Để anh đi trảy nước non Cao Bằng

Không như người lính xưa, người nay có nhiều lý do vui vẻ hơn để 'đi trảy nước non Cao Bằng'. Và một trong những lý do ấy, mới nhất: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

“Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trảy nước non Cao Bằng”

Câu ca dao xưa buồn thăm thẳm, khắc họa nước non Cao Bằng như một vùng hiểm trở, nguy nan luôn rình rập.

Tất nhiên là phong phú về đá - Công viên địa chất Cao Bằng còn lưu giữ các dấu tích là bằng chứng cho sự kiện tuyệt chủng sinh quyển. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng rõ ràng cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất. Nhưng không chỉ có thế, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng còn có đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó; di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay…

Như vậy, cho đến nay Việt Nam đã có 2 công viên địa chất toàn cầu (trước đó, năm 2010, cao nguyên đá Hà Giang đã được nhận danh hiệu này). Được biết, Đề án "Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam" được thực hiện từ năm 2014 - 2020 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có di sản địa chất và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 5 - 7 địa điểm được công nhận là công viên địa chất quốc gia; 2 - 3 công viên trở thành thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (GGN). Hiện đã có một số hồ sơ khác đang hoàn thiện để đệ trình UNESCO bình xét, gồm Núi lửa Krông Nô (Đắk Nông); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Ba Bể (Bắc Kạn)…

GGN được thành lập vào tháng 11/2005 để bảo tồn di sản địa chất của Trái Đất, cũng như để thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển bền vững của các giá trị cộng đồng có liên quan. Các Công viên địa chất thành viên của GGN đã có mặt ở 5 trong số 7 lục địa trên Trái Đất (trừ Nam Cực và châu Úc). Trung Quốc là nước có nhiều công viên địa chất toàn cầu hơn cả, trong khi một vài quốc gia và khu vực như Hoa Kỳ, Liên Xô cũ, Nam Á, Trung Đông và phần lớn châu Phi (trừ Marốc và Quần đảo Canaria) vẫn chưa có một thành viên nào.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/de-anh-di-tray-nuoc-non-cao-bang.aspx