Để chiến dịch giành lại vỉa hè không như 'đá ném ao bèo'

Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, cần có cách tiếp cận mới trong việc dẹp loạn vỉa hè, nếu không mọi chuyện sẽ chỉ là 'đá ném ao bèo' như trước đây.

Liên quan đến chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng cần nhìn nhận lại thật kỹ thực trạng sử dụng vỉa hè, từ đó mới có phương án khoa học trong quản lý, sử dụng.

Khi vỉa hè phải "cõng" thêm nhiều thứ

Một đại lý của hãng xe Ford là Ford Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình cho xe đậu chiếm hết vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống đường.

Ông nhìn nhận về thực trạng sử dụng và quản lý vỉa hè hiện nay ở TP.HCM như thế nào?

Cần nhìn nhận một thực tế là vỉa hè ở TP.HCM khá lộn xộn. Tình trạng lấn chiếm để bán hàng, giữ xe, xả rác, tập trung vật liệu xây dựng khá nhiều. Thậm chí có những tuyến đường dài vài km bị lấn toàn tuyến như Phạm Văn Đồng, Tô Hiến Thành, Cộng Hòa, Trường Chinh….

Dẹp vỉa hè như “bắt cóc bỏ đĩa”, hay kiểu “lấy đá mà ném ao bèo”, không hiệu quả. Cần có cách tiếp cận khác mới hơn, khoa học hơn.

TS Nguyễn Minh Hòa

Người lấn chiếm có thể là chủ nhà hay người thuê mặt bằng cố định lấn ra phần phía trước, người bán hàng rong chiếm chỗ, một vài tổ chức, cá nhân chiếm vỉa hè, lòng đường để giữ xe thu phí.

Điều này khiến cho bức tranh vỉa hè rất xấu và lộn xộn, ngoài ra còn có những xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp địa bàn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội.

Mục đích quan trọng nhất của vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ, nhưng người ta cũng nói nhiều đến khái niệm "kinh tế vỉa hè" khi đề cập đến việc thu phí vỉa hè, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Cần phải hiểu, vỉa hè là một phần quan trọng của tổ chức không gian đô thị, mà đô thị là cơ thể sống, luôn vận động và phát triển. Do vậy, chức năng của vỉa hè cũng có những thay đổi.

Chức năng nguyên thủy của vỉa hè là không gian chuyển tiếp giữa nhà ở, công trình với đường đi. Nó là phần dành cho người đi bộ và bảo vệ an toàn cho người và công trình trên vỉa hè. Vì thế, vỉa hè bao giờ cũng cao hơn lòng đường từ 25- 30cm. Nhưng theo năm tháng nó bắt đầu "cõng" thêm chức năng khác nữa là chức năng “kinh tế vỉa hè”.

Lúc này, vỉa hè sẽ cõng thêm các công trình phục vụ cho dịch vụ - thương mại như bến xe bus, dựng bảng quảng cáo, trạm điện thoại, trạm ATM, trụ điện, trụ nước,…Và đặc biệt là kinh doanh buôn bán hàng hóa trên mặt đất và trên không của vỉa hè. Chưa kể vỉa hè còn được sử dụng tạm thời cho đám ma, đám cưới và các sự kiện lễ hội nữa.

Theo ông, vì sao hết chiến dịch này đến chiến dịch khác mà TP.HCM vẫn không lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ, cốt lõi vấn đề ở đây là gì?

Như trên đã nói về tính đa chức năng vỉa hè, vì vậy cần đặt lại mục tiêu của quản lý vỉa hè là quản lý sao cho quy củ, trật tự. Điều này nhằm để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể cùng tham gia sử dụng, khai thác vỉa hè, nhưng không làm mất đi không gian cho người bộ hành.

TP.HCM đã có những chiến dịch rầm rộ nhằm giành lại vỉa hè ở khu vực trung tâm nhưng không thành công. Mọi cố gắng đẩy người bán hàng rong ra khỏi khu vực trung tâm, tăng cường thu gom, phạt, tịch thu xe đẩy, quang gánh và phá bỏ các biển quảng cáo lấn chiếm trên cao, dưới mặt đất, thu hàng hóa lấn ra vỉa hè, phạt xe để trên vỉa hè ở các quán ăn…, nhưng kết quả vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”, hay kiểu “lấy đá mà ném ao bèo”. Cần có cách tiếp cận khác mới hơn, khoa học hơn.

Mặc dù đã quy định phải dành 1,5m vỉa hè cho người đi bộ, nhưng trên nhiều tuyến đường, chủ các hàng quán vẫn để xe chiếm hết vỉa hè

Cho thuê vỉa hè là hợp lý?

Vừa qua Sở GTVT TPHCM đề xuất thu phí vỉa hè để quản lý tốt hơn, ý kiến của ông về việc này?

