Để 'ăn đường phố' đừng hại đường ruột

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đây không phải là lần đầu và chưa chắc đã lần cuối khi ăn đường phố rất lo hại đường ruột…

Thức ăn đường phố kém vệ sinh - cảnh thường thấy ở các thành phố lớn. Ảnh minh họa, nguồn: Báo Khánh Hòa.

Sáng bước ra đường, trưa đi ra phố và tối về nhà; nếu không còn điều kiện nào tốt hơn cực kì khó để tránh những bữa ăn bên vỉa hè hợp túi tiền và vừa khẩu vị.

Còn vệ sinh hay không, ảnh hưởng lâu dài thế nào và có an toàn thực phẩm chăng từ lâu lắm rồi vẫn là điều “xa xỉ” với số đông không còn lựa chọn nào khác. Ai chẳng muốn bữa ngon vừa sạch vừa bổ và vừa vặn với hầu bao. Nhưng lúc này, những thứ như vậy thường không đồng hành và quán xá hè phố vẫn là một trong ít lựa chọn hàng đầu.

Thực khách có biết những nguy cơ, độc hại có thể gặp phải với bát bún riêu cạnh cống, đĩa ốc chẳng biết luộc khi nào và có kèm thêm phụ gia gì cho ngon nhưng họ có thể làm gì khác khi “không ăn thì biết đâm đầu vào đâu”?

An toàn vệ sinh thực phẩm đường phố từ rất lâu đã là bài toán chưa giải được khi cả người bán lẫn người ăn đều chặc lưỡi “ôi dào, tiền nào của ấy thôi mà!”.

Nhưng bài toán ấy đang được giải quyết liệt hơn. Từ ngày 20.10.2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực. Nghị định này sẽ “đưa” thức ăn đường phố vào khuôn khổ và nề nếp hơn khi mức xử phạt hành khá mạnh tay, có hành vi vi phạm bị phạt tối đa lên gấp 10 lần giá trị hàng hóa vi phạm… Giờ chỉ còn chờ xem cấp dưới thực hiện nghị định này và văn bản trên của TP Hà Nội như thế nào? Nếu không “đánh trống bỏ dùi”, ăn đường phố mới bớt “hại’ đường ruột.

Hoài nghi, phong trào, chiến dịch và đâu lại vào đấy… là những từ mà hàng chục năm qua người ta luôn nhắc đến mỗi khi Hà Nội, TPHCM và các TP lớn lại ra quân chấn chỉnh vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố. Công sức và tiền của bỏ ra cuối cùng tình hình chỉ đáng báo động hơn, nguy cơ mất an toàn, ngộ độc cùng bệnh tật ngày càng cao.

Trước khi trách bà hàng rong, ông quản lý và những văn bản hay xử lý nhẹ tay; có lẽ chúng ta nên thương mình trước khi chờ người khác thương. Kiên quyết không với quán ăn bẩn, thực phẩm mất vệ sinh, tẩy chay hàng quán tai tiếng… sẽ là thái độ đúng để những gì không đáng đưa vào miệng sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường và nguy cơ dịch, bệnh sẽ giảm thiểu.

Họ cứ bán còn chúng ta có quyền ăn hay không, lựa chọn này có lẽ dễ dàng và hiệu quả hơn bất cứ chiến dịch hay văn bản chấn chỉnh nào…

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-an-duong-pho-dung-hai-duong-ruot-635935.ldo