Để có những sản phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống và thời đại

n hẹn lại lên, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia diễn ra đúng ngày 21/6 hàng năm là sự kiện lớn, được mong đợi của những người làm báo cả nước. Đây cũng là dịp để những người làm báo có tác phẩm đoạt giải trên mọi miền Tổ quốc cùng nhau tụ hội để chia sẻ niềm vui sau một năm cố gắng, nỗ lực với nghề. Báo Nhà báo & Công luận ghi lại một số cảm xúc đáng nhớ ấy và những sẻ chia về sự dấn thân, hy sinh với nghề để có được những sản phẩm báo chí chất lượng, mang hơi thở cuộc sống và thời đại…

Đồng chí Thuận Hữu- Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia trao giải cho tác giả đoạt giải. Ảnh: D.T

Phóng viên Lan Anh – Đài truyền hình kỹ thuật số VTC:

Người cầm bút phải trung thực, bản lĩnh vững vàng

Tôi rất vui mừng vì những nỗ lực, sản phẩm của cả ê kip VTC đã được Hội đồng giải Báo chí quốc gia ghi nhận. Đó là ghi nhận của đồng nghiệp dành cho e - kip thực hiện chương trình và bên cạnh đó chúng tôi cũng nhận được những niềm vui, chia sẻ khi người dân khi họ nhận được thông tin và đồng thời, chúng ta ngăn chặn được ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, đặc biệt là khu vực Hòn Cau sau tác phẩm của mình.

Phóng viên Lan Anh – Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp ở hiện trường. Đối với con gái, điều này càng vô cùng khó khăn. Khi lên thuyền ra biển cách bờ mười mấy hải lý, điều kiện thời tiết không tốt. Khi tiếp cận được hiện trường, tôi gần như ngất xỉu trên tàu vì quá say sóng.

Tác phẩm truyền hình “Đánh bùn ra biển” nội dung nói về hành trình cấp phép bùn thải của Bộ Tài nguyên môi trường cho công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ 1 triệu m3 bùn thải và hóa chất ra biển vào năm 2017. Những hình ảnh ghi nhận được cùng những ý kiến của các nhà khoa học đã góp phần ngăn chặn tác động xấu tới môi trường biển.

Điểm mới nhất của loạt bài là khi rất nhiều tờ báo tham gia vào công việc đó. Sau khi có những hình ảnh đó, một làn sóng phản đối mạnh mẽ đã diễn ra và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải thừa nhận là đã cấp phép nhưng chưa tiến hành khảo sát đáy biển.

Chính phủ phải chỉ đạo Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và hàng trăm nhà khoa học độc lập của Việt Nam và tiến hành nghiên cứu môi trường biển. Sau đó khoảng hơn 1 tháng, quyết định đã phải thu hồi lại để bảo vệ môi trường biển và chúng ta có 1 phương án khác cho ngư dân Bình Thuận.

Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng phòng Nông nghiệp biển đảo – Ban Thời sự Đài tiếng nói Việt Nam:

Phần thưởng cao quý và ý nghĩa với những người làm báo

Tác phẩm “Tích tụ, tập trung ruộng đất, đòi hỏi từ cuộc sống” phản ánh nội dung là chúng ta cần tập trung tích tụ ruộng đất lại vì đất đai được xem là điểm nghẽn, phải tháo gỡ được vấn đề về hạn điền, manh mún ruộng đất mới mở ra được nền nông nghiệp hàng hóa lớn, có sản phẩm cạnh tranh cao trong bối cảnh hiện nay.

Việc công nghệ phát triển, việc ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đòi hỏi diện tích mở rộng lớn. Mặc dù luật đất đai đã nới rộng cho khuyến khích doanh nghiệp có diện tích lớn để sản xuất nhưng hạn điền theo chúng tôi tìm hiểu vẫn là những giới hạn, khó khăn cho nông dân cũng như doanh nghiệp muốn mở rộng hơn nữa, vì hạ điền từ 20 – 30 hecta thôi.

Nhà báo Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng phòng Nông nghiệp biển đảo (VOV) trả lời phỏng vấn báo Congluan.vn.

Trên thực tế có những nông dân chí thú làm ăn, nông dân có năng lực, họ đã sản xuất rất tốt trên những mảnh đất thuê lại từ người dân, gom lại của nhiều người từ vài chục hecta cho đến hàng trăm hecta. Tuy nhiên, khó khăn của họ là cơ chế chính sách vì để thuê được những diện tích lớn như thế rất khó khăn. Vậy thì, nên chăng luật đất đai cũng cần sửa đổi theo để phù hợp với thực tế.

Thực tế là đi trước chính sách. Loạt bài của chúng tôi cũng góp phần nêu ra những kiến nghị để chúng ta cần sửa đổi lại luật đất đai cho phù hợp hơn. Làm sao để không tước đoạt ruộng đất của người nông dân, không đẩy họ vào bần cùng hóa và đồng thời trong luật ruộng đất có nảy sinh nhưng xung đột cần giải quyết hài hòa giữa các thành phần trong qá trình này.

