Để chống lạm quyền trong thực thi tự do tôn giáo

Lời mở đầu của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Tuyên ngôn Nhân quyền) năm 1948 có đoạn viết: 'Việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người...'. Do vậy, phải có một quan niệm chung về quyền tự do tôn giáo để các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc thực hiện các cam kết bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời ngăn chặn việc lạm quyền.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm Hồng y, Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn nhân Lễ phục sinh 2018 tại Tổng Giáo phận Hà Nội, ngày 3-4-2018.

Tương quan giữa Nhà nước và Giáo hội trong thực thi tự do tôn giáo

Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, chính xác hơn là giáo hội và nhà nước trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo đã có một lịch sử được ghi nhận, diễn ra dưới 3 hình thức cơ bản: (1) Các cơ quan chính quyền kiểm soát các tổ chức tôn giáo; (2) Các nhà lãnh đạo tôn giáo quyết định các chính sách dân sự; (3) Cộng sinh cùng tồn tại giữa chính quyền và tôn giáo. Trong cả ba mô hình quan hệ trên, giữa tôn giáo và nhà nước, không tránh khỏi sự tranh giành quyền tự chủ để thực thi quyền tự do tôn giáo.

Ở mô hình thứ nhất, khi nhà nước có ý muốn kiểm soát tất cả các hành vi và các quyết định của các tổ chức tôn giáo, chắc chắn chính quyền sẽ vi phạm vào cam kết quyền tự do, tự chủ của tôn giáo. Sau khi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được thông qua, quyền tự do tôn giáo trở thành một nguyên tắc chính trị mà ngay cả các quốc gia thực hiện chủ nghĩa vô thần cứng nhắc nhất cũng không thể phủ nhận, tạo nên sự thay đổi trong mối tương quan giữa nhóm cộng đồng tôn giáo yếu thế với giới lãnh đạo quyền lực chính trị trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo.

Ở mô hình thứ 2, khi các nhà lãnh đạo tôn giáo quyết định các chính sách dân sự, lúc này, giáo hội đã đi ngược lại yêu cầu và mệnh lệnh của “đấng tối cao” là không đồng nhất giáo hội với nhà nước dân sự. Hơn thế, nhiều quyết định của giáo hội đã có ảnh hưởng không nhỏ tới thiết chế nhà nước, sớm hay muộn cũng dẫn tới lạm quyền, độc quyền, gây cản trở hoặc tước đi các quyền dân sự khác, ví như trong một thời gian dài, giáo hội Ki-tô giáo sơ kỳ thực thi quyền “thống trị tất cả chỉ thuộc về Thiên chúa” để phán xử những ai không cùng quan điểm với mình (bị coi là lạc giáo), kể cả vương triều và vương quốc chính trị cũng có thể bị giáo hội xử tuyệt thống. Cũng bằng cách đó, các nhà lập pháp trong giáo hội đã đặt đức tin của mình lên trên tất thảy để đưa ra những luật lệ thách thức các quyền dân sự khác như: Quyền được chết, quyền được phá thai, quyền hôn nhân đồng tính, quyền ly hôn, quyền kết hôn ngoại giáo, quyền uống rượu, quyền nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, nhân bản vô tính... Việc ép buộc con người phải từ bỏ các quyền dân sự là giáo hội đang lấy thần quyền và quyền tự do tôn giáo của mình để vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do dân sự khác.

Nghi thức thả hoa đăng và cầu nguyện những điều tốt lành nhân dịp lễ Phật đản 2019 tại chùa Pháp Hoa (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Ở mô hình thứ 3, dung hòa mối quan hệ giáo hội - nhà nước trong thực thi quyền tự do tôn giáo. Tôn giáo được coi là đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ nhà nước duy trì và quản trị xã hội. Mô hình này được coi là lý tưởng do ảnh hưởng của tôn giáo đối với xã hội không hoàn toàn biến mất. Tôn giáo vẫn là một hiện tượng phát triển trong khu vực tư nhân và giữa các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí, tôn giáo vẫn có những ảnh hưởng và hiện diện nhất định trong chính trị như phong trào thần học giải phóng ở Mỹ La-tinh giữa thế kỷ XX. Ở một số nước, tôn giáo có thể trở thành một đảng phái chính trị, có tôn chỉ hoạt động của đảng dựa trên các nguyên tắc tôn giáo rõ ràng, tôn giáo có thể trợ giúp chính phủ thực hiện các tuyên bố, các chính sách vĩ mô, có thể hỗ trợ kiến tạo hòa bình như trường hợp Giáo hội Công giáo đã góp phần giải quyết cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc của Xu-đăng từ năm 1955 đến năm 1972; hòa giải thành công cuộc nội chiến ở Mô-dăm-bích vào năm 1992; tham gia đấu tranh chống lại các chủ trương chính trị như Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc “A-pác-thai” và chính sách phân biệt chủng tộc giữa thiểu số người da trắng và phần đông người da đen...

