Để các làng cổ không đòi trả lại danh hiệu

Có những di tích mà chủ thể mong muốn mãi mới được cơ quan quản lý xem xét, xếp hạng di tích. Nhưng cũng có không ít di tích sau khi được xếp hạng lại lâm vào tình cảnh 'dở khóc dở cười'. Câu chuyện tranh chấp quyền được cấp 'sổ đỏ' đối với dinh thự họ Vương đang diễn ra là một ví dụ…

Làng cổ Đường Lâm gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn.

Sau những kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, Bộ VHTTDL vừa có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ khẳng định việc xếp hạng di tích quốc gia dinh thự họ Vương không phải là quốc hữu hóa quyền sở hữu. Bộ cũng đã đề nghị tỉnh Hà Giang thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu khu di thự họ Vương đã cấp cho Phòng văn hóa – thông tin huyện Đồng Văn.

Sau vụ lùm xùm này, người ta thấy còn nhiều bất cập trong việc xếp hạng các di tích quốc gia – đặc biệt là các làng cổ như Đường Lâm (Hà Nội), Bách Cốc (Nam Định), Phước Tích (Thừa Thiên – Huế)… Kể từ khi được công nhận là di tích, các thành viên trong các làng cổ này cũng chính thức bị mất “quyền sở hữu” tài sản mà ông cha đã gây dựng hàng trăm năm. Không ai tuyên bố truất quyền sở hữu, nhưng trong thực tế họ đã không có quyền đối với tài sản của mình không được mua bán, trao đổi, không được tu sửa, tôn tạo – đặc biệt là xây dựng mới. Trong khi đó quyền lợi mà họ dược thụ hưởng lại không rõ ràng và hầu như chưa được thực hiện.

Vì là “tài sản quốc gia”, nên việc sửa chữa, tu bổ đã có Nhà nước lo. Nhưng kinh phí của Nhà nước có hạn, nên rất nhiều nhà cổ phải “xếp hàng” chờ đợi, sự xuống cấp ngày càng trầm trọng. Một số nhà được đầu tư sửa chữa, tôn tạo, nhưng không đạt yêu cầu chất lượng và nội dung bảo tồn (như một số nhà cổ ở Đường Lâm). Đã thế sau hàng trăm năm, các nhà cổ không phải chỉ một gia đình sử dụng như thuở ban đầu, mà đã trở thành một đại gia đình nhiều thế hệ. Diện tích sử dụng trở nên chật hẹp, bất tiện không phù hợp với nhu cầu hiện tại. Nhưng xây dựng mới thì không được, khu tái định cư thì chưa có.

Vậy có nên “bắt” người dân phải chịu khổ sở trong chính ngôi nhà của mình, khi đã quá tải, khi điều kiện sinh hoạt đã thay đổi? Một số người dân “đánh liều” xây dựng thì bị đình chỉ, bị phạt. Do vậy không ít người dân trong các làng cổ (như ở Đường Lâm chẳng hạn) đã xin trả lại danh hiệu di tích, vì quyền lợi thì chưa được hưởng mà sự khổ sở, chịu đựng đã thấy nhãn tiền.

Không ít người dân đã phản ứng tiêu cực bằng việc đóng cửa không tiếp du khách, hoặc không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu quá trình xây dựng, tồn tại của kiến trúc mà họ đến tham quan. Bởi người dân cho rằng họ vừa tốn công, tốn sức, có khi lại tốn của (phải mời nước du khách) mà chẳng được lợi lộc gì. Tôi đã nghe nói (mặc dù rất cá biệt) có gia chủ bắt chẹt khách, bằng cách bán 5.000 đồng một cốc nước. Việc làm này không những không đem lại lợi lộc bao nhiêu cho gia chủ, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của di tích, của ngành du lịch.

Nguyên nhân của những bất cập trên không chỉ do bỗng dưng cư dân của các làng cổ bị mất “quyền sở hữu” tài sản của mình khi được công nhận di tích, mà còn bởi các công ty du lịch được thụ hưởng hầu hết lợi ích từ các di sản này, trong khi chủ nhân đích thực lại hầu như không được hưởng lợi gì (mà có khi lại còn bị thiệt hại). Do vậy theo người viết, Nhà nước cần có ngân sách để đầu tư, tôn tạo các nhà cổ, nếu chưa có phải yêu cầu các công ty du lịch được hưởng lợi góp vốn đầu tư, tôn tạo (cùng với sự tham gia bảo tồn của gia chủ và phải phân chia lợi nhuận xứng đáng).

Thứ hai, phải cho phép người dân cải tạo lại nội thất (nếu không làm ảnh hưởng, hoặc sai lệch di tích), phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Không có lý gì chúng ta lại bắt người dân phải chịu đựng những bất tiện trong cuộc sống hàng ngày để bảo tồn di sản cho đất nước.

Thứ ba, phải có khu tái định cư để người dân xây dựng nơi ở mới, khi tất cả các ngôi nhà cổ đã quá tải vì đã tồn tại từ một vài trăm năm. Và điều quyết định nhất, cốt tử nhất là các công ty du lịch và cư dân trong làng cổ phải trở thành thành viên trong một công ty cổ phần. Phần góp vốn của các cư dân chính là giá trị ngôi nhà của họ, sau này họ sẽ được nhận lãi từ giá trị cổ phần (cũng tức là giá trị ngôi nhà của họ). Như vậy cư dân nhà cổ vẫn tiếp tục làm chủ tài sản của họ, cùng với các công ty dịch vụ du lịch và được phân chia lợi nhuận hợp lý.

Chủ các ngôi nhà từ địa vị phụ thuộc lép vế tiếp tục là chủ nhân – họ cũng đồng thời là những hướng dẫn viên du lịch. Lợi nhuận phân chia vừa phụ thuộc vào giá trị của ngôi nhà vừa phụ thuộc vào lượng khách tham quan nhiều hay ít (tức là phụ thuộc vào nghệ thuật đón khách, cũng như trình độ làm hướng dẫn viên của họ). Đây cũng là biện pháp căn cơ để phát triển du lịch bền vững và khiến cho cư dân vùng di sản không chỉ được hưởng vinh dự từ di sản của ông cha, mà còn được hưởng lợi ích cụ thể từ việc mình đã giữ gìn, bảo vệ và bây giờ là phát huy giá trị của di sản.

Tất nhiên một làng cổ không phải tất cả các ngôi nhà trong làng đều cổ, đều là di tích, đều có thể thu lợi cho cư dân. Nhưng lại có một điều tất nhiên khác là các làng cổ bao giờ cũng là những nơi lưu giữ những ngành nghề cổ, nói tóm lại là các làng nghề. Những cư dân chưa được hưởng lợi từ di tích có thể phát huy ngành nghề truyền thống để phục vụ trực tiếp du khách (từ nghệ thuật ẩm thực) hoặc phục vụ nhu cầu mua hàng lưu niệm (đối với những làng nghề có thủ công mỹ nghệ). Tổng hợp tất cả những yếu tố này, không chỉ chúng ta phát triển du lịch bền vững, mà còn khiến các làng cổ tồn tại lâu dài và tiếp tục phát huy giá trị.

Trần Bảo Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-tri/de-cac-lang-co-khong-doi-tra-lai-danh-hieu-tintuc415367