Đề cao vai trò của phụ nữ

Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy vai trò trong học tập, lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong các lĩnh vực.

Phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong các lĩnh vực.

Nhiều mô hình bảo vệ phụ nữ hiệu quả

Có mặt trong ngôi nhà tạm lánh TP Uông Bí (đặt tại Trạm Y tế phường Quang Trung), lắng nghe câu chuyện của người phụ nữ bị bạo hành, ai đó sẽ không khỏi phẫn nộ bởi sự đối xử bất công của chính người chồng với người bạn đời của mình.

Gia đình khó khăn, chồng luôn dùng bạo lực trong câu chuyện thường ngày với vợ khiến cuộc sống của chị Vũ Thị Thúy, khu 6, phường Bắc Sơn (TP Uông Bí) luôn chìm trong nước mắt. Không có tiền thuê nhà, khi biết đến mô hình nhà tạm lánh, chị Thúy như "vớ được cọc".

"Từ khi các cơ quan chức năng can thiệp, mẹ con tôi tạm lánh trong ngôi nhà này, cuộc sống của chúng tôi được an toàn hơn, không còn bị đe dọa bởi đòn roi của chồng như trước. Cơ sở vật chất ở đây cũng khá đầy đủ", chị Thúy tâm sự.

Chị Vũ Thị Thúy (áo đen) chia sẻ về hoàn cảnh của mình, tại nhà tạm lánh.

Bên cạnh mô hình nhà tạm lánh, công tác bình đẳng giới còn được thể hiện rõ ở việc duy trì và phát triển mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình tại các khu dân cư trên địa bàn, thu hút sự tham gia của nhiều nam giới. Nhiều CLB đã làm tốt vai trò là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, tư vấn cho hội viên trong việc ngăn ngừa bạo lực gia đình; đồng thời bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên và là đầu mối để giải quyết các mâu thuẫn.

Ông Hoàng Văn Lưu, phường Phương Đông, TP Uông Bí cho biết: Để nâng cao nhận thức cho hội viên về tác hại của bạo lực gia đình, CLB đã duy trì sinh hoạt định kỳ đều đặn, lồng ghép nói chuyện chuyên đề vào các buổi sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng. Qua nhiều năm hoạt động, chúng tôi thấy mô hình này rất có hiệu quả, trên địa bàn không xuất hiện các trường hợp đánh nhau trong gia đình.

Nghiên cứu của Liên hiệp quốc công bố giữa tháng 9/2019 cho thấy có đến 58% phụ nữ Việt Nam từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo hành. Khi bạo lực gia đình không chỉ gây ra những nỗi đau cho gia đình và xã hội mà có những tác động nghiêm trọng, lâu dài đến thế hệ trẻ thì sự hình thành một số mô hình phòng, chống bạo lực gia đình bước đầu góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một môi trường an toàn, bình đẳng.

Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định

Tại Quảng Ninh, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp liên tục tăng sau mỗi nhiệm kỳ và cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc. Đến nay, các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 57,78%, vượt 22,78% so với kế hoạch của tỉnh đề ra đến năm 2020. Đội ngũ cán bộ nữ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thể hiện tốt vai trò là người lãnh đạo, quản lý...

Phụ nữ ngành Y có vai trò quan trọng trong việc chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Có thể nói, phụ nữ Quảng Ninh đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh. Các tấm gương tiêu biểu của giới nữ ở nhiều độ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, lĩnh vực chính là minh chứng về công tác bình đẳng giới trên địa bàn.

Bà Lê Thị Hồng Thái - Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chúng tôi vẫn tiếp tục rà soát, đôn đốc các sở, ngành, địa phương chú trọng các chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt hoặc mới đạt ở mức thấp.

Từ đó, đề ra các giải pháp tăng cường tuyên truyền ở cơ sở, hướng mạnh tới đồng bào dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế và các khu công nghiệp có đông lao động nữ, hướng tới đối tượng là nam giới tham gia công tác bình đẳng giới.

Thông qua các chương trình truyền thông, phát động “Ngày hội gia đình hạnh phúc”, tọa đàm với các khách mời là phụ nữ thành đạt trong xã hội; đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, lan tỏa “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc..., người phụ nữ trong gia đình, xã hội ngày càng được trân trọng, nâng cao vai trò và có điều kiện sáng tạo, phát huy năng lực bản thân.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Với vai trò là một tổ chức về giới, trong những năm tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ cho các tầng lớp phụ nữ; lồng ghép động viên phụ nữ cố gắng, nỗ lực, tự mình vươn lên để vượt qua các rào cản. Với riêng tổ chức Hội, sẽ hỗ trợ cho phụ nữ để đồng thời với đó, thực hiện tốt hơn vai trò trong gia đình để gia đình thực sự là chỗ dựa, động lực cho phụ nữ phát triển.

Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, với kinh phí trên 8,4 tỷ đồng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện tốt công tác bình đẳng giới tại Quảng Ninh, góp phần nâng cao nhận thức, quan điểm về giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/quang-ninh-no-luc-thuc-day-binh-dang-gioi-de-cao-vai-tro-cua-phu-nu-2473708/