Để báo chí vượt 'rào cản' trong đấu tranh chống tham nhũng

Lời tòa soạn: Trong những năm qua, báo chí đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy vai trò tích cực, gần đây báo chí cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề mang tính nội tại hay còn gọi là 'rào cản' trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vậy những trở ngại gì đang khiến một bộ phận nhà báo phải 'dừng chân'?

Kỳ 1: Tiếp nhận sứ mệnh để vượt qua chính mình

Bằng những tác phẩm mang đầy sức chiến đấu, thông qua nhiều hình thức, báo chí không chỉ phê phán, phanh phui, “điểm mặt chỉ tên” từng sự việc cụ thể mà những kết quả điều tra công phu còn là những cứ liệu ban đầu hết sức quan trọng giúp các cơ quan chức năng vào cuộc.

Sứ mệnh tiên phong

TP Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ quan báo chí trong cả nước. Do vậy hoạt động báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở thủ đô được đánh giá là sôi động và hiệu quả nhất. Thực tiễn cũng đã khẳng định, sự vào cuộc của báo chí là kênh hết sức quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, xác minh, xử lý.

Đã từng có rất nhiều vụ việc tham nhũng được phanh phui do báo chí phát huy tối đa vai trò giám sát, phát hiện của mình. Điển hình là vụ "bảo kê chợ Long Biên" do nhóm phóng viên Đài truyền hình Việt Nam và Báo Phụ nữ TP HCM phản ánh. Theo đó, để có thể có một chỗ buôn bán, tiểu thương tại chợ Long Biên sẽ phải đóng tiền bãi (tiền bảo kê) cho các đối tượng tự cho mình "quyền sinh quyền sát" tại khu chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội này, ai không đóng tiền đương nhiên không thể buôn bán, ai dại dột phản kháng lập tức sẽ bị "dằn mặt" không thương tiếc.

Dưới danh nghĩa đội bốc xếp hàng hóa của chợ, nhóm người do "ông trùm" Hưng "kính" đứng đầu có hàng loạt hoạt động bảo kê, thu tiền của các tiểu thương kinh doanh trong chợ. Các tiểu thương trong chợ Long Biên phải nộp những khoản phí như tiền bãi, tiền bốc xếp cho nhóm của Hưng "kính", đây là những loại tiền không được ghi trong quy định hay bất kỳ loại văn bản nào của chợ. Hoạt động này đã diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên, để yên ổn làm ăn, nhiều tiểu thương dù bị o ép cũng không dám lên tiếng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Công an quận Ba Đình tập trung điều tra, làm rõ hoạt động cưỡng đoạt tài sản để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngày 30/9/2018, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" xảy ra tại chợ Long Biên. Ngày 4/1/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP đã tiến hành khởi tố và đang thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", sinh năm 1963, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, Hưng "kính" là đối tượng cầm đầu trong nhóm đối tượng có dấu hiệu "bảo kê" thu tiền, chèn ép tiểu thương kinh doanh tại chợ Long Biên.

Tình trạng "bảo kê" chợ Long Biên đăng tải nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Ảnh: VTV.

Tình trạng "bảo kê" chợ Long Biên đăng tải nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Ảnh: VTV.

Qua các vụ việc đã được báo chí phản ánh có kết quả cho thấy, các hành vi tham nhũng, tiêu cực đã diễn ra trong thời gian dài không bị phát hiện, không được giám sát chặt chẽ, một phần cũng do không có người đứng ra tố giác những hành vi tiêu cực khi có dấu hiệu vi phạm. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc phản ánh thì sự việc mới bị phanh phui và được làm sáng tỏ, các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.

Vượt qua chính mình

Với vai trò giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xem là một kênh kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo cho quyền lực nhà nước hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, góp phần phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, tự thân Mặt trận Tổ quốc khó có thể tham gia phòng, chống tham nhũng có hiệu quả nếu không dựa vào nguồn tin của nhân dân cũng như phản ánh của báo chí.

Báo chí được đánh giá có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh minh họa của họa sỹ Thanh Tuấn

Thế nhưng, ngay cả khi báo chí đang thể hiện tốt vai trò của mình trong việc giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng thì biểu hiện "tham nhũng vặt" cũng có thể đã và đang xuất hiện ở một bộ phận người làm báo hiện nay. Đó là hiện tượng một số người làm báo lợi dụng "quyền" tác nghiệp của phóng viên thông qua tấm thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu… để đến nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Thậm chí, có cả những trường hợp khi bị báo chí phát hiện sai phạm, cá nhân - cơ quan - tổ chức đã phải bỏ ra một khoản tiền để mua sự im lặng của phóng viên. Những khuyết điểm, hạn chế của báo chí hiện nay đã được đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ: "Nhiều người mang thẻ nhà báo ảo tưởng về quyền lực và vị trí báo chí cho nên câu kết nhóm đi đánh hội đồng, vòi vĩnh, làm tiền… không chỉ doanh nghiệp và cả quan chức tại địa phương".

Thiết nghĩ, việc"chữa trị" căn bệnh "ngộ độc quyền lực" trong một bộ phận người làm báo cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí, các cơ quan báo chí, mà còn phải có nhận thức sâu sắc của bản thân các phóng viên, nhà báo - những con người luôn có nguy cơ "bị nhiễm độc". Bởi không thể có một "một liệu trình chữa trị" nào hiệu quả khi bản thân "người bệnh" không có tâm lý "phòng bệnh" cũng như ý thức cần được chữa trị…

Cao Tuân – Nguyễn Khuê

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/de-bao-chi-vuot-rao-can-dau-tranh-chong-tham-nhung-20190613155201363.htm