Việc sử dụng vỉa hè đã tồn tại từ rất lâu rồi, có thể nói từ trước 1975. Nhưng việc sử dụng như trước nay là tự phát, mạnh ai người nấy khai thác. Chủ thể khai thác là tư nhân, nhóm dân lập, các tổ chức như Thanh niên xung phong, phường xã, hiệp hội…

Việc khai thác này không theo một quy định nào cả, tiền thu được không vào ngân sách. Vì thế việc cho thuê vỉa hè được coi là hợp lý, nếu nó quyết định được việc lập lại trật tự vỉa hè, đưa việc sử dụng vỉa hè vào quỹ đạo quản lý của chính quyền.

Muốn hay không cần nhất quán hai điều: Thứ nhất: vỉa hè có thể khai thác với các mục đích khác nhau nhưng phải đảm bảo không cản trở người bộ hành, đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan và môi trường đô thị.

Thứ hai: vỉa hè hay lòng đường là không gian công cộng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khai thác sử dụng sinh lời thì phải trả tiền vào công quỹ, không có chuyện sử dụng miễn phí. Số tiền đó được đưa trở lại với mục đích duy tu, bảo trì vỉa hè, đường sá và cảnh quan, môi trường.

Theo ông, cần làm gì, như thế nào, ra sao để đưa vỉa hè về đúng bản chất là vỉa hè dành cho người đi bộ?

Cần thống nhất việc quản lý vỉa hè về một mối và điều chỉnh bằng các qui định dưới luật thống nhất (nghị định, quyết định, bộ tiêu chí và tiêu chuẩn).

Hiện nay Sở GTVT quản lý lòng đường, quận, huyện quản lý vỉa hè, dưới lòng đường vỉa hè là các dơn vị chức năng liên quan đến cấp thoát nước, điện, truyền thông.

Cần xây dựng một bộ tiêu tiêu chí và tiêu chuẩn để đưa vỉa hè vào trật tự. Nếu cho rằng việc thu phí vỉa hè sẽ mang lại chất lượng mới cho vỉa hè thì các chuyên gia xây dựng đề án phải trả lời được bốn câu hỏi cốt lõi là: loại tuyến đường nào thì được thu phí? Mức thu phí theo tháng/quí/năm là bao nhiêu? Số tiền đó được sử dụng như thế nào? Phía cho thuê và đi thuê có nghĩa vụ, trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng như thế nào với không gian thuê (vỉa hè, cây xanh, vệ sinh môi trường)?

Thu phí vỉa hè nhằm quản lý tốt hơn thì nên áp dụng. Còn thu phí mà đẩy người đi bộ xuống lòng đường là thất bại.

TS Nguyễn Minh Hòa

Tất cả các điều khoản, quan hệ giữa bên cho thuê và đi thuê thể hiện ở các hợp đồng minh bạch, không phải là hợp đồng miệng hay "khẩu dụ" của cấp trên.

Danh mục những đoạn, tuyến thu phí phải được công khai giống như danh bạ điện thoại để người dân biết và giám sát. Cuối cùng là những nơi nào phải qua đấu thầu (có quy định dưới luật) hay chỉ định.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thu phí ra sao cũng phải đảm bảo đường thông cho xe, hè thoáng cho người đi bộ. Nếu người đi bộ bị đẩy xuống đường là thất bại.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc cho thuê vỉa hè, lòng đường để quản lý tốt hơn.

Luật các nước quy định sử dụng vỉa hè thế nào, thưa ông?

Hầu hết các thành phố lớn từ châu Á đến châu Âu, Bắc Mỹ đều cho thuê vỉa hè có thu phí, sử dụng vỉa hè vào kinh doanh.

Các thành phố lớn gần chúng ta như Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đã thu phí sử dụng vỉa hè cách nay hơn 20 năm, và đã trở thành chuyện bình thường, không còn bàn cãi nữa.

Chính quyền Bangkok qui định giá thuê sử dụng vỉa hè của một công ty kinh doanh sử dụng phần trước của tòa nhà ở khu phố cổ du lịch phải trả tới 30.000 Baht/tháng, tương đương với 20 triệu đồng Việt Nam.

Trong khi một chỗ trống khoảng 2m2 trên vỉa hè (1,2 m x 2,0 m) ở khu vực trung tâm kinh doanh thuận lợi cho người bán hàng (thường là một xe đẩy tay) có giá một tháng là 3.500 Bath một tháng (tương đương với 2,3 triệu đồng Việt Nam). Những vỉa hè cho thuê phải có bề rộng 6m trở lên và phần dành cho đi bộ là 2,5 m.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ban hành quy định sử dụng vỉa hè trong kinh doanh từ tháng 4/2007. Những cơ sở được cấp phép chỉ là nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phí này khoảng 2.700 USD/6 tháng. Khi sử dụng, các cơ sở kinh doanh phải chừa tối thiểu 2m chiều rộng vỉa hè cho người đi bộ.

Thành phố Sydney đã có hơn 500 khu vực ăn uống ngoài trời và khu vực vỉa hè. Chủ quán ăn được sử dụng vỉa hè để bày bàn ăn, nhưng phải để lại không gian đi bộ tối thiểu 3,4 m. Chi phí cho giấy phép dao động từ 200 đến 700 AUD mỗi năm, tùy từng địa điểm.

Cảm ơn ông!

Phan Tư

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-dep-loan-via-he-khong-nhu-da-nem-ao-beo-d583611.html