Đề án sữa học đường: Cần phải minh bạch hóa nguồn cung

Năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bắt đầu triển khai Chương trình Sữa học đường theo hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, dù Chương trình mới đang ở giai đoạn khảo sát ý kiến phụ huynh, việc lựa chọn hãng sữa đang ở giai đoạn mời thầu, song ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng cần phải kiếm soát tốt nguồn cung trên cơ sở minh bạch hóa giá cả, chất lượng lẫn địa chỉ đơn vị cung cấp. Và quan trọng hơn, phải loại bỏ yếu tố 'hoa hồng' nếu có.

Sữa học đường có tiêu chuẩn riêng

Hiện nay, tại Hà Nội, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em thể thấp còi còn cao, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Trong khi đó, lại gia tăng nhanh chóng tình trạng thừa cân, béo phì lứa tuổi học đường trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng.

Hà Nội hỗ trợ 50% chi phí cho trẻ em tham gia chương trình Sữa học đường. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực không hợp lý, chế độ ăn mất cân đối. Chất lượng các bữa ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu để phát triển tối đa tiềm năng của trẻ. Việc chưa lựa chọn và sử dụng thực phẩm có lợi cho sức khỏe, nuôi trẻ không đúng cách cũng dẫn đến một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.

Theo đó với mục tiêu là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua uống sữa hàng ngày, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết đề án chương trình sữa học đường từ ngày 5/7/2018. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 90% trẻ mẫu giáo, tiểu học toàn thành phố được uống sữa theo đề án; đáp ứng 95% nhu cầu năng lượng, 30% nhu cầu sắt, canxi và vitamin D, 40% tỷ lệ protein động vật/protein tổng số khẩu phần ăn của trẻ,...

Từ thế kỷ XX nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Myanma,... đã triển khai chương trình sữa học đường. Hiện nay một số tỉnh, thành trên cả nước Bà Rịa, Vũng Tàu, Nghệ An, Đồng Nai, Kon Tum, Hà Nam, Bắc Ninh,... đã và đang triển khai hiệu quả chương trình sữa học đường. Như vậy, không thể phủ nhận rằng, mô hình sữa học đường đã đem lại những kết quả tích cực khi được hiện thực hóa trên nhiều quốc gia và khu vực, trong đó có Việt Nam. Thông qua chương trình sữa học đường, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm hơn trước.

Thế nhưng, thời gian gần đây liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học mà nguyên nhân xuất phát từ bữa ăn bán trú ở trường, điển hình mới đây nhất, vào tháng 3/2018 hơn 70 học sinh ở trường Mầm non, trường Tiểu học ở tỉnh Đồng Nai bị ngộ độc nghi do sữa như một ngọn lửa tiếp tục nhen nhóm, tạo lên muôn vàn sự lo âu tồn tại bấy lâu nay trong các bậc phụ huynh.

Từ đó mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi, đề án sữa học đường ở Hà Nội khiến phụ huynh băn khoăn hơn về việc nên hay không nên quyết định đăng ký cho con trẻ tham gia chương trình này. Cùng đó, ngay từ khi đề án được phổ biến tới phụ huynh, nhiều phụ huynh cho rằng, các trường đã triển khai đề án theo nhiều hướng khác nhau.

Có phụ huynh cho biết, gia đình không đăng ký uống sữa “tự nguyện” nhưng hôm sau, nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm “động viên” tham gia vì không đạt chỉ tiêu. Thậm chí có phụ huynh mong muốn cho con được tham gia chương trình nhưng cô giáo từ chối vì số lượng học sinh của trường tham gia đề án quá ít. Trong khi đó, không ít người lo ngại về sự chồng chéo trong khi hiện nay các trường vẫn đang triển khai cho các cháu uống sữa trong bữa ăn phụ ở trường,...

Giải đáp những thắc mắc đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, chủ trương của chương trình sữa học đường là phải tuyên truyền cho phụ huynh hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của chương trình giúp ích gì cho trẻ nhỏ cũng như ngân sách nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền cho đề án nhân văn này. Từ đó, phụ huynh có thể tự nguyện đăng ký chứ không phải ép buộc hoặc đưa vào tiêu chí xét thi đua của các trường.