Tuy nhiên, việc bị suy giảm quyền lực, vị thế, vai trò đối với xã hội và nhà nước cũng dễ gây ra sự thay đổi trong mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, khiến tôn giáo rơi vào trạng thái “tuyệt vọng chính trị”, phẫn nộ và đôi lúc nổi loạn, có những hành vi chống lại chính quyền nhà nước nhân danh quyền tự do tôn giáo. Để bảo vệ các quyền dân sự khác, cũng như bảo đảm an ninh quốc gia, mỗi chính phủ đều có đối sách, nguyên tắc riêng để kiểm soát quyền, giới hạn quyền tự do tôn giáo.

Bộ luật Nhân quyền quốc tế yêu cầu các quốc gia thực hiện đầy đủ và toàn vẹn quyền tự do tôn giáo, đồng thời các cá nhân và tổ chức tôn giáo khi thụ hưởng các quyền tự do tôn giáo của mình phải tuân thủ những hạn chế quyền do luật định, nhằm bảo đảm các quyền tự do của người khác cũng như nhằm đáp ứng yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.

Một buổi lễ Thánh thất Cao Đài.

Việc tự do lựa chọn theo tôn giáo và bày tỏ đức tin là nguyện vọng chính đáng của con người. Có thể coi đó là một trong những quyền cơ bản của mọi người. Quyền tự do đó phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để người dân không phải “nổi dậy” yêu cầu nhà nước thực thi quyền vốn được coi là tất yếu đó. Tuy nhiên, phải xác định một quan niệm chung về tự do tôn giáo và giới hạn quyền tự do đó để cả tổ chức tôn giáo và nhà nước thực hiện trọn vẹn và đầy đủ quyền tự do tôn giáo đúng nghĩa, ngăn chặn lạm quyền tự do để gây bất ổn xã hội và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tước đoạt các quyền tự do khác.

Ứng xử đối với tôn giáo ở Việt Nam

Quan điểm và chính sách tôn giáo của Việt Nam, thời kỳ đầu cũng chịu ảnh hưởng bởi quan điểm tả khuynh về tôn giáo của Quốc tế Cộng sản, của nước Nga Xô- viết và Trung Quốc thời “cách mạng văn hóa” (1966-1976). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có “lối đi” riêng trong ứng xử về quyền tự do tôn giáo, không chủ trương chống hay đả kích tôn giáo.

Vào những năm 30, 40 của thế kỷ XX, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Trường Chinh với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã có nhiều bài viết đả phá những quan điểm, nhận thức lệch lạc về tôn giáo. Trong tập sách “Gốc rễ của tôn giáo” năm 1933, đồng chí Lê Hồng Phong (bút danh Hải An) đã viết bài đả phá quan điểm: “Nếu không thủ tiêu tôn giáo trong quần chúng thì cách mạng không thể thắng lợi được”, khẳng định “khẩu hiệu này là sai lầm tận gốc”. Năm 1946, với bài viết “Đánh đổ khuynh hướng sai lầm. Đừng xâm phạm tới tín ngưỡng của dân” (đăng trên báo Sự thật, ngày 6-4-1946), đồng chí Trường Chinh chỉ rõ, người Mác-xít tuy không cổ xúy những hủ tục, nhưng vấn đề là phải “giáo dục cho dân biết tại sao mê tín là sai, hủ tục là dở”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc lại nhiều lần, Việt Minh (tức người Cộng sản) không bao giờ chống đạo hay phản đối tôn giáo, “những sự xích mích nhỏ giữa một số đồng bào, tuy là đáng tiếc vì đạo đức giáo hóa chưa được phổ cập, không thể động chạm đến sự đại đoàn kết của chúng ta. Hiến pháp đã quy định, tín ngưỡng tự do, ai khiêu khích tôn giáo là làm sai Hiến pháp sẽ bị xử phạt”.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn ghi nhận những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo tại các văn kiện và văn bản quy phạm pháp luật. Thậm chí khẳng định sự tồn tại lâu dài và tương đồng về lý tưởng của tôn giáo với chủ nghĩa xã hội. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước vẫn tin dùng những vị bộ trưởng là trí thức tôn giáo như các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hà, Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Tụng. Mời các chức sắc Công giáo như giám mục Lê Hữu Từ, giám mục Hồ Ngọc Cẩn làm cố vấn tối cao cho Chính phủ (1945), linh mục Phạm Bá Trực làm Phó ban Thường trực Quốc hội (năm 1946), ông Cao Triều Phát (Chủ tịch Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất) làm cố vấn Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ. Rất nhiều chức sắc các tôn giáo hiện nay là đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp như: Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thích Thạch Huôi, Thượng tọa Thích Bảo nghiêm, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, linh mục Trần Mạnh Cường, linh mục Lê Ngọc Hoàn, Nguyễn Tấn Đạt (Phó Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo), Trần Văn Huynh (Chánh phối sư, Chánh Hội trưởng Ban Cai quản Cao Đài Bạch Y)…

