Để Bộ, ngành chủ quản giám sát tập đoàn, tổng công ty: Khó công khai, minh bạch

Bắt đầu từ ngày 15-8, Nghị định 61/2013/NĐ-CP về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là, giao cho chính các Bộ, ngành chủ quản giám sát liệu có khách quan, khi trong thời gian qua các Bộ, ngành vẫn che chở cho chính "những đứa con của mình”?

Trước khi những tiêu cực ở

Vinashin, Vinalines bị "đưa ra ánh sáng”,

thì đã có không ít đoàn thanh tra, kiểm tra

Ảnh: T.L

Khó đi vào cuộc sống

Quy chế này quy định việc giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đối tượng áp dụng của Quy chế gồm doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước; các tổ chức, cá nhân được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân cấp hoặc giao thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn nhà nước, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quy chế; cơ quan quản lý nhà nước về tài chính có chức năng, nhiệm vụ giám sát tài chính doanh nghiệp.

Điều 5 của Quy chế quy định chủ thể giám sát gồm: "Bộ quản lý ngành với tư cách là chủ sở hữu; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với tư cách là chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp”. Thực tế thì không phải đến bây giờ Chính phủ mới ban hành Quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp có vốn nhà nước, mà đã từ lâu một quy chế tương tự đã được ban hành. Nhưng, đáng nói là chưa có một vụ bê bối nào về tài chính ở doanh nghiệp có vốn nhà nước được phát hiện qua kiểm tra, giám sát. Minh chứng rõ ràng nhất chính là việc, trước khi những tiêu cực ở Vinashin, Vinalines bị "đưa ra ánh sáng”, thì đã có không ít đoàn thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, mức độ chỉ dừng ở việc…rút kinh nghiệm. Và đó chính là minh chứng cụ thể về hiệu quả của việc kiểm tra, giám sát. Từ đó cho thấy, vấn đề đặt ra chính là việc kiểm tra, giám sát phải gắn với trách nhiệm cụ thể. Bởi trong thời gian qua, những cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa đưa được vụ việc lớn nào ra "ánh sáng”.

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, kiểm tra, giám sát như thế nào là vấn đề không kém phần quan trọng. Bởi, nội dung kiểm tra, giám sát được quy định tại quy chế đòi hỏi rất toàn diện gồm: Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp; giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động. Trong khi, hoạt động tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp có quy mô lớn như tập đoàn, tổng công ty là vô cùng phức tạp. Những sai phạm được ngụy trang rất tinh vi. Vì vậy, nếu không có trình độ cần thiết thì người thực thi việc kiểm tra, giám sát chắc cũng chỉ là..."cưỡi ngựa xem hoa”. "Quy chế được nghiên cứu rất công phu và được Chính phủ ban hành đúng quy định của pháp luật, nhưng sẽ khó đi vào cuộc sống nếu không có người thực thi kiểm tra, giám sát trung thực, khách quan. Song, ai giám sát và giám sát như thế nào là hai vấn đề quan trọng nhất cần được quan tâm giải quyết, nếu không, Quy chế sẽ trở thành vô hiệu”-ông Tiền đặt vấn đề.

Phải thành lập một cơ quan độc lập

Khi nói về vấn đề giám sát tài chính, một số chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ rõ có những "khoảng trống lớn” trong mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam, dù đã có tới 5 tổ chức được trao chức năng này. Bởi lẽ, cơ chế giám sát còn nhiều bất cập, nội dung giám sát cũng hạn chế, việc phối hợp giám sát chủ yếu "gói gọn” trong việc giám sát tình trạng tài chính của các định chế tài chính, trong khi sự chia sẻ thông tin không phải bao giờ cũng được coi trọng. Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, cần cân nhắc kỹ và có bước đi phù hợp để từng bước nâng cao vai trò của cơ quan giám sát, bao gồm tính độc lập và trách nhiệm giải trình, thẩm quyền xử lý vi phạm, thẩm quyền xây dựng, ban hành chính sách pháp lý chung đối với hoạt động giám sát thị trường tài chính. Đồng thời, phải thành lập một tổ chức chịu trách nhiệm cho rủi ro hệ thống, xử lý khủng hoảng và giám sát các tập đoàn tài chính.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cần duy trì nhiều "dòng” giám sát theo chức năng, quản lý đa ngành và giám sát hỗ trợ bởi các tổ chức tự quản, hiệp hội. Đặc biệt, là vai trò của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội. "Bên cạnh việc giao cho Bộ, ngành quản lý với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, thì phải cần một cơ quan giám sát độc lập của Chính phủ, hoặc cơ quan quản lý tài sản công sản. Cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội để khách quan, công khai, minh bạch, nhằm tránh tình trạng Bộ, ngành che chở cho "chính đứa con mình đẻ ra” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67734&menu=1366&style=1