“Chúng tôi chỉ đạo bằng văn bản, còn các trường chỉ đạo “tam sao thất bản”, chủ trương là không bắt buộc. Nếu trẻ đã đăng ký tham gia, nếu gia đình xét thấy không có nhu cầu thì có thể dừng; hoặc phụ huynh đã đăng ký không dùng nhưng thấy có nhu cầu thì có thể đăng ký bổ sung”, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định.

Không dừng lại ở đây, nhiều cha mẹ còn tỏ ra lo ngại về việc đây có thể sẽ là một hướng giải quyết nhanh chóng cho số lượng sữa “cận đát” cho đơn vị trúng thầu, trao đổi về vấn đề này ông Tiến cho rằng, sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng cho học sinh Thủ đô.

Sữa này bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, giúp tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ. Sản phẩm không bán trên thị trường và có tem mác riêng. Nếu toàn bộ học sinh mầm non, tiểu học tham gia, mỗi ngày sẽ có hơn một triệu hộp sữa được tiêu thụ thì không thể có chuyện sữa quá date. Các sở, ngành cũng có cơ chế kiểm tra, giám sát việc bảo quản sữa ở trường và xử lý rác từ vỏ hộp sữa hợp lý.

“Khi sữa được chở đến trường sẽ nhập kho, giáo viên là người đến kho để nhận, quản lý việc uống sữa, hướng dẫn học sinh cách bóc hộp sữa, ép vỏ sữa, sau đó đóng trong hộp lớn cho nhà cung cấp vận chuyển để tái chế. Một trường có đông học sinh đến 4.000 em thì khi xả lượng vỏ sữa ra nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phụ huynh muốn biết con uống sữa gì thì có thể test hoặc yêu cầu con mang vỏ hộp về nhà để kiểm tra thương hiệu, date, thành phần dinh dưỡng”, ông Tiến cho hay.

Cần quan tâm đảm bảo chất lượng sữa

PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.

Lấy ví dụ về chương trình Bữa ăn học đường được Nhật Bản thực hiện từ năm 1954, trong đó yêu cầu mỗi bữa trưa trẻ mầm non, tiểu học phải được uống 200 ml, sau 40 năm áp dụng người Nhật đã tăng chiều cao thêm 10 cm, tuổi thọ ở mức cao nhất thế giới (87 với nữ và 80 với nam).

Theo chuyên gia dinh dưỡng này, trẻ em Việt Nam từ 3-5 tuổi cần 4 đơn vị sữa/ngày (một đơn vị sữa tương đương 100 mg canxi) gồm: Một miếng phô mai, một hộp sữa chua và 200 ml sữa dạng lỏng (sữa tươi hoặc sữa bột). Trẻ 6-7 tuổi sử dụng 4 - 5 đơn vị sữa; trẻ 8-9 tuổi sử dụng 5 đơn vị; 9-11 tuổi là 6 đơn vị. Với nhu cầu canxi 1.000 mg/ngày của học sinh tiểu học, việc cho trẻ uống thêm một ly sữa mỗi ngày là hợp lý nhất. Trường học đang áp dụng cho trẻ uống sữa có thể chuyển thành sữa chua hoặc phomai. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng, khiến học sinh bị béo phì.

“Các địa phương khi triển khai chương trình sữa học đường hãy cẩn thận thống kê những trẻ chưa uống hoặc ít khi uống sữa để khắc phục được hiện tượng không dung nạp được đường lacto và vẫn đảm bảo cơ thể trẻ dung nạp được lượng vi chất có trong sữa”, PGS Nhung cho biết thêm.

Như vậy có thể thấy, việc uống sữa đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học có tầm quan trọng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Đề án sữa học đường mang một sứ mệnh nhân văn cao cả đó là đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ về thể chất lẫn trí tuệ.

Thế nhưng để đề án được triển khai thực thi, hiệu quả thì cần có một sự nhận thức đúng đắn của toàn xã hội, quan trọng hơn cần sự nghiêm túc của các ban, ngành trong việc quản lý, triển khai, giám sát chặt chẽ từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp sữa, tới khâu vận chuyển đảm bảo sữa đạt tiêu chuẩn an toàn tới tay các trường rồi tới tận tay trẻ. Có như vậy, đề án mới mong giảm thiểu những rủi ro để nhận được sự chung tay, đồng lòng của các bậc phụ huynh trên cả nước.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-an-sua-hoc-duong-can-phai-minh-bach-hoa-nguon-cung-80596.html