Để dành 1.500 tỷ xây nhà hát Thủ Thiêm từ năm 2014?

'Số tiền 1.500 tỷ là rất lớn. Với lãi suất gửi ngân hàng trong 6 năm qua, riêng tiền lãi đã đủ chi cho nhiều mục đích khác'...

Trong báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch này gửi tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV có lý giải: "Nguồn vốn xây dựng nhà hát khoảng 1.500 tỷ đồng từ nguồn đấu giá đất được TP dành riêng từ 2014, không sử dụng cho mục đích khác".

Theo các chuyên gia, TP.HCM nên ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp thiết khác của người dân hơn là xây dựng nhà hát vào thời điểm này. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, TP.HCM nên ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp thiết khác của người dân hơn là xây dựng nhà hát vào thời điểm này. Ảnh minh họa

Trước thông tin này, ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) đặt ra nhiều câu hỏi.

Trước hết, vị đại biểu cho rằng, các nguồn kinh phí ngân sách phân bổ cho địa phương đều phải tuân theo luật ngân sách. Riêng với nguồn kinh phí của địa phương, việc sử dụng ngân sách cũng phải có kế hoạch sử dụng rất cụ thể được thông qua các báo cáo tài chính hàng năm.

Với nguyên tắc này, những dự án nào đã nằm trong quy hoạch và có kế hoạch triển khai thành phố mới cấp kinh phí thực hiện. Việc này để tránh tình trạng tình lấy tiền ra nhưng không sử dụng, dẫn tới lãng phí.

Trở lại kế hoạch xây dựng nhà hát Thủ Thiêm, ông Bình đặt câu hỏi với số tiền 1.500 tỷ thu được từ tiền đấu giá đất đã được TP.HCM tách riêng khỏi ngân sách chung hay chưa?

Nếu tiền đã được tách khỏi ngân sách chung và để riêng từ năm 2014 tới nay, không sử dụng cho mục đích nào khác, như vậy là lãng phí.

"Câu hỏi đặt ra là, trong suốt 6 năm qua số tiền 1.500 tỷ đó đã được giao cho ai quản lý? Và số tiền đó đang nằm ở ngân sách địa phương hay nằm trong kho bạc hay được gửi ngân hàng? TP.HCM cần có trả lời rõ hơn.

Bởi, nếu số tiền đó được gửi ngân hàng thì sẽ là câu chuyện lãi suất hàng năm thu được là bao nhiêu? Lãi bao nhiêu? Số tiền lãi thu về được sử dụng như thế nào?

Nên nhớ, số tiền 1.500 tỷ là rất lớn. Với lãi suất gửi ngân hàng trong 6 năm qua, riêng tiền lãi đã đủ chi cho nhiều mục đích khác", vị ĐBQH đoàn An Giang đặt vấn đề.

Cũng theo đại biểu này, nếu không làm rõ vấn đề này có thể dẫn tới sự nhập nhèm trong sử dụng nguồn vốn xây dựng. Lúc đó, có thể vốn đầu tư nhà hát không còn là 1.500 tỷ nữa mà sẽ là 1.500 tỷ cộng với tiền lãi gửi trong 6 năm nhưng không ai giám sát.

Hoặc, nếu tiền lãi không được đầu tư ngược vào dự án thì việc sử dụng cũng cần được công khai, tránh thất thoát, lãng phí.

Đặt vấn đề như vậy, vị đại biểu đề cập tới câu chuyện quản lý tiền hoa hồng trong mua sắm tài sản công từng gây băn khoăn trước đó. Theo tính toán khi mua sắm tập trung sẽ giúp tiết kiệm khoảng 10 - 17% chi phí so với mua sắm riêng lẻ, như vậy, nếu nhà nước chi hàng nghìn tỉ mua sắm tài sản công thì thì số tiền hoa hồng thu về cũng không hề nhỏ.

Nhưng nhà nước sẽ thu được bao nhiêu và được sử dụng như thế nào lại không hề rõ ràng, minh bạch.

Thực tế, ngay cả việc để công khai số tiền đó nộp về ngân sách cũng đã rất khó chưa nói tới chuyện làm rõ được tiền hoa hồng đó đã đi về đâu.

Vì lẽ này, ông Bình cho rằng, việc công khai số tiền 1.500 tỷ đã được thành phố để dành cho dự án từ năm 2014 là cách làm minh bạch nguồn vốn, tránh những tai tiếng không cần thiết.

Lý giải xây nhà hát 1.500 tỷ: Vẫn băn khoăn

Liên quan tới dự án nhà hát Thủ Thiêm, mới đây TP.HCM có chỉ đạo chuẩn bị tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, đối với nhiệm vụ thiết kế, UBND TP yêu cầu công trình nhà hát phải mang tính biểu tượng đặc trưng riêng của TP, hấp dẫn thu hút khách du lịch khi đến TP.HCM.

Ngoài ra, nhà hát phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế.

Nhà hát phải vừa đáp ứng tính chuyên sâu (tổ chức các chương trình âm nhạc hàn lâm, nhạc kịch, vũ kịch và các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam), vừa có tính đa dụng (có khu vực để tổ chức đào tạo, triển lãm chuyên ngành, các buổi hội nghị, hội thảo…).

Khu quảng trường, công viên phía trước nhà hát phải là không gian văn hóa, khai thác tối đa mặt tiền bờ sông.

Bên cạnh đó, thiết kế cần khai thác tối đa tầng hầm, mở rộng không gian ngầm ra khu vực xung quanh khu đất xây dựng công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch và kết nối không gian ngầm với các công trình lân cận.

Dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch có vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm (quận 2), do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư. Khi vừa có thông tin về dự án, dư luận đã có phản ứng mạnh mẽ. Hầu hết đều phản đối TP.HCM xây dựng nhà hát vì cho rằng lãng phí, chưa cần thiết.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-danh-1500-ty-xay-nha-hat-thu-thiem-tu-nam-2014-3397982/