Để có những bài thơ hay...

Các nhà thơ, nhà nghiên cứu cho rằng, thơ Việt Nam hiện đại ngày càng ít độc giả. Phải chăng tiếng nói của nhà thơ không phải là tiếng nói của số đông và chưa đủ rung động, lôi cuốn mọi người. Nhiều ý kiến cũng đã đề xuất giải pháp để 'cứu' thơ và cho rằng nhà thơ dù đổi mới thơ đến đâu cũng cần thực hiện được sứ mệnh thi ca cùng trách nhiệm công dân của mình.

Nhân Ngày Thơ Việt Nam 2023, Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” để bàn thực trạng thơ ca hiện nay.

Theo nhà thơ Đoàn Văn Mật, một thực tế đang diễn ra với đời sống thơ ca hiện nay là thơ được xuất bản rất nhiều, dễ dãi và dễ dàng đến mức ai làm thơ cũng có thể xuất bản, có thể đăng mạng, khiến cho bạn đọc bị “tung hỏa mù”, làm mất đi phương hướng nhận diện thơ hay, thơ dở.

Nhìn nhận về thực tế này có người cho rằng đó là cái được của sự cởi mở và trong xuất bản, mọi tác giả, tác phẩm đều có quyền bình đẳng như nhau, miễn là tác phẩm của họ không gây hại cho xã hội.

Quang cảnh Tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay".

Quang cảnh Tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay".

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực tế đó đã làm cho thơ ca hiện nay trở nên tẻ nhạt, thậm chí bị một bộ phận xem thường hơn. “Có thể ví thơ ca với người đọc như phách với nhịp. Nếu tiếng phách ấy vang lên một cách hỗn loạn, nó sẽ không thể có vị trí trong bản nhạc, còn tiếng phách ấy vang lên theo một nhịp điệu trùng khít với đời sống, trùng khít với tâm hồn người đọc thì ngay lập tức nó tạo nên một hiệu ứng nghệ thuật tác động đến tâm tư, tình cảm con người.

Và khi đó, nhà thơ đã thực hiện được sứ mệnh thi ca cùng trách nhiệm công dân của mình”, nhà thơ Đoàn Văn Mật cho biết.

Còn nhà thơ Nguyễn Khiếu Linh nhận định, nhìn tổng thể, thơ hôm nay cơ bản vẫn là sự tiếp nối và phát triển mạnh mẽ của truyền thống thơ đã được định hình mấy chục năm qua. Đó là thơ đại chúng. Vừa có tính tuyên truyền vừa có tính dân dã. Thơ tuyên truyền với Tố Hữu là tiêu biểu. Thơ dân dã với Bút Tre là tiêu biểu.

Dù đã có nhiều thay đổi nhưng thơ đại chúng vẫn là chủ thể của thơ hôm nay. Bên cạnh đó, có một số tác giả có ý thức tìm tòi, khám phá tách ra khỏi xu hướng này nhưng hầu như chưa tạo được đột phá và cơ bản không được thừa nhận.

“Các nhà thơ đại chúng là chủ nhân của thơ hôm nay. Thơ của họ đúng tầm đón đợi của đa số người đọc đại chúng. Họ chính là chủ thể sáng tạo thơ hiện nay. Thơ của họ tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống đông đảo quần chúng nhân dân. Họ chính là những nhà thơ nổi tiếng trên báo chí và các phương tiện truyền thống đại chúng.

Họ là chủ nhân của các giải thưởng thơ hàng năm của các hội, giải thưởng các cuộc thi thơ của các báo, tạp chí và các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Họ là lực lượng đông đảo của các hội văn chương từ Trung ương đến địa phương khắp cả nước. Thơ họ vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền chính trị vừa thể hiện những buồn vui sướng khổ muôn mặt đời sống của quần chúng nhân dân”, nhà thơ Nguyễn Khiếu Linh cho hay.

Những năm trước đây, bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Thanh Niên, báo Văn nghệ đúng vào dịp xảy ra căng thẳng trên biển Đông. Ngay lập tức bài thơ này được rất nhiều các trang mạng điện tử, các blog trong, ngoài nước đưa lại và được hàng triệu độc giả hưởng ứng. Chỉ sau một thời gian ngắn, bài thơ đã được 5 nhạc sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội phổ nhạc.

Trong bài thơ này, có đoạn thơ sau: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong người có ngọn sóng nào không”. “Tôi nghĩ rằng, trong tâm hồn mọi nhà thơ, mỗi nhạc sĩ chúng ta hôm nay, nếu không trào dâng lên ngọn sóng thi ca yêu nước ấy thì làm sao thơ của chúng là có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu người đọc.

Vì thế, tôi tin rằng, nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay không hề quay lưng lại với thi ca yêu nước, mà có lẽ các nhà thơ nên tự hỏi: Chúng ta đã làm gì để nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng của chính dân tộc mình trong những tháng năm này”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bộc bạch.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng không ngờ bài thơ của mình lại có được sức lan tỏa lớn với người đọc như vậy. Vậy phải chăng, ở những thời điểm khó khăn, cam go nhất của đất nước, của dân tộc, các nhà thơ, các nhạc sĩ với tính công dân trách nhiệm, cần đặt lên vai mình sứ mệnh trọng đại bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật của mình để nối kết hàng triệu trái tim người Việt trong tình yêu đất nước, tình đoàn kết dân tộc.

Với thơ, Maiacopxki đã phải thốt lên, đại ý: “Làm thơ thật khó/Như khai thác chất hiếm Uradium/Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực/Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ"! Xét cho cùng “thơ phát khởi từ hồn người”, nhưng làm thơ cũng cần phải có năng lực bẩm sinh, trí tuệ và đặc biệt không được dễ dãi về ngôn từ. Một khi, chúng ta cứ dễ dãi về ngôn từ thì ra đường sẽ gặp rất nhiều “lều thơ”, còn nhà thơ với những bài thơ lay động lòng người sẽ rất hiếm.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-co-nhung-bai-tho-hay-152168.html