Đề cao yếu tố phòng ngừa trong công tác phòng, chống thiên tai

Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị cần tập trung phòng ngừa, đề cao phòng ngừa hơn so với ứng phó theo hướng 'phòng bệnh hơn chữa bệnh'.

Chiều 20/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn dự và chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: N.H)

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong năm 2022, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra rất phức tạp. Nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Điển hình như : nắng nóng, hạn hán kéo dài, nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm tại châu Âu gây thiệt hại kinh tế trên 19 tỷ đô la Mỹ; siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9 làm 154 người chết, thiệt hại trên 50 tỷ đô la Mỹ; lũ lụt lịch sử trong tháng 7-8 tại Pakistan làm gần 1.700 người chết, thiệt hại khoảng 30 tỷ đô la Mỹ; trận động đất với độ lớn 5,6 độ richter ngày 21/11 tại Indonesia làm 321 người chết,…

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên thế giới đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường như: ngày 6/2/2023, tại khu vực miền Nam và miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria, đã xảy ra 2 trận động đất với độ lớn 7,8 và 7,5 kèm theo 90 dư chấn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với khoảng 53.000 người chết, 130.000 người bị thương và hơn 6.200 tòa nhà bị sập đổ, thiệt hại kinh tế trên 105 tỷ đô la Mỹ. Cuối tháng 2/2023, 20 bang miền Tây và Trung nước Mỹ chịu ảnh hưởng của bão tuyết mạnh nhất trong vòng 100 năm làm 7.600 chuyến bay bị hủy, khoảng 1 triệu người bị mất điện,…

Ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm 2022 và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4,5,6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên,… Các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong một thời gian khá dài.

Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Nguồn: vtvgo.vn)

Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng – Quảng Nam ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, trong đó riêng Nghệ An mưa rất lớn từ 300-500mm, gây ngập lụt tại khu vực đồng bằng và lũ quét nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn,…

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển, trong đó ngay cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Nhìn nhận về công tác phòng chống thiên tai trong năm qua, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn trong khi thiên tai diễn biến cực đoan, bất thường. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng chống thiên tai nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế.

Việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai ở một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn mang tính hình thức; công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng, trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích tại cơ sở ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu,…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan cho rằng, khí hậu đang biến đổi, diễn biến thiên tai bão lũ ngày càng cực đoan, khó lường, khó dự báo. Một trận bão bất ngờ quét qua có thể cuốn trôi những thành quả, của cải tích cóp nhiều năm của người dân và làm chậm đà phát triển của các địa phương. Do đó, điều này đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới hơn trong phòng chống thiên tai, trong đó giải pháp phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ thiên tai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: N.H)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ghi nhận, đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế đã có sự phối hợp, hỗ trợ, hợp tác nhằm hạn chế rủi ro thiên tai và tái thiết sau thiên tai. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, cần tập trung phòng ngừa, đề cao phòng ngừa hơn so với ứng phó theo hướng "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai.

Phó Thủ tướng đề nghị cần tăng cường và nâng cao trách nhiệm hơn trong phối hợp cũng như phân công trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng trong phòng chống thiên tai. Ngoài dành nguồn lực trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thiên tai, các địa phương cần quan tâm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng ở địa phương phải lưu ý tới yếu tố ứng phó với thiên tai. Trong khi nguồn lực còn hạn chế, tập trung ưu tiên cho tăng cường công tác cảnh báo và dự báo để nhận diện rõ thiên tai như thế nào để chủ động ứng phó và tiết kiệm nguồn lực,…/.

B.T

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/de-cao-yeu-to-phong-ngua-trong-cong-tac-phong-chong-thien-tai-636115.html