Để bộ đội phòng không giỏi tác chiến ban đêm

Trong chiến tranh hiện đại, tập kích đường không vào ban đêm là chiến thuật mang lại hiệu quả cao, được quân đội nhiều nước sử dụng.

Để bộ đội đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 214 (Quân khu 3) đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện đêm, góp phần tăng cường sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Đêm đông, trời tối đen như mực, những tiếng kẻng vang lên liên hồi báo hiệu đơn vị chuyển vào cấp 1. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 214) nhanh chóng cơ động ra chiếm lĩnh trận địa bắt đầu luyện tập những tình huống chiến đấu.

Liên tục các khẩu lệnh to, rõ, dứt khoát của chỉ huy, khẩu lệnh hiệp đồng khẩu đội giữa các pháo thủ rộn vang khiến không gian trận địa như nóng lên. Dưới ánh sáng le lói của chiếc đèn chỉ nhỏ bằng hạt đỗ, các pháo thủ vẫn thao tác một cách chính xác. Trong ít phút, các khẩu pháo 57mm vươn nòng hướng lên trời bám bắt mục tiêu.

Khẩu đội pháo phòng không của Lữ đoàn 214 thực hành bám bắt, tiêu diệt mục tiêu trong đêm.

Với vai trò là pháo thủ số 5, cũng là vị trí dễ mất an toàn nhất trong huấn luyện đêm, Binh nhất Trần Văn Hiển, Khẩu đội 6 (Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1) thực hành nhuần nhuyễn, nhịp nhàng các thao tác nạp đạn, hiệp đồng chặt chẽ cùng đồng đội, sẵn sàng nhả đạn tiêu diệt mục tiêu. Trần Văn Hiển chia sẻ: “Chỉ cần nạp đạn sai động tác, pháo thủ có thể bị kẹp tay vào máy nạp đạn, gây thương tích rất nặng. Do đó, tôi phải nghiên cứu, nắm chắc tác dụng, cấu tạo, các chuyển động liên quan của khóa nòng và máy nạp đạn, thực hiện thao tác nạp, tháo đạn nhiều lần. Bên cạnh đó, tôi chú trọng rèn luyện thể lực, học hỏi việc xử lý các tình huống hỏng hóc của pháo và đạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trời càng về đêm, nhiệt độ càng xuống thấp nhưng tinh thần luyện tập của cán bộ, chiến sĩ vẫn hăng say. Phấn khởi trước tinh thần trách nhiệm và kết quả huấn luyện của bộ đội, Thiếu tá Trịnh Văn Hạc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 cho biết: “Huấn luyện đêm là nội dung khó, rất dễ mất an toàn, do đó, chúng tôi phải làm tốt công tác chuẩn bị, huấn luyện tốt ban ngày rồi mới chuyển sang ban đêm, chú trọng việc thực hành thuần thục các thao tác cá nhân, nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí, trang bị hiện có; nắm chắc lý thuyết rồi mới tổ chức thực hành; huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao, phân đoạn đến tổng hợp. Đồng thời, chúng tôi theo dõi sát, trực tiếp uốn nắn, nhắc nhở, chấn chỉnh những sai sót của bộ đội, kết hợp với chia sẻ kinh nghiệm, như phân biệt ánh sáng từ mục tiêu bay và sao trên trời, cách tính toán phần tử bắn để giúp chiến sĩ ngày càng hoàn thiện kỹ năng chiến đấu”.

Huấn luyện và chiến đấu vào ban đêm đặt ra rất nhiều khó khăn do tầm quan sát bị hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc huấn luyện cho bộ đội nắm chắc kỹ thuật, chiến thuật, đội ngũ cán bộ của Lữ đoàn 214 đã cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tính ứng dụng cao. Trong đó, phải kể đến sáng kiến thiết bị chiếu sáng bọt nước chân kích của Đại úy Trương Công Hiếu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3. Anh Hiếu cho biết: “Để lấy thăng bằng chân kích, thường phải có hai pháo thủ, một người soi đèn, một người thực hiện thao tác, việc này diễn ra khá rườm rà. Do đó, tôi thiết kế thiết bị gồm một bóng đèn led loại nhỏ, cùng với hộp đựng có công tắc và pin rồi gắn trực tiếp vào thân bọt nước chân kích. Như vậy, chỉ cần một pháo thủ cũng có thể thao tác lấy thăng bằng dễ dàng”. Được biết, sáng kiến của Trương Công Hiếu có giá thành rất rẻ, chỉ dưới 50.000 đồng, lại dễ làm, dễ chế tạo nên được chỉ huy các cấp đánh giá rất cao và cho phép sử dụng rộng rãi tại các đơn vị phòng không trong LLVT Quân khu 3.

Cùng với sáng kiến của Đại úy Trương Công Hiếu, cán bộ, nhân viên Lữ đoàn 214 còn đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến hữu ích khác, như: Thiết bị chiếu sáng bảng phương vị, bộ cờ chỉ huy phát sáng, thiết bị thống nhất điểm ngắm ban đêm cho pháo thủ trên pháo phòng không 57mm... Cùng với đó, hằng năm, Lữ đoàn tiến hành sửa chữa, làm mới nhiều mô hình học cụ, tranh vẽ, nhất là các loại mô hình theo tỷ lệ máy bay của địch để giúp bộ đội rèn luyện khả năng quan sát, nhận biết mục tiêu.

Nhờ tổ chức tốt hoạt động huấn luyện đêm, trong năm vừa qua, Lữ đoàn 214 luôn hoàn thành nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, kết quả huấn luyện các nội dung vào ban đêm luôn đạt yêu cầu trở lên. Đại tá Trương Văn Thanh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 214 cho biết: “Đơn vị luôn coi huấn luyện đêm là một trong những nội dung trọng tâm. Do đó, đơn vị thường xuyên tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng, lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm, chiến sĩ có trình độ, sức khỏe tốt để tham gia huấn luyện đêm. Xác định đánh đêm là chiến thuật phổ biến trong chiến tranh hiện đại, chúng tôi luôn bám sát các tài liệu hướng dẫn của cấp trên, đồng thời chủ động theo dõi chiến thuật của quân đội các nước trong thực tiễn để nghiên cứu, đề xuất với cấp trên đưa vào huấn luyện những nội dung mới nhất, sát với thực tế chiến đấu trên chiến trường”.

Bài và ảnh: PHẠM QUYẾT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/de-bo-doi-phong-khong-gioi-tac-chien-ban-dem-716941