Đề cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong xử lý rác thải

Xác định công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó việc thu gom, xử lý chất thải là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô. Từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tạo chuyển biến trong lĩnh vực này, nổi bật là việc áp dụng cơ giới hóa trong thu gom, vận chuyển rác tại các quận nội thành.

Tuy nhiên, tại một số khu vực nhất là địa bàn giáp ranh giữa các quận, huyện, vẫn xảy ra tình trạng người dân đổ rác thải, phế thải xây dựng đổ bừa bãi, làm xấu cảnh quan đô thị. Tại các huyện phía tây thành phố vẫn tồn đọng hàng nghìn tấn rác thải nhiều tháng nay, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Giải trình về tình trạng này tại phiên họp ngày 12-9 do HĐND thành phố Hà Nội tổ chức, các Chủ tịch UBND quận, huyện đều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế, do thiếu thùng đựng rác, nơi tập kết rác, hoặc do địa bàn rộng, còn nhiều khu đất dự án chưa triển khai, trở thành điểm tập kết phế thải lý tưởng… Trong khi đó, từ tháng 7-2016, UBND thành phố đã báo cáo HĐND thành phố để ban hành Nghị quyết số 41 về việc phân cấp toàn bộ nhiệm vụ quản lý, đôn đốc thu gom, vận chuyển rác thải thuộc về trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải một cách công khai, minh bạch, giảm mỗi quận, huyện có từ ba, bốn đơn vị thu gom, vận chuyển xuống còn một đơn vị có năng lực nhất, để hạn chế tình trạng nhiều đơn vị đổ trách nhiệm cho nhau. Rõ ràng, người đứng đầu bộ máy chính quyền các địa phương chưa thẳng thắn nhận trách nhiệm về những thiếu sót trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác vệ sinh môi trường, chưa quyết liệt kiểm tra, đôn đốc việc thu gom rác thải trên địa bàn.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu người đứng đầu chính quyền quận, huyện phải xác định trách nhiệm trong việc thu gom, vận chuyển rác, xử lý ô nhiễm môi trường ao hồ là nhiệm vụ thường xuyên. Các huyện còn hạn chế trong công tác này như Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên… thì phân luồng đưa rác về Nam Sơn, Sóc Sơn để xử lý và phải hoàn thành trong tháng 9, muộn nhất là ngày 15-10 tới xử lý sạch rác tồn đọng trên địa bàn. Sở Xây dựng thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra tại các đơn vị, bổ sung đơn giá, định mức nếu phải vận chuyển đi xa hơn.

Với dân số đông, địa bàn rộng, các khu xử lý chất thải rắn của thành phố đang trong quá trình xây dựng theo quy hoạch, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế, các vi phạm về vệ sinh môi trường diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Để công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tốt hơn, đường phố sạch hơn, đưa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thành nếp văn hóa của người dân Hà Nội, cần tăng cường tuyên truyền để thay đổi ý thức của người dân và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương.

Nếu lãnh đạo từng phường, xã, quận, huyện, thị xã hằng ngày, hằng tuần đều sâu sát kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và xử lý nghiêm các vi phạm, chắc chắn sẽ không thể xảy ra tình trạng hàng nghìn tấn rác bị tồn đọng như thời gian qua ở một số địa bàn. Mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp có trở thành hiện thực được hay không phụ thuộc vào việc thực hiện từ những công việc nhỏ nhất diễn ra trong đời sống hằng ngày, gắn với vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu địa bàn, đơn vị.

Việt Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34091402-de-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-dia-phuong-trong-xu-ly-rac-thai.html