Để có nhân lực trình độ cao

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhu cầu thị trường nhân lực không đơn thuần chỉ là nguồn lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ mà còn là nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Tức là nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế về kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhu cầu thị trường nhân lực không đơn thuần chỉ là nguồn lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ mà còn là nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Tức là nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế về kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Thực tập sinh trong giờ thực hành tại một Cty Cơ khí.

Thực tập sinh trong giờ thực hành tại một Cty Cơ khí.

Đào tạo thực chất

Theo các chuyên gia, giáo dục chịu sự chi phối trực tiếp của thị trường lao động, điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi kinh tế số đang ngày càng gắn thị trường trong nước với thị trường toàn cầu. Thực tế này đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải hướng tới đào tạo trình độ quốc tế, trong đó đòi hỏi các trường phải chủ động đổi mới, cải thiện chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng thực chất.

TS Phạm Thị Ly, thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, nhân lực trình độ quốc tế được hiểu là có đủ năng lực cạnh tranh với những lao động cùng lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu, chứ không phải là "bằng cấp quốc tế". "Nếu chúng ta không có những kỹ sư, chuyên viên có trình độ ngang với kỹ sư, chuyên viên đang làm việc cho Google, Facebook... hoặc có nhưng không đãi ngộ họ với mức lương tương xứng, thì họ sẽ đi làm cho những doanh nghiệp toàn cầu đó để khai thác thị trường Việt Nam", TS Phạm Thị Ly nhận định.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định một nền kinh tế muốn phát triển nhanh và bền vững. Nhưng để đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế, chỉ có sự chủ động của các trường là chưa đủ, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu cho rằng, doanh nghiệp không thể đứng ngoài hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực. Trong khi thực tế, hầu hết các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực theo hình thức "săn bắt" hơn là "nuôi trồng". Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận lớn lực lượng lao động công nghệ thông tin loay hoay tìm việc, trong khi các doanh nghiệp cũng gặp khó trong tuyển dụng.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Để khắc phục những yếu kém về chất lượng lao động, PGS, TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt cho rằng, việc đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế là một trong những chiến lược đột phá tạo nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế quốc gia. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học được xem là phương án tối ưu giúp giải quyết các khó khăn, thách thức đối với chất lượng nhân lực hiện nay. Và để đáp ứng yêu cầu học chương trình quốc tế, sinh viên phải đảm bảo năng lực về ngoại ngữ.

Nhìn nhận thực tế, TS Lê Lan Chi, Trường Đại học Sài Gòn nhận định, để nâng chất đào tạo, việc tăng cường các chương trình đào tạo liên kết quốc tế là biện pháp hiệu quả, khả thi nhất hiện nay. Theo các chuyên gia, trên cơ sở thực tiễn, ở cấp độ Nhà nước cần có một chính sách chiến lược quốc gia về quốc tế hóa giáo dục đại học, đi cùng đó là hệ thống giám sát và đo lường hiệu quả hoạt động này. Ở cấp độ cơ sở giáo dục đại học, cần nâng cao năng lực quản trị đại học; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên; thay đổi phương thức giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của người học, cung cấp kỹ năng quan trọng trên nền tảng công nghệ thông tin và kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp.

THU HOÀI

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_218419_de-co-nhan-luc-trinh-do-cao.aspx