Để có được những thế hệ đong đầy các nhà hát

Một trưa Chủ nhật, tại một quảng trường ở thành phố Nuremberg (Đức), xung quanh chợ bán đồ cũ bên cạnh ngôi nhà thờ gô-tích cổ kính, dân 'đi bát phố' tới lui. Một buổi trình diễn nhạc bất thình lình diễn ra, và họ dừng lại nghe, nhìn, tham gia...

Tại nhiều quốc gia, những đám đông chớp nhoáng tụ tập chơi nhạc, nghe nhạc ở các nhà ga, quảng trường...

Phố đi bộ không cần trưng biển!

“Đi bát phố”, một động từ của người Sài Gòn ngày trước để chỉ cái sự “đi tới, đi lui”, rong chơi, ngắm người và cho người ngắm. Những khu vực để đi bát phố đó mọc lên một cách tự nhiên ở các thành phố trên thế giới, cũng tự nhiên như sự mọc lên các phiên chợ từ bao đời qua, mà chẳng cần đến một sự cho phép hay cần gắn cho tấm biển “phố đi bộ” nào. Những con phố từ mấy thế kỷ qua ở Paris (Pháp) hay ở Venise (Ý)... không có biển “phố đi bộ”, mà chỉ nhờ vào cái “quảng trường phố chợ” (la place du marché)!

Chợ, mà mở rộng ra thành “kinh tế thị trường”, là một thực thể dân dã trong cái “sơ đồ” tự nhiên của làng xã, thị trấn ở châu Âu từ khi mới thành hình, gồm một nhà thờ, một tòa thị chính, một lò bánh mì... Ở giữa trung tâm đó là một khu đất trống, mà vào ngày chúa nhật (cách gọi ngày Chủ nhật theo nền văn hóa đó) các phiên chợ nhóm lên. Bởi thế, ở các thành phố cổ thường có các quảng trường phố chợ. Và trong nhịp sống phố thị ban đầu đó, luôn có chỗ cho những troubadour, tạm dịch là “người hát rong” vốn là những người viết và chơi nhạc ngoài đường, trình diễn và cho người dân thưởng ngoạn, ngay từ đầu thế kỷ thứ 11, 12. Trong ngày chúa nhật, người ta ăn mặc tươm tất, dáng vẻ hơn ngày thường để đi nhà thờ. Dân Sài Gòn ngày xưa cũng thế, đi lễ Nhà thờ Đức Bà, tan lễ ghé hai ki ốt bánh mì, bánh ngọt hai bên mặt tiền nhà bưu điện, rồi đổ dọc con đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), quẹo ra Lê Lợi, Nguyễn Huệ mà bát phố...

Dông dài như thế để hình dung ra cái cuộc sống của dân chúng trong một ngày mà ở những xã hội đó, như cảnh trông thấy trong câu chuyện ở Nuremberg (có thể xem trên Youtube).

Trưa hôm ấy, một anh kéo cello đứng giữa quảng trường. Thình lình một bé gái đến trước mặt anh cello, rút ra cây sáo gỗ, thổi từng nốt nhạc đoạn khởi đầu Ode to the joy (khúc hoan ca) của Beethoven. Anh cello kéo đàn theo, từng nốt một, như đang “học bài”. Cô bé gái thổi lại câu nhạc, anh cello lại kéo đàn theo, lần này không từng nốt nữa, mà là cả câu như đã thuộc bài rồi. Người đi đường, vai đeo nhạc cụ, thấy vậy cũng dừng lại rút cây đàn, cây kèn của mình ra, hết người này, tới người khác. Những ai không đàn, không trống, không kèn, không sáo, thì dừng lại nghe, hòa theo bằng miệng. Khúc nhạc này quá quen thuộc với đại chúng nên hầu như mọi người cùng “hoan ca” theo. Người nghe, người trình bày như là một. Một sự “hiệp nhất” (từ ngữ của nhà thờ - làm một, communion - không trong nhà thờ, mà bên ngoài nhà thờ, qua âm nhạc).

Cứ thế, từ nhiều năm qua, tại nhiều quốc gia, những đám đông (mob) chớp nhoáng tụ tập chơi nhạc, nghe nhạc tại các nhà ga, quảng trường... Người trình diễn, có thể là một dàn nhạc tên tuổi và cũng có thể là một nhóm nhạc mới “ra lò”.

Dạy và học nhạc trong nhà trường

Tại sao cách diễn nhạc hè phố nói trên - flashmob (1), lại trở thành thời thượng tại nhiều nước, mở rộng ra trở thành “đặc sản” thu hút du khách? Trong chiều sâu, sự hiệp nhất giữa người diễn và người nghe không phải tự nhiên mà có. Chẳng qua, ở những xã hội đó, việc học nhạc còn là học nghe nhạc, phân biệt và thưởng thức các nhạc cụ, học một chút lịch sử âm nhạc, tìm hiểu về một số nhà soạn nhạc... Học trò nào có năng khiếu thì học lớp chuyên ban âm nhạc.

Ở Pháp - tạm lấy làm thí dụ - nơi mà chính các nhà nghiên cứu giáo dục Pháp thừa nhận rằng thời lượng dành cho môn nhạc chỉ bằng phân nửa ở Đức, ở Anh - chương trình được xác định rõ ràng gồm ba phần: tập thanh nhạc, tập nghe nhạc, học khám phá các di sản âm nhạc. Khi mọi trẻ em đều cùng trải qua các giờ nhạc có mục tiêu như thế trong nhà trường phổ thông các cấp, thì kết quả “tốt nghiệp phổ thông” không chỉ là chứng chỉ tú tài mà còn có một vốn liếng âm nhạc, tối thiểu là nghe nhạc và những di sản âm nhạc của các nước ấy, vốn là biết nhạc cổ điển cùng với các ca khúc. Berlioz, Gounod, Bizet, Saint-Saens, Debussy, Fauré... chính là di sản âm nhạc của họ cũng như dòng nhạc baroque “là một” với nhà thờ châu Âu.

