Đề án 1019: Tạo cơ hội giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng

Sau 8 năm triển khai Đề án Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012-2019 (Đề án 1019), các Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ Côi tại nhiều địa phương đã dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, góp phần hỗ trợ họ từng bước khắc phục khó khăn, xóa bỏ mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.

Đề án 1019, tạo cơ hội giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Theo đó, về công tác dạy nghề cho người khuyết tật theo Đề án 1019 trong thời gian qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp phối hợp với các tổ chức dạy nghề, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tổ chức 65 lớp học nghề cho 1.397 học viên là người khuyết tật. Các nghề được đào tạo (22 nghề) bao gồm: Chế biến cói mỹ nghệ, mây tre đan; làm tranh lưu niệm bằng đá quý, tranh gạo rang, tranh lông gà; chiếu tre, đồ trang sức, thêu ren, may; nón lá, móc hộp, chổi đót (chổi chít); kinh doanh online…

Số người khuyết tật qua học nghề có việc làm và có thu nhập ổn định từ 1 triệu đến 4,5 triệu đồng là 80%, có 286 người khuyết tật đã là chủ các cơ sở, Hợp tác xã, công ty, có Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi cấp xã đã thành lập được công ty sản xuất, điển hình là Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân đã thành lập Công ty Sản xuất tranh lưu niệm Lam Sơn. Ngoài ra, Hội cũng đã thành lập được Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển với số hội viên là 420 người; đã có 702 hộ có người khuyết tật thoát nghèo và gần 200 hộ người khuyết tật vươn lên hộ khá. Qua đó, đã khơi dậy được niềm tin, nghị lực tài năng của cộng đồng người khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm khởi nghiệp, lập nghiệp để góp phần xây dựng kinh tế gia đình và xã hội. Với những kết quả trên, Hội cũng rút ra các bài học kinh nghiệm, đó là chọn nghề để dạy phù hợp với dạng tật của người khuyết tật; phù hợp nhu cầu học của người khuyết tật; nghề mà ở cộng đồng đã phát triển thành làng nghề để có điều kiện hòa nhập cho người khuyết tật.

Thực hiện Đề án 1019 trong lĩnh vực dạy nghề, tìm việc làm cho người khuyết tật của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. Hồ Chí Minh, Hội có một cơ sở dạy nghề riêng cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, các lớp massage cho các em khiếm thị được các cơ sở, trung tâm đầu tư và tiếp nhận 100%. Với các em không đủ điều kiện được tuyển dụng vào làm việc ở các công ty xí nghiệp, Hội đã tạo điều kiện được tiếp nhận vốn ở các nhà tài trợ, ở chương trình vay vốn tạo việc làm của quỹ CEP của Liên đoàn Lao động thành phố, quỹ TYM của Hội Liên hiệp phụ nữ, quỹ tạo việc làm cho thanh niên nông thôn của Hội Nông dân, từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm... giúp các em và gia đình tự tạo việc làm tại gia đình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân gia đình. Với cách làm này, từ năm 2012 - 2019, Hội đã huy động được hơn 18 tỷ đồng, tổ chức được 215 lớp dạy nghề cho 3.021 em; các doanh nghiệp tuyển dụng 802 em và 1.210 em tạo việc làm tại gia đình.

Giai đoạn 2012 – 2019, công tác dạy nghề cho người khuyết tật Hội Bảo Trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Thái Bình từng bước được xã hội hóa với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân, hiện nay toàn tỉnh có trên 100 cơ sở, cá nhân tham gia dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật. Việc làm chủ yếu ngành nghề truyền thống ở các địa phương phù hợp với sức khỏe điều kiện của người khuyết tật.

Thông qua công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật nhiều người khuyết tật đã vươn lên trở thành ông chủ, bà chủ sở hữu số vốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như doanh nghiệp may Xuân Thúy do anh Phạm Xuân Thúy là người khuyết tật làm Giám đốc có trên 300 lao động, trong đó có hàng chục lao động là người khuyết tật doanh thu những năm gần đây đạt 15 tỷ đồng/năm, lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; cơ sở gỗ mỹ nghệ người tàn tật do anh Lại Văn Điệp là người khuyết tật làm Giám đốc có doanh thu hàng năm đạt gần 10 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 20 lao động là người khuyết tật và nhiều lao động bình thường khác có việc làm, thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp họ khắc phục khó khăn và hòa nhập cộng đồng.

Theo các Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tại các địa phương, bên cạnh những mặt đã đạt được, tuy nhiên, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật và trẻ mồ côi vẫn gặp nhiều khó khăn như, số lượng người được học nghề theo bài bản còn ít chủ yếu là truyền nghề (cầm tay chỉ việc). Số có thể tìm được việc làm trong các doanh nghiệp lớn không đáng kể, trong khi nhu cầu việc làm của người khuyết tật rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật còn chưa đầy đủ, hệ thống dạy nghề chuyên biệt cho người khuyết tật vừa thiếu, vừa yếu. Thời gian đào tạo nghề cho người khuyết tật chủ yếu là ngắn hạn, trình độ học vấn thấp, người khuyết tật sau khi học nghề cũng còn hạn chế, thiếu tự tin và kỹ năng làm việc.

Bên cạnh đó, hầu hết các Doanh nghiệp không muốn nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc với các lý do như: Pháp luật lao động quy định thời gian làm việc của người khuyết tật không quá 7 giờ/ngày/42 giờ/tuần là không phù hợp với dây chuyền sản xuất, quy định về thời gian làm việc này đã vô hình chung làm giảm cơ hội việc làm của người khuyết tật vì ảnh hưởng tới quy trình và năng suất lao động; đặc biệt là các cơ sở sản xuất theo dây chuyền. Dịch vụ hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật tập trung chủ yếu ở khâu dạy nghề và giới thiệu việc làm, trong khi tư vấn nghề, hỗ trợ tại nơi làm việc, tạo ra các điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc còn hạn chế. Vấn đề đào tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật trong thực tế thị trường lao động vẫn còn quá nhiều khoảng cách, nan giải mà đòi hỏi xã hội nhất là người sử dụng lao động cần quan tâm với cách nhìn rộng mở và hưởng ứng chính sách nhà nước về Luật người khuyết tật.

THANH HÒA

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/de-an-1019-tao-co-hoi-giup-nguoi-khuyet-tat-hoa-nhap-voi-cong-dong-2019122017021784.htm