Từ sau năm 1986, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn kiện, nghị quyết quan trọng về công tác tôn giáo như: Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16-10-1990; Nghị định số 69/NĐ-HĐBT ngày 1-1-1991; Chỉ thị số 37/CT-TW ngày 2-7-1998; Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 19-4-1999; Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12-3-2003, Pháp lệnh số 21/PL-UBTVQH ngày 18-6-2004; Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 1-3-2005; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4-2-2005; Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 8-11-2012 và gần đây nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành ngày 18-11-2016... Các văn kiện, nghị quyết trên thể hiện các nguyên tắc thực thi quyền tự do tôn giáo, chống lạm quyền và vi phạm các quyền tự do khác, cụ thể gồm 4 nguyên tắc sau:

Một là, tôn giáo là một nhu cầu của con người, nhu cầu đó được quyền đáp ứng và được Hiến định, được bảo hộ bằng một hệ thống pháp luật.

Hai là, Nhà nước có trách nhiệm thực thi và bảo hộ quyền tự do tôn giáo trên nguyên tắc: Nhà nước pháp quyền - thế tục - trung lập, tức là, Nhà nước điều hành và quản lý xã hội bằng pháp luật (thượng tôn pháp luật), chính thống hóa nền chính trị, không thiết lập một tôn giáo nhà nước chính thống, hay có những biện pháp chế tài đối với bất kỳ một tôn giáo nào hay tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo. Nhà nước không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo. Tôn giáo là việc riêng tư của xã hội dân sự, việc riêng của công dân, không được gắn công việc công để thực hiện công việc trong tôn giáo. Tôn giáo không xây dựng lực lượng vũ trang hay tổ chức chính trị đối lập. Những nguyên tắc, giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo được thừa nhận nhưng không bị ép buộc phải coi là khung giá trị tham chiếu chính thống chung cho toàn xã hội.

Ba là, quyền tự do tôn giáo không phải là vô hạn. Nhà nước giới hạn, điều chỉnh các hoạt động của tôn giáo, quyền tự do lập hội hay tự do tham gia vào các hoạt động xã hội trên cơ sở quy định của pháp luật. Nhà nước giữ vai trò trung gian trong việc ngăn chặn tình trạng các tổ chức tôn giáo lạm quyền chính trị hay lạm quyền tự do tôn giáo để tranh giành, ảnh hưởng và xâm phạm vào các quyền tự do dân sự khác của người dân. Bất kỳ một cá nhân hay một tổ chức nào vì lý do tôn giáo mà không tuân thủ luật pháp chung, không tuân thủ những quyết định chính trị, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, đến các quyền tự do của người khác, đến sự an toàn của cá nhân hay cộng đồng thì sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật.

Bốn là, quyền tự do tôn giáo và các quyền dân sự khác là độc lập. Nhà nước không tước đoạt quyền tham gia các hoạt động xã hội (trong giới hạn mà luật pháp ấn định) của tôn giáo như hoạt động kinh tế, hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện và an sinh xã hội, nhưng các hoạt động đó phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, không nhằm gây tranh giành, ảnh hưởng đến chính trị - xã hội. Những hành vi tôn giáo vi phạm những điều khoản đạo đức, luân lý chung của xã hội, vi phạm trật tự thế tục cũng sẽ bị can thiệp và loại bỏ dần trong một xã hội dân chủ, văn minh, tiến bộ.

Mối tương quan tôn giáo - chính trị trong thực thi quyền tự do tôn giáo cần hài hòa theo mô hình hợp tác, Nhà nước không trao địa vị chính trị đặc biệt cho giáo hội nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tôn giáo theo nhiều cách khác nhau và tạo điều kiện tốt nhất để tôn giáo hoạt động theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tín đồ tôn giáo. Về phía mình, các tôn giáo cũng cần chia sẻ quyền, bổn phận, trách nhiệm vì mục tiêu chung là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, không lạm quyền tự do tôn giáo để xâm phạm các quyền tự do khác của con người.

PGS. TS Đỗ Lan HiềnHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/nhan_quyen/2019/13405/de-chong-lam-quyen-trong-thuc-thi-tu-do-ton-giao.aspx