Để cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ, tinh giản biên chế.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội kiểm tra đột xuất việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Ảnh: Thùy Linh

Cùng với đó là sớm có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm và đùn đẩy khi thực thi công vụ. Khẳng định này một lần nữa thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ, tinh giản cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), vì một nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân.

Đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm nay chính là thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thực tế đòi hỏi sớm ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhằm cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, tạo hành lang pháp lý khuyến khích, bảo vệ CBCCVC đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung; góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi.

Gần đây, Bộ Nội vụ đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định này, trong đó đề xuất đáng chú ý là cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ để xảy ra thiệt hại mà được xác định triển khai các nội dung theo kế hoạch hoặc đề án đã được chấp thuận, có động cơ trong sáng, thì được miễn xử lý trách nhiệm.

Bối cảnh hiện nay chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, nên một bộ phận cán bộ còn chần chừ, giữ an toàn và sợ sai. Chính vì thế, rất cần có những cơ chế chính sách để cán bộ có thể dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Những việc có lợi cho dân thì chúng ta quyết tâm, còn có hại cho dân thì kiên quyết tránh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Phạm Thị Thanh Trà

Đặc biệt, dự thảo lần 3 do Bộ vừa trình Chính phủ đã đề xuất, cán bộ, cá nhân thực hiện đổi mới, sáng tạo đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện nhưng không hoàn thành hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước khi thuộc 1 trong 8 trường hợp cụ thể; quy định biện pháp bảo vệ cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu đề xuất đó được phê duyệt thuộc các trường hợp theo quy định.

Đồng thời nêu rõ, cán bộ có đề xuất được phê duyệt và triển khai thực hiện tạo chuyển biến tích cực, mang lại giá trị hiệu quả thiết thực được khuyến khích bằng nhiều hình thức: Xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đánh giá hằng năm, ưu tiên đào tạo, nâng lương trước thời hạn 12 tháng, ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo hoặc lãnh đạo cao hơn…

Theo Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu thận trọng, thấu đáo, làm sao đạt mục tiêu tham mưu xây dựng được cơ chế cụ thể, hiệu quả trong việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Thời gian qua có một số cán bộ nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo, giữ cho mình an toàn, chúng tôi đặc biệt quan tâm khi xây dựng cơ chế này.

Quan trọng hơn, cần đưa ra cơ chế làm sao ngoài khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, cũng phải hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương này để vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật”- ông Nguyễn Tuấn Ninh nhấn mạnh.

Cần cơ chế để sáng kiến cháy lên thành bó đuốc

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tiễn lãnh đạo, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều trở ngại do một số quy định, chính sách chưa hoàn thiện; nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ, dễ gây rủi ro, khiến cán bộ chưa phát huy hết năng lực, thậm chí e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm.

Cán bộ Ban Tiếp công dân TP Hà Nội lắng nghe ý kiến người dân. Ảnh: Tiến Thành

Vì thế, cùng với khuyến khích thì trong bối cảnh hiện nay rất cần cơ chế bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, song song với tinh giản người không làm được việc và xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, đùn đẩy khi thực thi công vụ.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Nghị định cần quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy trình thực hiện và hình thức khuyến khích, bảo vệ cán bộ; biện pháp triển khai trong trường hợp cấp bách thực hiện đề xuất vì lợi ích chung để vận dụng trên thực tế; trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ...

Quy định càng cụ thể càng là chỗ dựa tin cậy cho việc làm đột phá vì lợi ích chung diễn ra mạnh mẽ, lấn át sự trì trệ đang có dấu hiệu lan rộng trong bộ máy.

Đáng chú ý, PGS. TS Bùi Thị An - Nguyên ĐB Quốc hội bày tỏ, Nghị định này sớm ban hành sẽ tạo động lực làm xã hội trong sạch, với điều kiện việc thực thi phải có giải pháp đồng bộ. Muốn bảo vệ CBCC sáng tạo, dám đấu tranh thì cần có cơ chế tạo ra một đội ngũ người quản lý trực tiếp cũng phải năng động, trong sạch, trách nhiệm cao, vừa có tâm vừa có tầm.

Người có tầm mới nhìn ra được, ủng hộ và bảo vệ sáng tạo của cán bộ, không sợ trách nhiệm; nếu không được nâng lên đúng lúc thì “đôi cánh” bay mãi cũng mỏi. Hoặc lãnh đạo có tầm nhưng không có tâm, thì có khi thấy cán bộ dám đột phá lại sợ người đó có thành tích cao vượt qua mình, nên cản trở, thậm chí vùi dập sáng tạo, trong khi một sáng kiến có thể mang lại giá trị rất lớn cho đất nước.

“Sáng kiến như ngọn đèn, nếu tồn tại vững thì sẽ cháy lên thành bó đuốc, còn ngay từ đầu gặp gió mà không được che thì bị tắt ngay. Cùng với cơ chế để người cấp trên đánh giá và thúc đẩy được sáng tạo, đột phá của cán bộ, cũng phải có tiêu chí rõ thế nào là năng động sáng tạo và linh động trong áp dụng tiêu chí với từng lĩnh vực; biết vận dụng tiêu chí chứ không máy móc, vì sáng tạo là không có tiền lệ nên đòi hỏi được đánh giá đúng”- PGS.TS Bùi Thị An phân tích.

Song song đó, với những CBCC sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong thực thi công vụ, PGS.TS Bùi Thị An đề xuất phải có cơ chế cụ thể để người lãnh đạo trực tiếp có đánh giá cán bộ thông qua hiệu quả thực tiễn công việc. Muốn vậy, cần căn cứ trên chức năng nhiệm vụ, tiêu chí từng vị trí việc làm. Người quản lý luôn lấy hiệu quả thực tiễn để đánh giá, thì cán bộ sẽ tâm phục khẩu phục. Nếu cán bộ cố tình “giữ chỗ” thì phải xử lý kỷ luật; sợ sai không làm thì dẹp ra để bổ nhiệm người khác.

Từ thực tế địa phương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên Lê Quang Hòa cho hay, tại Sở đã thực hiện khuyến khích thưởng cho CBCCVC làm việc với nội dung gần giống quy định Bộ Nội vụ đề xuất, đó là có đề xuất đổi mới sáng kiến, sáng tạo được thưởng thu nhập tăng thêm 0,3 mức lương cơ sở. 2 tháng đầu năm, đã có 12 người được hưởng mức này, với đề xuất cụ thể trong lĩnh vực mình, tháo gỡ vướng mắc mà pháp luật chưa quy định nhưng phù hợp quan điểm đường đối của Đảng.

Để có phương thức tổ chức tốt nhất bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm, cần nghiên cứu có cơ chế để những người sáng tạo, dám đột phá mà không được người quản lý trực tiếp ủng hộ thì có quyền vượt cấp, được trình bày với cấp trên, để không bị quy là cậy cấp trên, có thể bị kỷ luật.
PGS. TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-can-bo-dam-nghi-dam-lam.html