu đầu những năm 1990, Đảng Cộng sản Trung Quốc là chính đảng lớn nhất thế giới. Đảng hiện đã có các đảng viên là triệu phú, có chi bộ trong Wal-Mart (công ty siêu thị của Mỹ) và dự định lập chi bộ ở trạm không gian vũ trụ. Các đảng viên ở cấp cao hiện hầu hết vẫn là nam giới, nhưng giờ đã có quy định tuổi nghỉ hưu và thậm chí có cả chỉ tiêu kết nạp nữ giới. Trong những năm gần đây, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tập trung nhắm vào các đối tượng xuất sắc và tài năng nhất. Giáo sư Jeremy Paltiel, Đại học Carleton (Canada), cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc về cơ bản đã chuyển mình từ một tổ chức đại chúng phục vụ công tác huy động quần chúng và tuyên truyền lý tưởng, thành một lực lượng lãnh đạo kỹ trị. Trong những năm 1980, những người vào đảng từng bị đồng nghiệp coi thường như những kẻ theo chủ nghĩa danh vọng và sinh viên hạng hai. Hiện nay, một số sinh viên ưu tú được tham dự các cuộc sinh hoạt đảng vẫn coi các hoạt động này là ít bổ ích. Dù vậy, có tới 30-50% trong số họ đã nộp đơn xin vào Đảng. Tỷ lệ được kết nạp 5% phản ánh sự khát khao của những người cảm tình Đảng: Đảng chỉ chọn những người ưu tú nhất, có tiềm năng lãnh đạo và có lý tưởng thanh niên – mặc dù một số trường hợp có động cơ không trong sáng. Để leo lên nấc thang lãnh đạo trong chính phủ, tư cách đảng viên là một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có sức hấp dẫn với các công ty tuyển dụng. Tina, cô gái xin vào đảng với mục đích tìm việc như đã nói ở trên, giải thích: Mục đích của công ty là tìm kiếm ứng cử viên có tài năng, hơn là vì mục đích tìm một người có lý tưởng trong sạch. Cô nói: “Thú thực, tôi hơi xấu hổ. Những người khác vào Đảng nhằm xây dựng Đảng và đất nước. Còn với tôi chỉ là mục đích tìm việc làm”. Vận dụng khái niệm “dân chủ” Thật khó có thể khái quát hóa suy nghĩ của một dân tộc đa dạng với 1,3 tỷ người; và sẽ không thể đoán họ tin vào điều gì khi không có sự kiểm duyệt và tuyên truyền của chính phủ. Tuy nhiên, cuộc điều tra về thái độ chính trị do Asian Barometer tiến hành, được coi là toàn diện nhất hiện nay, đã cho thấy những kết quả ngạc nhiên. Khi được đề nghị đánh giá về nền dân chủ hiện tại, theo thang điểm 1-10, người Trung Quốc cho điểm nước mình là 7,22 – cao thứ 3 ở châu Á và vượt nhiều so với Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc. Tiến sĩ Tianjin Shi kết luận: “Văn hóa chính trị Trung Quốc khiến mọi người hiểu về dân chủ theo một cách khác, và điều này giúp chính quyền dễ dàng vận dụng”. Trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà quan sát phương Tây, trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng gần đây nhất, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã nhắc tới từ “dân chủ” hơn 60 lần. Tiến sĩ Yawei Liu, thành viên Chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Carter (Mỹ), người từng có nhiều kinh nghiệm làm việc với các quan chức Trung Quốc nhằm nâng cao nhận thức về bầu cử và dân sự, nói: “Họ thường nói về dân chủ mang đặc sắc Trung Quốc. Vấn đề của tôi là không ai có thể đưa ra một định nghĩa đó là đặc sắc gì”. Giáo sư xã hội học thuộc Đại học Tân Hoa, Sun Liping, đầu năm nay đã cảnh báo rằng nguy cơ lớn nhất của Trung Quốc không phải là bất ổn xã hội như nhiều học giả nhìn nhận, mà là “sự tha hóa của xã hội”, với tình trạng bất bình đẳng và bị bỏ rơi ngày càng gia tăng. Ông nói: “Nguyên nhân cơ bản là một cuộc hôn phối giữa quyền lực chính trị và tư bản. Hai thế lực này bắt tay ở Trung Quốc”./. Khánh Lâm (Gt)

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Dcs-Trung-Quoc-Tro-Lai-Hong-Chuyen.html