Nên khi ra đường, hay ở nhà, hoặc đến nhà hát, hay đến nhà thờ, nhạc họ nghe, mà ở nơi khác được xem là “hàn lâm”, lại là một trong những di sản văn hóa của họ, mà họ đã “rành sáu câu”. Trăm năm trước, cộng đồng người Phú Lang Sa này lập nghiệp ở Sài Gòn đông khoảng trăm ngàn người, và tỷ lệ người nghe những dòng nhạc đó hầu như là đa số, nên đã xây đến ba nhà hát và nhạc viện ở thành phố này.

Ngày nay, di sản âm nhạc đó được tiếp nối trong chương trình học và thi môn âm nhạc.

Các học sinh chọn ban “nghệ thuật, âm nhạc” thì học kỹ hơn. Ví dụ đề thi tú tài năm nay như sau:

1. Trình bày và giải thích nhạc khúc bạn chọn cùng lý do chọn (đặc biệt thích gì, những điểm khó ở chỗ nào? không chú trọng kỹ thuật trình bày) - thời gian, 10 phút, 7 điểm.

2. Nghe hai trích đoạn (một trong chương trình, một ngoài chương trình) trong ba lần rồi cho biết âm, điệu, dụng cụ, bối cảnh lịch sử và văn hóa, đời sống của tác giả, và cả những ấn tượng cá nhân của bạn.

Những xã hội đó, những nền giáo dục đó, dạy nhạc cho học sinh như thế, vì những dòng nhạc đó chính là thành tố của nền văn hóa của họ, các sáng tác đó là di sản của dân tộc họ, của châu lục họ.

Chính nhờ nền giáo dục đó, mà ở các xã hội đó, việc thưởng lãm âm nhạc là “văn hóa dân tộc” và “thông thường”. Họ nghe nhạc bằng mọi phương tiện, ở mọi địa điểm, mọi nơi, mọi lúc. Đơn giản nhất là cái radio FM (từ những năm 1960) cho âm thanh tinh khiết, ngày nay là qua kỹ thuật số. Mỗi nước Âu-Mỹ có đến mấy trăm, thậm chí mấy ngàn đài FM phát qua kỹ thuật số, nhạc gì cũng có. Âm nhạc có thể được xem như là một phần trong đời sống của người dân. Một thí dụ để tạm so sánh: tại sao từ cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, ở Mỹ tràn lan các “stereo tuner amplifier” (ampli kèm đài âm thanh nổi)? Chẳng qua do có quá nhiều đài FM nghe đủ mọi thể loại nhạc. Còn ở Việt Nam, hiện có mấy đài FM phát nhạc 24/24? Thành ra, ở các xã hội đó, không chỉ có những nhà hát sáng đèn suốt, mà còn biết bao festival âm nhạc, kịch nghệ ở khắp nơi mà đại chúng nhất là Les Francopholies (âm nhạc ở La Rochelle), Festival d’ Avignon (kịch nghệ, vũ ở Avignon), cùng vô vàn festival khác, từ nhạc giao hưởng đến nhạc jazz, blues, rock...

Tính đại chúng

Trong bối cảnh xã hội và văn hóa đó, ở Pháp hay ở Anh, Mỹ..., nhạc giao hưởng hay bất cứ dòng nhạc nào khác, không hề là “tháp ngà”, những người biểu diễn không tự xem mình là “sao” cho dù có thành danh và hái ra tiền trong thế giới showbiz. Xu hướng làm báo “People” (ông hoàng, bà chúa, sao này, sao nọ...) có tò mò, tọc mạch trăm chuyện chăng nữa, song cũng có giới hạn của nó, đóng khung trong phân khúc đó, chớ không tràn lan khắp làng báo. Trong thế kỷ trước, từ ngữ “danh hài” duy nhất dùng để gọi Charlot, còn những Laurel & Hardy (Mập và Ốm), Fernandel, Louis de Funès..., ngay cả Mr. Bean sau này, bất quá chỉ là những clown (anh hề)! Dường như ở các xã hội đó, càng nổi danh thực sự, càng khiêm tốn, càng kín đáo, nhờ nền tảng văn hóa lĩnh hội được ở trường như là cơ sở của con người có văn hóa (l’homme cultivé).

Với trào lưu flashmob, những người biểu diễn không tự giam mình trong tháp ngà, các nhà hát, mà ra đường trình diễn, giản dị, dung dị, chan hòa như những troubadour (người hát rong) đầu thiên niên kỷ trước , “hòa làm một” với đám đông. Đám đông, nhờ có học nghe nhạc từ nhỏ, nên hai bên dễ hòa làm một với nhau. Chẳng ai tự cho mình hơn ai, thua ai. Âm nhạc là để hiệp nhất, để nâng tâm hồn lên, thậm chí là “cầu nguyện hai lần”. Cũng bởi do hết thế hệ này tới thế hệ khác có học nhạc “đâu ra đó” hồi nhỏ trong nhà trường, và nhạc đó chính là văn hóa dân tộc (di sản và đương đại) của các dân tộc đó, nên các nhà hát, các festival luôn đầy khán giả, thậm chí “đầy đường”.

Để có những nhà hát đầy ắp, không gì bằng một chương trình giáo dục âm nhạc đúng nghĩa, đúng “danh tính”, để tạo nên những thế hệ yêu nhạc.

(1) Có thể xem các buổi diễn này trên Youtube, gõ tìm kiếm “flashmob orchestra”.

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280610/de-co-duoc-nhung-the-he-dong-day-cac-nha-hat-.html