Để có một lớp người thủ đô mới

Ngành Giáo dục Thủ đô bước vào năm 2020 với những bước chuyển ấn tượng, duy trì vị thế trong tốp đơn vị dẫn đầu về chất lượng. Xác định vai trò trọng yếu của việc đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực mới phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, Hà Nội đặt mục tiêu tiên phong trong công cuộc đổi mới, coi trọng nền tảng từ chất lượng giáo dục đại trà.

Giáo dục đại trà là nền tảng

Điểm lại những dấu ấn của ngành Giáo dục Thủ đô năm 2019, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không nhắc nhiều đến những con số về kết quả xếp loại học sinh giỏi, học sinh khá; cũng không đề cập nhiều các giải thưởng, thành tích của đội ngũ nhà giáo mà dành sự quan tâm đặc biệt về... "những câu chuyện khác". Đó là câu chuyện về nhóm 3 học sinh Tăng Vũ Hà Linh, Nguyễn Bảo Ngọc và Hà Ngọc Ánh, lớp 8A1, Trường Trung học cơ sở Bồ Đề (quận Long Biên) nhặt được và trả lại người đánh rơi số tiền 50 triệu đồng. Rồi câu chuyện về em Phan Trung Hiếu, học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ) đang trên đường từ trường về nhà, không quản nguy hiểm, cứu hai em nhỏ khỏi bị đuối nước...

Ít ai biết rằng, hoàn cảnh gia đình 3 học sinh nhặt được 50 triệu đồng đều rất khó khăn; còn Phan Trung Hiếu bình thường có phần nhút nhát, thế nhưng khi ở tình thế nguy cấp lại rất quyết đoán, quên mình vì người khác.

Những câu chuyện, hành động đẹp ấy minh chứng cho sự chuyển biến rõ nét và hiệu quả của sự kiên trì, bền bỉ trong việc coi trọng song song giữa dạy chữ và dạy người. Các nhà trường không chỉ thực hiện tốt việc truyền dạy kiến thức mà còn khơi dậy, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới mỗi học sinh.

Bên cạnh "những câu chuyện khác" là thực tế ai cũng phải ghi nhận: Mặc dù luôn đứng trước áp lực về quy mô học sinh song nhiều năm qua, Hà Nội vẫn giữ vững vị thế một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, Hà Nội có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước; gần 80% học sinh có tổng điểm 3 bài thi theo các khối thi đại học đạt từ 15 điểm trở lên.

Những chuyển biến trên là thành quả của sự quan tâm đầu tư để duy trì vững chắc chất lượng giáo dục đại trà của ngành Giáo dục Hà Nội.

Quan tâm cấp học mầm non để tạo nền móng cho các cấp học sau được coi là mục tiêu, cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà một cách toàn diện, bền vững. Hà Nội đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi. Việc kiên trì chủ trương coi trọng giáo dục đại trà của thành phố Hà Nội đã góp phần nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách về nhiều mặt giữa các địa bàn, nhất là từ sau khi Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Đã có 19 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã tăng mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ mức độ 2 lên mức độ 3.

Theo ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), để được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 3, các đơn vị phải có ít nhất 95% đối tượng từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở (mức độ 2 đạt ít nhất 90%). Hà Nội đang nỗ lực để đạt tỷ lệ 100% số quận, huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 3 vào năm 2020. Đó là nền tảng vững chắc cho việc nâng cao dân trí, tạo đà để nâng chất lượng giáo dục toàn diện ở Thủ đô Hà Nội một cách bền vững.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, ngành Giáo dục đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết 88/2014/QH13 về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, trong đó vấn đề cốt lõi mà toàn ngành kiên trì triển khai là tạo chuyển biến về hiệu quả giáo dục, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực người học.

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ, nhất là để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021, thành phố Hà Nội đang tập trung đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện để mọi học sinh đều được học tập trong điều kiện tốt nhất. Đây cũng được xác định là giải pháp duy trì chất lượng giáo dục đại trà, tạo đà nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô và đất nước.

Với sự gia tăng nhanh về quy mô học sinh, thành phố Hà Nội luôn đối mặt với áp lực về việc bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Bởi vậy, việc xây dựng và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học được coi là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim Hoãn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (từ năm 1995 đến năm 2002) nhớ lại: Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân đã được thành phố Hà Nội coi trọng từ giai đoạn này. Việc xác định quy mô, lộ trình đầu tư xây dựng trường, lớp không chỉ giúp Hà Nội chủ động giải quyết những vấn đề về chỗ học của học sinh, mà còn là cơ sở cho việc đầu tư toàn diện cho các nhà trường với các điều kiện dạy - học tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Quyết tâm đi đầu trong công cuộc đổi mới giáo dục, sẵn sàng thực hiện tốt nhất chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Hà Nội đang tích cực huy động mọi nguồn lực để tăng số trường học đạt chuẩn quốc gia lên hơn 70%; ưu tiên đầu tư bổ sung trang thiết bị, phòng học cho các trường tiểu học - cấp học đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, nâng tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày lên 100%, tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện về tri thức và nhân cách...

Do số lượng học sinh có nhiều biến động, quận Tây Hồ đã tập trung kinh phí và nhân lực để xây bổ sung và cải tạo nhiều trường học mới. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, quận luôn ưu tiên đầu tư cho các trường ở khu vực khó khăn như ở phường Tứ Liên, phường An Dương..., nhằm rút ngắn khoảng cách về điều kiện dạy, học và chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.

Còn ông Đặng Văn Viện, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức cho biết, việc huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường là một trong những giải pháp của huyện để duy trì chất lượng giáo dục đại trà, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lực. Trong những năm gần đây, huyện đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng cho công tác phổ cập giáo dục ở các độ tuổi, hơn 300 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất trường học...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho rằng, trong bối cảnh gia tăng nhanh về quy mô học sinh ở nhiều địa bàn, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, trong đó ưu tiên cho vùng khó khăn. Đây là giải pháp căn bản, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi học sinh, tạo nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về tri thức, văn hóa, đạo đức, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của một Thu đô mới văn minh, thanh lịch.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/956071/de-co-mot-lop-nguoi-thu-do-moi