Để bảo đảm an toàn cho học sinh: Siết chặt quản lý, tăng trách nhiệm cá nhân

Chấn chỉnh tình trạng đưa đón học sinh bằng xe ô tô

(HNM) - Giữa lúc dư luận còn chưa hết bàng hoàng sau vụ một học sinh lớp 1 của Trường Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên 9 giờ đồng hồ trên xe đưa đón, lại xảy ra vụ một bé 3 tuổi ở Bắc Ninh bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường cách đây hơn một tuần khiến phụ huynh học sinh dấy lên lo lắng.

Tuy nhiên, sự lo lắng của các bậc phụ huynh không chỉ ở việc đưa đón, mà còn ở nhiều vấn đề khác như tham gia các hoạt động tập thể, tham quan, dã ngoại… Siết chặt quy trình tổ chức các hoạt động, tăng trách nhiệm cá nhân ở từng khâu là yêu cầu của ngành Giáo dục Hà Nội đối với các nhà trường.

Tuyên truyền thường xuyên về thực hiện Luật Giao thông sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho học sinh.

Vẫn nhiều nguy cơ

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.700 trường học, hơn 2 triệu học sinh, trong đó có 1,2 triệu học sinh mầm non và tiểu học - độ tuổi còn nhỏ, ít có khả năng tự bảo vệ. Vì thế, việc bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường và khi tham gia các hoạt động tập thể được ngành Giáo dục Hà Nội lưu tâm trong năm học 2019-2020. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Đây là phần việc được ngành Giáo dục Hà Nội đặt là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm qua.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, quận Đống Đa cho biết: Nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh như phòng, chống ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và bạo lực học đường... Việc rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn cho học sinh cũng được thực hiện thường xuyên.

Tuy nhiên, từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, ở một vài nơi vẫn để xảy ra sự việc đáng tiếc như một trẻ mầm non ở huyện Mê Linh bị gãy chân trong giờ ra chơi tại trường; cô giáo ở quận Tây Hồ nhốt trẻ vào tủ quần áo... Theo ông Phạm Xuân Tiến, một trong những nguyên nhân cơ bản là một số trường học chưa thực sự nghiêm túc trong thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh. Một số nơi còn lơ là trong giám sát chất lượng bữa ăn bán trú; quy trình tổ chức các hoạt động cho học sinh đôi khi còn mang tính hình thức, chưa rõ trách nhiệm của từng khâu...

Theo ông Trần Mạnh Hùng, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định, quận Hoàng Mai, việc mất an toàn cho học sinh còn do cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp, khiến vữa rơi, trần sập, đường điện hở... như đã từng xảy ra ở một số trường.

Chặt quy trình, tăng trách nhiệm

Siết chặt quy trình tổ chức dịch vụ xe đưa đón để bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia dịch vụ này. Ảnh: Minh Đức

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay là việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia dịch vụ đưa đón của nhà trường, đặc biệt sau vụ việc thương tâm ở Trường Gateway (Hà Nội) khiến một học sinh lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón, và mới đây là vụ việc tương tự xảy ra tại Bắc Ninh nhưng chưa gây tử vong. Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện có khoảng 50 trường có tổ chức dịch vụ này, chủ yếu là các trường ngoài công lập. Vì thế, siết chặt quy trình tổ chức dịch vụ xe đưa đón là yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với tất cả các đơn vị trong năm học 2019-2020 nhằm ngăn ngừa các nguy cơ mất an toàn cho học sinh.

Là nơi tập trung nhiều trường học có dịch vụ xe đưa đón học sinh, quận Cầu Giấy đã tăng cường giám sát chất lượng dịch vụ này. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, quận vừa hoàn thành việc kiểm tra toàn bộ các điều kiện đối với phương tiện đưa đón học sinh của các nhà trường như hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, các thiết bị an toàn trên xe, nhân viên lái xe...

Bà Vũ Anh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: Ngoài việc thực hiện các quy định chung, nhà trường lựa chọn đội ngũ giáo viên đưa đón học sinh phải có trình độ cao đẳng trở lên và ưu tiên những người học sư phạm. Nhà trường cũng đang thử nghiệm một ứng dụng trên điện thoại để giúp các cô giáo đưa đón cập nhật đồng thời với quản lý nhà trường và phụ huynh về quá trình di chuyển của học sinh.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, các hoạt động giáo dục kỹ năng... cũng là mối lo của gia đình và nhà trường hiện nay. Bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết: Năm học 2019-2020, Phòng đã yêu cầu các nhà trường siết chặt việc tổ chức các hoạt động này, có thẩm định chặt chẽ đối với đơn vị phối hợp tổ chức đưa học sinh đi trải nghiệm, tham quan với mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh ở mọi khâu.

Cùng với đó, việc bảo đảm an toàn chất lượng bữa ăn, nhất là với trẻ mầm non được các nhà trường coi trọng. Với nhiệm vụ đáp ứng cho hơn 700 trẻ ăn ít nhất hai bữa/ngày tại trường, bà Nguyễn Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Chung A, huyện Đông Anh chia sẻ, ngoài việc lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh thường xuyên đi kiểm tra trực tiếp nơi sản xuất, nuôi trồng của đơn vị cung ứng nhằm ngăn chặn tối đa các nguy cơ mất an toàn về chất lượng thực phẩm.

Nâng cao ý thức trách nhiệm, biết sơ cứu đúng cách và kỹ năng xử lý các tình huống bất thường cho cán bộ, giáo viên, nhân viên là giải pháp được ngành Giáo dục Hà Nội đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường học và khi tham gia các hoạt động tập thể. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, năm học 2019-2020, tất cả các trường học phải tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên về kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm và các biện pháp cơ bản để bảo đảm an toàn cho học sinh.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/946395/de-bao-dam-an-toan-cho-hoc-sinh-siet-chat-quan-ly-tang-trach-nhiem-ca-nhan