Đề án sữa học đường: Khi triển khai, sự việc 'tam sao thất bản'

Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thông tin về những vấn đề khúc mắc của phụ huynh liên quan đến đề án sữa học đường.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội trả lời các vấn đề về Sữa học đường. Ảnh: Nguyễn Hà

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020.

Từ khi triển khai đề án, hàng loạt thắc mắc của phụ huynh được đưa ra với những lo ngại về chất lượng, hạn sử dụng, nhu cầu, cũng như cách triển khai chương trình có vấn đề khi chương trình mang danh nghĩa là tự nguyện, nhưng nhiều phụ huynh phản ánh đang tự nguyện trên tinh thần ép buộc.

Sự việc đang “tam sao thất bản”?

Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, mục tiêu của đề án là cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày tại trường, phấn đấu đến năm 2020, trên 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo chương trình sữa học đường.

Ông Tiến cho rằng sự việc đang bị “tam sao thất bản” khiến nhiều giáo viên, phụ huynh hiểu chưa đúng. Ảnh: Nguyễn Hà

Trước khi chương trình triển khai đến các nhà trường, để khảo sát, nắm bắt nhu cầu của cha mẹ học sinh, Sở GDĐT đã tổ chức quán triệt tinh thần cũng như phổ biến toàn bộ đề án sữa học đường đến 100% hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP.Hà Nội. Sau đó triển khai nội dung của đề án sữa học đường trên tờ A4 có 2 mặt để phụ huynh nghiên cứu và đăng ký tham gia.

“Tuy nhiên khi triển khai, sự việc “tam sao thất bản”, chúng tôi truyền đạt rằng chương trình sữa đăng ký là hoàn toàn tự nguyện nhưng có khi hiệu trưởng quán triệt đến các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm lại nói với phụ huynh rằng bắt buộc đăng ký và đôi khi các trường lại nghĩ rằng vấn đề này liên quan đến thi đua.

Nhưng quan điểm của tôi, của chương trình Sữa học đường là không phải như vậy nhưng phải tuyên truyền cho phụ huynh tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của chương trình sữa học đường giúp ích gì cho con mình, ngân sách nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền cho chương trình này”- ông Tiến nói.

Có những học sinh cơ địa không thích ứng với các thành phần của sữa thì không thể bắt các cháu uống được. Có những gia đình ý kiến rằng con cái họ uống sữa Mỹ, Úc đắt tiền hơn nhưng chưa chắc đã có thành phần được bổ sung trong chương trình sữa học đường cho nên cần đặt bài toán nên chọn cái gì.

Một bộ phận học sinh uống sữa có vấn đề, hãng sữa đó có thể phá sản

Trả lời câu hỏi về hãng sữa nào sẽ đưa đến tay con trẻ trong chương trình sữa học đường, ông Tiến cho biết, một bài toán liên quan đến kinh phí nên cần đấu thầu, hiện nay mới phát hành hồ sơ thầu nhưng tin chắc rằng phải là những hãng sữa lớn thì mới có thể đảm nhiệm được.

Mục tiêu của đề án là cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa.

Nếu mỗi ngày số học sinh Hà Nội tham gia là 90%, mỗi ngày tiêu thụ đến 1 triệu hộp sữa thì không thể là hãng sữa nhỏ được, còn những hãng sữa lớn rất quan tâm đến vấn đề chất lượng. Chỉ cần một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa có vấn đề thì hãng sữa đó sẽ phá sản, thất thu, ảnh hưởng đến thương hiệu trên thị trường.

Do đó hãng sữa nào phải chờ kết quả mới có thể thông tin được. Còn về tiêu chuẩn sữa học đường, chúng tôi đã làm việc với Bộ Y tế, bổ sung thành phần như thế nào cũng phải có ý kiến của Bộ Y tế. “Hãng sữa nào thì phụ huynh cũng hoàn toàn yên tâm, đảm bảo về chất lượng” - ông Tiến khẳng định.

Nguyễn Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/de-an-sua-hoc-duong-khi-trien-khai-su-viec-tam-sao-that-ban-632789.ldo