Để công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường thật sự hiệu quả

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra được ngành tài nguyên và môi trường (TN và MT) triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đã phát hiện được nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, việc thực hiện các kết luận thanh tra chưa triệt để.

Đoàn đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khảo sát thực tế Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức).

Phó Chánh Thanh tra Bộ TN và MT Lê Vũ Tuấn Anh cho biết: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trong ngành đã bám sát những vấn đề nổi cộm về TN và MT, cũng như từng bước hạn chế sự chồng chéo giữa Bộ và các địa phương. Thanh tra sở TN và MT các tỉnh, thành phố đã từng bước chuyển mạnh từ việc chỉ tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo sang thanh tra chuyên ngành và thanh tra trách nhiệm thực hành pháp luật đối với UBND các cấp tại địa phương. Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thanh tra; đồng thời kết quả thanh tra, kiểm tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí về TN và MT tại các địa phương trên cả nước.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến hết tháng 6-2018, toàn ngành TN và MT đã triển khai 5.374 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 17 nghìn tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 3.504 tổ chức, cá nhân, tổng số tiền phạt gần 238 tỷ đồng; kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước hơn 58 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi gần 13 nghìn ha đất. Các vi phạm chủ yếu như: Quản lý chất thải, chất nguy hại không đúng theo quy định; khai thác khoáng sản vượt công suất cho phép; khai thác ngoài phạm vi được cấp phép; không có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; sử dụng đất không đúng mục đích. Điển hình như trong lĩnh vực môi trường, từ năm 2016 đến hết tháng 6-2018, sở TN và MT các tỉnh khu vực phía nam (từ TP Đà Nẵng trở vào) đã tiến hành 738 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 2.682 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 598 tổ chức, cá nhân, với số tiền phạt 66,598 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm tập trung vào các nội dung như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cam kết bảo vệ môi trường (chiếm 68%); quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng theo quy định (chiếm 12%); xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép (chiếm 5%).

Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực TN và MT đã được quan tâm và tăng cường thời gian qua, nhưng thực tế công tác này mới chỉ tập trung vào các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước. Số cuộc thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực như khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, biển và hải đảo, thanh tra trách nhiệm của UBND các cấp vẫn còn hạn chế; chậm ban hành một số kết luận thanh tra, kiểm tra. Nguyên nhân chủ yếu do mức độ sai phạm ở các địa phương là khá lớn; việc khắc phục hậu quả, xử lý sai phạm rất phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương. Ngoài ra, tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra chuyên ngành (nhất là lĩnh vực đất đai, khoáng sản và môi trường) giữa các bộ, ngành vẫn còn xảy ra.

Theo Bộ trưởng TN và MT Trần Hồng Hà: Để công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TN và MT thật sự có hiệu quả, các cơ quan chức năng của Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về TN và MT, cũng như hệ thống pháp luật về thanh tra. Cụ thể như trong lĩnh vực môi trường, cần đề nghị chỉnh sửa Khoản 1, Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) theo hướng phân định rõ được đối tượng thanh tra của Bộ trưởng TN và MT và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Về lĩnh vực khoáng sản, cần đề nghị chỉnh sửa Khoản 3, Điều 29 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo hướng những hành vi khai thác khoáng sản vượt ra ngoài khu vực được phép khai thác khoáng sản là bị xử phạt. Bởi hiện nay đang quy định phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi đến 10% tổng diện tích, hoặc tổng độ cao của khu vực được phép khai thác khoáng sản theo các mức khác nhau.

Ngành TN và MT cần chủ động, linh hoạt bố trí, sắp xếp con người và nguồn lực cho công tác thanh tra về TN và MT tương xứng khối lượng nhiệm vụ. Trong đó, tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra đến đâu phải có kết luận đến đó và phải xác định rõ đối tượng vi phạm, mức độ vi phạm, biện pháp xử lý trách nhiệm, giải pháp khắc phục và giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra. Bộ TN và MT sẵn sàng hỗ trợ các địa phương những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra một cách kịp thời.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37564602-de-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-ve-tai-nguyen-va-moi-truong-that-su-hieu-qua.html