Để báo chí là bạn đồng hành của doanh nghiệp

Trong quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước, DN đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Điều này càng được thể hiện rõ nét trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải pháp để hút khách đến với vận tải công cộng” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức. Ảnh: Phạm Công

Dù vậy, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu tích cực, vẫn có những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại đến uy tín và thương hiệu của các DN. Ở đó, vai trò đồng hành của báo chí có ý nghĩa đặc biệt.

Vai trò tương hỗ không tách rời

Trong quá trình đổi mới kinh tế theo đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước, các DN Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo và bền vững. Riêng tại Hà Nội, số liệu của Cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay đã có hơn 13.000 DN được thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 126.000 tỷ đồng.

Song, cũng trong những tháng đã qua của năm 2023, toàn TP ghi nhận 1.500 DN giải thể, 12.600 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp giảm 3,8%... Những con số trên cho thấy cộng đồng DN đang đứng trước rất nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Thị Minh Thanh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của cộng đồng DN, báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Những sự tư vấn kịp thời về truyền thông để DN phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, cũng như xử lý tốt nhất những rắc rối trong khuôn khổ pháp luật là việc mà DN rất cần hiện nay.

“Báo chí là nơi tin cậy giúp các DN phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình một cách nhanh nhất tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước; là diễn đàn quan trọng để các DN quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng…” - Bà Nguyễn Thị Minh Thanh nhấn mạnh thêm về vai trò của báo chí.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động như hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Nguyễn Thị Hương đánh giá, cũng nhờ báo chí mà ABBank tiếp cận được nhanh nhất với những thông tin chính thống về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; từ đó kịp thời có những kế hoạch phù hợp cho hoạt động của ngân hàng.

“Thông tin báo chí là cơ sở để các nhà quản lý nắm bắt nhu cầu thị trường. Đối với ABBank, chúng tôi không chỉ tiếp cận thông tin từ báo chí mà còn coi đây là một kênh vô cùng quan trọng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tiếp cận với xã hội và khách hàng của mình…” - Bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ thêm.

Nhiều DN đồng tình rằng, mối quan hệ giữa DN và báo chí chính là mối quan hệ cộng sinh, luôn đồng hành, song hành, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Báo chí là cầu nối để kết nối hoạt động của các DN nói chung với người dân, các thành phần kinh tế - xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của DN trong dòng chảy chung của nền kinh tế.

Ở khía cạnh ngược lại, DN được xem là vùng đất màu mỡ để báo chí hoạt động và phát triển; là nơi cung cấp cho báo chí những thông tin thực tế và khách quan nhất, để báo chí thể hiện được chức năng thông tin, vai trò phản biện, qua đó khẳng định được uy tín, thương hiệu trong lòng công chúng.

Đẩy mạnh truyền thông số, minh bạch thông tin doanh nghiệp

Nhấn mạnh báo chí là một kênh truyền thông quan trọng và hiệu quả để hoạt động của cộng đồng DN nói chung, ngân hàng nói riêng tốt hơn, Chánh Văn phòng CEO Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Chu Hải Công cho biết, trong hành trình phát triển, MB luôn trân trọng và cảm ơn những đóng góp của các cơ quan báo chí truyền thông nói chung và Báo Kinh tế & Đô thị nói riêng.
Nhiều năm qua, MB đã đồng hành với các Cơ quan quản lý Nhà nước, báo chí tổ chức nhiều Chương trình ý nghĩa, đặc biệt là: Chương trình Giải báo chí búa liềm vàng, Chương trình Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Các chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngày không dùng tiền mặt do NHNN phát động và chủ trì.
Báo Kinh tế & Đô thị là tờ báo lớn của Thủ Đô, tòa báo dẫn dắt hoạt động thông tin tuyên truyền về các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phong trào thi đua yêu nước của Đất nước và đặc biệt luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác truyền thông.
Với hệ sinh thái đa dạng, nhiều ấn phẩm: Kinh tế & Đô thị báo in, điện tử, Chuyên trang Pháp luật và xã hội, chuyên trang Giao thông Hà Nội, chuyên trang Tiêu dùng và mới đây nhất là Chuyên trang Thị trường tài chính. Báo Kinh tế & đô thị đang khẳng định là một tờ báo uy tín hàng đầu, đi đầu trong dòng chảy của báo chí cách mạng thời 4.0.

Một buổi tọa đàm với DN do Báo Kinh tếĐô thị tổ chức.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành nêu vấn đề, những phương tiện truyền thông truyền thống mà các DN hiện nay đang sử dụng, mà điển hình là các loại hình báo chí, đang bị đặt trước một loạt yêu cầu cần phải thay đổi. Điều này có nguyên nhân từ sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới, mà đặc biệt là truyền thông mạng xã hội, bùng nổ từ những năm 2001.

Chính bởi sự thay đổi rất lớn nêu trên mà ông Nguyễn Đình Thành nhìn nhận, bản thân các nhà báo cũng buộc phải thay đổi cách thức hành nghề, tư duy, tiếp cận vấn đề khi đưa thông tin đến với công chúng. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng cần đẩy mạnh truyền thông số (hay còn được hiểu là truyền thông trên không gian mạng) nhằm thay đổi cách tiếp cận với bạn đọc.

Với những kinh nghiệm có được sau nhiều năm hoạt động báo chí và công tác xã hội, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội tại Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh cho rằng, các cơ quan báo chí cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông để các tác phẩm báo chí đến được gần hơn với công chúng. Chú trọng đào tạo đội ngũ phóng viên am hiểu sâu về các lĩnh vực chuyên ngành, trong đó có phòng chống bạo lực gia đình, biến đổi khí hậu, công tác xã hội… để nâng cao chất lượng các tác phẩm, có sức thuyết phục và lan tỏa trong cộng đồng.

Thị trường đang không ngừng vận động và thay đổi. Cùng với guồng quay đó, nhiều DN bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có Báo Kinh tế & Đô thị, sẽ không ngừng làm mới mình; thường xuyên có những đổi mới về cả nội dung và hình thức, góp phần giúp các DN chuyển mình kịp thời cùng sự biến động của thị trường, tích cực hội nhập, để từ đó có những đóng góp ngày một thiết thực hơn đối với sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Chiều nay (5/6), Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững”. Diễn đàn dự kiến có sự tham gia của khoảng 200 khách mời, là đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan thuộc UBND TP Hà Nội, các hội - hiệp hội DN, các DN tiêu biểu, cơ quan thông tấn, báo chí, chuyên gia, luật sư...

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết: "Diễn đàn nhằm tạo cơ hội cho các cơ quan báo chí, nhà báo và cộng đồng DN thảo luận, phân tích, làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và DN. Thông qua diễn đàn, khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước, nhà hoạch định chính sách và DN; từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và DN vì sự phát triển bền vững của Thủ đô, các địa phương và đất nước".

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-bao-chi-la-ban-dong-hanh-cua-doanh-nghiep.html