Để an toàn khi đi xe công nghệ: Không nên gọi, bắt xe dọc đường

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, ngày nay, các ứng dụng đặt xe qua điện thoại di động đã trở nên quá quen thuộc với người dân. Khách hàng muốn đi đâu, chỉ cần nhập địa điểm và nhấn nút đặt xe, lập tức sẽ có người đưa đón. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ đó đã dẫn đến không ít bất cập như tình trạng giả làm tài xế công nghệ để lừa đảo, cướp của chiếm đoạt tài sản; thậm chí giết người.

Khi nhắc tới xe ôm công nghệ, người ta thường hình dung ra hình ảnh những người tài xế mặc đồng phục theo quy định, đặc trưng của từng hãng xe và tiến hành đưa đón khách hàng đến đúng địa điểm như đã đặt qua ứng dụng. Thế nhưng, trên thực tế, có nhiều tài xế không thuộc quản lý của các hãng xe nào nhưng vẫn khoác trên mình đồng phục xe ôm công nghệ và tiến hành “bắt” khách. Dĩ nhiên, giá của mỗi cuốc xe cũng được các tài xế này đội lên gấp 3, 4 lần so với bình thường.

Tài xế khoác áo xe ôm công nghệ xuất hiện khắp nơi, khó phân biệt thật giả, bởi vậy để an toàn hãy gọi bằng cách đặt lệnh qua điện thoại ảnh minh họa: CTV

Tài xế khoác áo xe ôm công nghệ xuất hiện khắp nơi, khó phân biệt thật giả, bởi vậy để an toàn hãy gọi bằng cách đặt lệnh qua điện thoại ảnh minh họa: CTV

Chị Đặng Thị Thêm (Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm) một nạn nhân của xe ôm công nghệ “giả” chia sẻ: Vào thứ 5 tuần trước dù đã 21 giờ tối nhưng do để quên tài liệu quan trọng nên chị buộc phải quay lại công ty. Như thường lệ, chị cầm điện thoại đặt xe, sau đó di chuyển ra đường thì đã thấy một xe chờ sẵn. Vì vội, tưởng đó là xe mình đã đặt, nên bước lên đi. Ai ngờ, khi lên xe thì điện thoại rung hóa xe taxi công nghệ mà chị gọi lúc đó mới đến. Chị đành xin lỗi và vui vẻ đi chuyến xe chờ sẵn. Nhưng hỡi ôi, khi thanh toán tiền chị phải trả gấp 5 lần số tiền mà ứng dụng tính cho chị. “Mặc dù công ty ở ngay trên phố nhưng do trời đã tối, đoạn đường quanh cơ quan vắng người qua lại, tài xế lại giở giọng côn đồ dọa dẫm nên dù thực tế tôi chỉ mất 40.000 đồng cho cuốc xe đã đặt nhưng vẫn phải móc ví trả tài xế đến 200.000 đồng” – Chị Thêm bức xúc. Không chỉ chị Thêm mà nhiều người một phần do hám rẻ, không chịu vào ứng dụng đặt, cứ ra ngoài thấy ai mặc áo xe công nghệ là gọi đi, kết quả phải trả giá “đắng chat”.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, trên mọi con phố của thủ đô đều bắt gặp hình ảnh các tài xế mặc áo xe ôm công nghệ. Trong số họ, có những người là tài xế công nghệ đợi khách thật, cũng có những người chỉ mượn áo xe ôm công nghệ để bắt khách. Đặc biệt, tại các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình, tình trạng “giả” xe ôm công nghệ diễn ra khá phổ biến. Tại đây, mỗi khi có khách xuống xe, lập tức các tài xế khoác trên mình chiếc áo đồng phục màu xanh (đồng phục của hãng xe Grab) lại ùa vào mời gọi với đủ các chiêu trò như đi xe giá rẻ hay giả mạo các tài xế đã được khách hàng đặt trước trên ứng dụng… Khách hàng một khi chủ quan, lên xe của các tài xế rởm này, khi xuống xe hầu hết đều phải trả phí cao ngất ngưởng.

Trong bối cảnh mà các chế tài quản lý xe ôm công nghệ thật- giả còn lỏng lẻo, để hạn chế rủi ro cách tốt nhất là hành khách tự bảo vệ bản thân mình bằng cách: Thứ nhất, chỉ đi xe ôm công nghệ, xe ô tô công nghệ qua ứng dụng đã cài trong điện thoại… Thứ hai, không nên ham rẻ, bắt những xe ôm công nghệ, xe ô tô công nghệ “rởm” nhan nhản ngoài đường.

Góp phần cho nạn lừa đảo đội lốt xe ôm công nghệ “nở rộ” là việc hiện nay, mua một bộ đồng phục Grab hiện khá là dễ dàng. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm quần áo, mũ Grab... trên mạng xã hội ngay lập tức cho ra hàng loạt kết quả như: Áo khoác Grab, mũ Grab... bán sỉ có giá là 105.000 đồng/áo, 85.000 đồng/mũ. Giá bán lẻ là 150-200.000 đồng/áo, 110.000 đồng/mũ. Hay set nguyên bộ có giá khoảng hơn 300.000 đồng. Đó là trên mạng, còn bên ngoài cũng phong phú không kém. Áo, mũ Grab... nhan nhản nơi các cánh tài xế đang hoạt động tại các bến xe.

Giả mác xe công nghệ để “chặt chém” còn không nguy hiểm bằng giả lái xe công nghệ để thực hiện hành vi cướp của. Những vụ việc thời gian qua là lời cảnh tỉnh đau lòng. Điển hình như mới đây, ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Văn Quân (SN 2001), Đặng Tuấn Anh (SN 1999), đều trú tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội về hành vi cướp giật tài sản và Quách Lý Kiên (SN 1971), trú thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Thời 4.0 bùng nổ xe ôm công nghệ, vấn đề các cơ quản cần quản lý tốt hơn để những xe ôm công nghệ chân chính hoạt động, tránh xe ôm công nghệ rởm (Ảnh mang tính minh họa...)

Đồng thời ngày 25/10 công an quận Đống Đa đã bắt giữ 2 đối tượng Lê Văn Quân và Đặng Tuấn Anh. Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong tháng 10/2019, cặp đôi này đã gây ra 8 vụ cướp giật tài sản của người đi đường, chủ yếu là dây chuyền vàng có giá trị cao đến cả trăm triệu đồng. Đáng chú ý, mỗi lần gây án Quân và Tuấn Anh thường mặc áo xe ôm công nghệ để nạn nhân không đề phòng rồi áp sát giật dây chuyền...

Nguy hiểm hơn, liên quan tới việc giả mạo tài xế xe ôm công nghệ, thông tin tới báo chí, đại diện Grab Việt Nam xác nhận có hiện tượng một số tài xế mượn danh của công ty bằng cách mặc áo, đội mũ có biểu tượng của công ty để vẫy khách. Công ty đã có một số biện pháp để ngăn chặn, đồng thời mỗi khi khách đặt xe thì ứng dụng sẽ gửi đến thông tin khuyến cáo khách hàng cần lên đúng xe có hình ảnh tài xế và biển kiểm soát như trong ứng dụng.

L. Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-an-toan-khi-di-xe-cong-nghe-khong-nen-goi-bat-xe-doc-duong-99951.html