Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về 'Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước' (Nghị quyết số 33), TP Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, diện mạo đô thị thay đổi ấn tượng.

Tuy nhiên, để phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới, Đà Nẵng cần có những cơ chế, chính sách đột phá, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc. Đây là các ý kiến đánh giá tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước” do Ban Kinh tế Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 10-8, tại TP Đà Nẵng.

Kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện

Theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, qua 15 năm, kinh tế-xã hội thành phố phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gấp 4,2 lần so với năm 2003; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng dịch vụ-công nghiệp, xây dựng-nông nghiệp; các ngành lĩnh vực đều có bước phát triển. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá cố định 2010) ước tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2003-2018, riêng giá trị năm 2018 ước đạt 63.960 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với năm 2003, bằng 1,39% so với cả nước.

 TP Đà Nẵng xây dựng những công trình có kết cấu vững chắc, kiểu dáng hiện đại.

TP Đà Nẵng xây dựng những công trình có kết cấu vững chắc, kiểu dáng hiện đại.

Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng cao và liên tục, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng. Giai đoạn 2013-2018, giá trị sản xuất dịch vụ tăng bình quân 11,1%/năm. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng từ 46,7% năm 2003 lên 57,9% năm 2018. Giai đoạn 2003-2018, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 188.740 tỷ đồng, tăng 14,4%/năm. Tỷ lệ trích nộp cho ngân sách Trung ương 32%, là địa phương có tỷ lệ đóng góp cao nhất của miền Trung.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đô thị, Đà Nẵng có những bước tiến vượt bậc; cảnh quan và nếp sống đô thị đang hình thành theo hướng văn minh; môi trường được bảo vệ. Hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thông nội đô và kết nối liên vùng. Từ chỗ chỉ có hơn 300 con đường, đến nay Đà Nẵng đã có hơn 2.000 con đường; từ hai cây cầu đã xuống cấp, hiện nay Đà Nẵng có 9 cây cầu có kết cấu vững chắc, kiểu dáng hiện đại bắc qua sông Hàn và sông Cẩm Lệ. Đặc biệt, để có “thương hiệu” thành phố đáng sống, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn, như: Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an” được dư luận đồng tình ủng hộ.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 khẳng định: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33 được xem như là quyết sách quan trọng nhất của Trung ương đối với TP Đà Nẵng trong những năm qua. Sau 15 năm, kinh tế-xã hội thành phố phát triển khá toàn diện. Đà Nẵng dần định vị là đô thị lớn, là đầu mối, cửa ngõ giao thông quan trọng trong nước và quốc tế, trung tâm kinh tế-xã hội và là đầu tàu, động lực phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; đồng thời, tiên phong trong hội nhập quốc tế.

Giải quyết những bất cập để phát triển bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn, thách thức đối với Đà Nẵng hiện nay, như: Quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực sẵn có; tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại so với mặt bằng chung cả nước và khu vực miền Trung-Tây Nguyên; tình trạng quy hoạch không đồng bộ; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của một thành phố đẳng cấp… Để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương và thành phố cần rà soát lại các quy định hiện hành, xây dựng chính sách đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư kinh doanh, nhằm tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ đối với các lĩnh vực mà Đà Nẵng có lợi thế cạnh tranh với 4 trụ cột kinh tế chính: Dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; phát triển công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin…

Theo PGS, TS Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng), để Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị Đà Nẵng và vùng phụ cận, trung tâm và cửa vào-ra cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, thành phố cần thay đổi cách thức phát triển từ nền tảng cơ sở khai thác cái sẵn có, nguồn tài nguyên sang nền tảng đổi mới sáng tạo và hội nhập trên cơ sở xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh và sáng tạo với hạt nhân là Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Mặt khác, cần tạo ra động lực mới cho phát triển, như: Củng cố bộ máy quản lý của chính quyền để kế thừa và tiếp tục truyền thống sáng tạo và đổi mới trong quản lý; tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng kinh tế đô thị thông minh, môi trường và hội nhập...

Trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Đà Nẵng hiện đang được xây dựng và phát triển hướng đến các mục tiêu là trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục-đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Trong bối cảnh đó, TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch kiến trúc, hiện đang làm việc tại Bắc Mỹ và Việt Nam) đề xuất định hướng chiến lược phát triển không gian đô thị TP Đà Nẵng một cách hài hòa giữa việc phát triển tiềm năng đô thị của thành phố, với việc bảo tồn giá trị di sản quy hoạch kiến trúc và môi trường, cảnh quan thiên nhiên...

NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-da-nang-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-546564