Để cây mãng cầu ta có hiệu quả cao

Cây na còn có tên khác là mãng cầu, sa lê, tên khoa học là Anona squamosa L. thuộc họ Na (Anonaceae), có nguồn gốc á nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á, châu Úc, châu Phi. Ở nước ta, na được trồng nhiều ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao

Na (mãng cầu ta) được trồng phổ biến vì quả thơm ngon, chịu được rét, có giống na dai rất được người tiêu dùng ưa thích. Một số tỉnh miền Đông, vùng núi cây na được xem là cây trồng chủ lực hiệu quả kinh tế rất cao. Khu vực núi Bà Đen, Tây Ninh có vùng chuyên canh cây na nhiều năm nay.

Na thích khí hậu ấm áp, kém chịu rét. Na không kén đất. Có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là ở mức nước ngầm sâu dưới 1 m, tầng đất dày trên 1 m. Đất cát sỏi, đất thịt nặng, đất vỏ sò hến đều trồng được na.

Na rất thích hợp ở các loại đất phát triển trên đá vôi. Na không chịu chua, độ pH thích hợp là 6-7. Nếu trồng trên đất vùng đồi nên chọn loại có độ dốc < 15 độ. Có kinh nghiệm chọn đất sỏi cơm là tốt nhất.

Có nhiều cách trồng, từ gieo hạt cho đến ghép. Tuy nhiên, dù cách nào thì khâu chọn giống rất quan trọng. Trên thị trường có nhiều địa điểm cung cấp giống na chất lượng. Đối với na dai được nhiều nhà vườn ưa chuộng bởi khách hàng thích tiêu thụ loại này vì ngon, thơm…

Theo các nhà vườn có kinh nghiệm, thời gian trồng thích hợp nhất trong năm là tháng 2-3, và tháng 8-9. Ở miền Nam vào đầu mùa mưa (tháng 4-5).

Hố trồng được đào rộng khoảng 0,5 m, sâu 0,5m với khoảng cách 2 x 3m, mật độ tương ứng 1.400 -1.600 cây/ha, trung bình là 1.500 cây/ha. Có thể trồng xen vào chỗ trống trong vườn đã có cây ăn quả lâu năm.

Chăm sóc, bón phân

Có nhiều kỹ thuật bón phân cho cây na. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo trong 3 năm đầu cần bón nhiều đạm để cây sinh trưởng thân, lá tốt. Bón NPK tỷ lệ 2:1:1. Cứ 1-2 tháng bón một lần khi thời tiết mưa ẩm. Mỗi cây bón 0,1- 0,2kg urê + 0,05-0,1kg kali + 0,2-0,5kg supe lân, cách gốc 30-50cm. Phân chuồng bón 30-50kg, cách gốc 50-60cm vào hai hốc đối xứng (đông - tây hoặc nam - bắc. Cụ thể hơn, cứ 2 tháng tiến hành bón 1 lần với mỗi gốc khoảng 10kg phân chuồng hoai mục, 1kg phân NPK và thêm vôi bột. Những năm sau khi cây đã cho thu hoạch mỗi kỳ cần bón phân để tiếp sức cho cây cho ra quả vào năm tới.

Một nhà vườn tại Tây Ninh cho biết, họ bón phân theo cách này sẽ hiệu quả hơn: Bón 20-30kg phân chuồng khi trồng cho mỗi cây. Sau khi cây lớn bón phân cho 1 cây như sau: Phân chuồng hai năm đầu bón 20kg/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30kg/năm. Phân chuồng nên bón làm một lần hoặc hai lần trước mùa mưa và sau khi thu trái. Phân khoáng (bón thêm với phân chuồng) năm đầu bón phân NPK 16-16- 8: 0,5kg cho mỗi cây. Từ năm thứ hai trở đi cứ thêm 1 năm tuổi bón thêm 0,5kg. Ví dụ năm thứ hai bón 1kg/cây, năm thứ ba 1,5kg và đến năm 9, 10 thì thôi không tăng nữa. Để trái thêm ngọt, có thể bón thêm phân kali từ năm thứ ba trở đi, 0,5kg cho mỗi cây, và sau đó tăng lên chút ít mỗi năm.

Theo nhiều chuyên gia làm vườn giống na dai ít sâu bệnh tuy nhiên vẫn cần chú ý phòng trừ rệp sáp và các loại sâu hại quả. Những loại rệp thường xâm nhập vào kẽ vỏ na và gây hỏng quả hoặc khiến chất lượng mẫu mã na dai giảm đi nhiều.

Khi na mở mắt cũng là lúc mùa thu hoạch na dai đã đến. Lúc này kích thước quả đã khá to và quả có mùi thơm đặc trưng. Nên thu hái na dai vào lúc trời mát không mưa dùng kéo cắt cuống rồi đặt nhẹ nhàng vào thùng xốp hoặc giỏ nhựa. Bảo quản nơi thoáng mát và có thể vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ.

Hoàng Huy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/de-cay-mang-cau-ta-co-hieu-qua-cao-d69008.html