Để Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đi vào cuộc sống

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành có hiệu lực từ ngày 17-6, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Để Bộ quy tắc đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai công tác tuyên truyền nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đến các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ giúp người dùng chia sẻ thông tin có trách nhiệm hơn.

Thời gian gần đây, tính năng livestream trên MXH được người dùng sử dụng khá phổ biến vào các mục đích như: kinh doanh online, quảng bá hình ảnh cá nhân, “câu like”, “câu view”... Tuy nhiên, trong không ít livestream có những nội dung tiêu cực, phản cảm, phát ngôn gây thù hận, xúc phạm danh dự cá nhân. Đồng thời có không ít video liên quan đến bạo lực học đường, đánh ghen, chửi bới... đã phản ánh hiện tượng sai lệch khi sử dụng MXH của người dùng.

Tháng 6 vừa qua, trên MXH facebook đăng tải một clip có độ dài hơn 1 phút, ghi lại cảnh khiến dư luận xôn xao. Theo nội dung clip, nhóm nữ sinh xông vào túm tóc, đấm đá túi bụi và liên tục mạt sát, chửi bới, đe dọa rất thô tục, hung hãn. Xung quanh là nhiều học sinh khác vây quanh, bình luận, cổ vũ; trong khi nạn nhân hầu như không thể phản kháng, tự vệ.

Có thể nói, đây là một trong số ít những video, dễ bắt gặp trên MXH facebook trong những năm gần đây. Cũng thông qua các hành vi lệch chuẩn được đăng tải, phát tán rộng rãi trên MXH cho thấy sự “dễ dãi” trong việc kiểm soát thông tin trước khi đăng tải. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, chính sự “tiện lợi” này là ưu thế của MXH, đã và đang bị người dùng lạm dụng. Và khi không có những chỉ dẫn, cảnh báo, người dùng MXH dễ bị lôi cuốn vào những hình ảnh, ngôn từ, hành vi lệch chuẩn.

Với mục đích phát triển lành mạnh MXH tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam; Bộ TT&TT đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH.

Trên cơ sở đó, Sở TT&TT Thanh Hóa đã ban hành Văn bản số 1384/STTTT-BCXB ngày 1-7-2021 để hướng dẫn tuyên truyền và đề nghị các các cơ quan, đơn vị triển khai nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH gắn với quy chế hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân khi sử dụng internet và MXH; quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng internet và MXH của cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lan truyền, chia sẻ, bình luận thông tin có nội dung xấu, độc, thông tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết nội bộ, làm lộ lọt bí mật của cơ quan Nhà nước.

Theo ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở TT&TT, để Bộ quy tắc ứng xử trên MXH sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, trước hết các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ MXH cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Bộ quy tắc ứng xử đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH. Qua đó, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Cùng với đó là sự đồng hành của các cơ quan báo chí, hệ thống trang thông tin điện tử của tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở.

Cũng theo ông Lê Văn Nam, các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần tăng cường trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội, đồng thời có các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Mặc dù, Bộ quy tắc ứng xử trên MXH chỉ mang tính khuyến nghị, song thiết nghĩ, mỗi người tham gia MXH cần nắm rõ giá trị cốt lõi của Bộ quy tắc này để thay đổi thói quen và văn hóa ứng xử có trách nhiệm trên môi trường mạng.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/de-bo-quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-di-vao-cuoc-song/141281.htm