Trong nghề làm báo để đạt được Giải Báo chí quốc gia là vinh dự của người làm báo. Rất may mắn, đây cũng là lần thứ 5 được giải rồi nhưng là giải A đầu tiên. Tôi phấn khởi, mừng vì đây là phần thưởng ý nghĩa với những người làm báo như chúng tôi và là sự ghi nhận công sức của mình. Khi triển khai loạt bài này, chúng tôi mất rất nhiều thời gian khoảng 5 tháng và đi nhiều địa phương.

Đây là động lực cho chúng tôi đi và viết nhiều tác phẩm hơn nữa trong thời gian tới. Đó cũng tạo ra tiếng nói cho sự nghiệp nông nghiệp nông thôn mà chúng tôi theo đuổi.

Nhà báo Nguyễn Văn Tuấn – Báo Tiền Phong:

Đấu tranh chống tiêu cực để củng cố niềm tin cho nhân dân

Loạt bài “Cận cảnh mãi lộ trên sông” đề cập về tình trạng mãi lộ CSGT đường thủy ở khu vực Bắc bộ gây chấn động, đến mức Thủ tướng phải có ý kiến chỉ đạo.

Các phóng viên báo Tiền phong tìm cách tiếp cận hiện trường từ nhiều góc độ.

Không ít do dự, băn khoăn kèm lo lắng, song với trách nhiệm công dân và bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi đã ròng rã hàng tháng trời để ghi nhận, phản ánh dấu hiệu tiêu cực của lực lượng CSGT đường bộ lẫn đường thủy.

Liên tiếp sau khi bài viết phản ánh dấu hiệu tiêu cực của lực lượng CSGT Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ dư luận, đồng nghiệp và cả những người trong ngành công an.

Bức xúc nhất khi một số đồng nghiệp lợi dụng việc làm của chúng tôi để đi gặp gỡ đội CSGT này, kia để trấn an, thương lượng, dàn xếp… Lãnh đạo báo Tiền Phong đã phải ra thông báo nội bộ đề nghị mọi người hết sức cảnh giác khi nghe các cuộc điện thoại “lạ”.

Tôi vẫn nhớ câu nói của Tổng Thư ký Tòa soạn khi bắt đầu buổi làm việc với tổ công tác của Công an TP Hà Nội: “Động cơ tuyến bài của chúng tôi là gì ư? Chúng tôi chỉ có một động cơ duy nhất là cùng các anh góp phần làm trong sạch lực lượng, đấu tranh chống tiêu cực củng cố niềm tin cho dân chúng…”.

Nhà báo Cao Thùy Giang – Thông tấn xã Việt Nam:

Những hình thức thể hiện mới mẻ, hấp dẫn nhất đã được áp dụng trong tác phẩm

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển nguồn dược liệu, y dược cổ truyền. Tuy nhiên trong công tác quản lý về lĩnh vực này vẫn còn nhiều yếu kém.

Xác định nhiệm vụ khắc phục những yếu kém, còn tồn tại như vậy, đồng hành cùng chiến lược quốc gia, tác giả bài viết đã đi sâu tìm hiểu điều tra để có những bài viết thực tế, chân thực đầy sức thuyết phục về các bất cập xung quanh việc cung ứng và sử dụng vị thuốc, dược liệu phục vụ y học cổ truyền hiện nay.

Nhà báo Cao Thùy Giang – Thông tấn xã Việt Nam trong một lần tác nghiệp tại bệnh viện.

Loạt bài phóng sự: "Ma trận" giá cả dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền” đã đi sâu vào điều tra, phân tích, tìm hiểu những bất cập quản lý về giá thuốc trong lĩnh vực này để cung cấp cho cơ quan quản lý, người dân và những người làm chính sách.

5 bài viết đã cung cấp một bức tranh tổng thể về thị trường dược liệu, những bất cập trong sự chênh lệch về giá vị thuốc/dược liệu, cùng với những phân tích thấu đáo của cơ quan quản lý, các chuyên gia để hoàn thiện chính sách, lấp những lỗ hổng về giá thuốc.

Đặc biệt chùm phóng sự đề xuất những giải pháp được đưa ra để hạn chế tình trạng những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực y học cổ truyền. Đó là tiếng nói của những người đứng đầu cao nhất như Bộ trưởng Bộ Y tế, các cơ quan quản lý, các chuyên gia…

Từ đó đưa ra những biện pháp tích cực, thiết thực nhất để giúp cơ quan quản lý khắc phục những lỗ hổng và thúc đẩy việc đưa ra những chính sách mới có hiệu quả, góp phần kiểm soát về giá thuốc và nâng cao công tác khám chữa bệnh.

Sau khi loạt bài được đăng tải, chúng tôi đã nhận được sự phản hồi, chia sẻ khá nhiều của độc giả đồng tình về nội dung mang tính thời sự, được nhiều người quan tâm về những bất cập trong y học cổ truyền hiện nay...

Trong 105 tác phẩm, báo Nhà báo & Công luận đã có 1 tác phẩm đoạt giải C với loạt bài "Xây dựng bồi đắp đạo đức người làm báo Việt Nam nhìn từ một số Chi hội" của tác giả Ngọc Lành.

H.Lâm (thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/de-co-nhung-san-pham-bao-chi-mang-hoi-tho-cuoc-song-va-thoi-dai-39474