Để đảo chiều đi của hạt muối

(Chinhphu.vn) - Là quốc gia có tiềm năng lớn về sản xuất muối, đáng lẽ Việt Nam phải là nước xuất khẩu muối, thế nhưng những năm gần đây diện tích đất làm muối ngày càng thu hẹp, nước ta đã phải nhập khẩu muối.

Năm 2009, do mưa nhiều, thời tiết bất lợi tại các tỉnh phía Nam và miền Trung nên sản lượng muối chỉ đạt 800.000 tấn. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ muối trong nước, năm 2009, đã phải nhập khẩu muối 326.000 tấn, trong đó nhập khẩu trong hạn ngạch là 210.000 tấn. Hạt muối vẫn “đi vào” Năm 2010, sản xuất muối có thể tiếp tục gặp phải khó khăn. Nhu cầu muối trong nước dự báo khoảng 1,3 triệu tấn và Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ nay đến cuối năm, cả nước dự kiến nhập khoảng 260.000 tấn muối (giảm 66 nghìn tấn so với năm 2009) để bảo đảm nhu cầu sử dụng và bình ổn giá muối. Hiện nay, cả nước có 120 xã ven biển sản xuất muối với gần 70 nghìn lao động nghề muối, liên quan cuộc sống của 250 nghìn người dân. Đặc thù của nghề muối là phụ thuộc lớn vào thời tiết, mức độ rủi ro cao. Từ nửa cuối năm 2007 trở về trước, giá muối luôn ở mức thấp, dưới 500 đồng/kg. Với năng suất hiện nay (muối phơi cát đạt khoảng 100 tấn/ha; phơi nước đạt 50 tấn/ha) và mức giá như trên, thu nhập của người làm muối rất thấp, khoảng trên dưới một triệu đồng/người/năm. Do thu nhập thấp, người dân ven biển, nhất là các lao động chính không còn mặn mà với nghề. Tại các tỉnh phía bắc, 75-80% số lao động nghề muối là người già, phụ nữ và trẻ em. Hiện giá muối hiện vẫn tiếp tục có xu hướng giảm (tại các tỉnh miền Bắc giá muối 1.000- 1.200 đồng/kg; Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung 350- 1.000 đồng/kg, giá muối công nghiệp 600- 750 đồng/kg; đồng bằng sông Cửu Long có giá 600- 800 đồng/kg), gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của diêm dân. Do thu nhập thấp, người dân không có điều kiện tái đầu tư sản xuất làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng và trang thiết bị sản xuất muối của nước ta xuống cấp trầm trọng, năng suất muối ngày càng giảm. Tại Nam Định, mười năm trước đã có HTX đạt năng suất 150 tấn muối/ha, nhưng đến nay khó có nơi nào đạt được con số này. Trong khi đó, đầu tư của Nhà nước cho ngành nghề này lại thấp. Theo ông Lê Nguyên Chương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Muối Việt Nam, là quốc gia có tiềm năng lớn về sản xuất muối, đáng lẽ Việt Nam phải là nước xuất khẩu muối, thế nhưng những năm gần đây diện tích đất làm muối ngày càng thu hẹp. Nhiều cánh đồng muối truyền thống cho năng suất cao đã được chuyển đổi thành khu công nghiệp, khu đô thị và du lịch, chẳng hạn cánh đồng muối ở Phan Thiết, Nghi Sơn. Ngay đến đồng muối Cà Ná luôn cho sản lượng cao nhất cả nước, với 50 ngàn tấn muối/năm thì hiện nay tỉnh Bình Thuận đang có chủ trương thu hồi toàn bộ để làm khu công nghiệp. Tại nhiều vùng muối, đông đảo diêm dân vì thấy làm muối lợi nhuận thấp nên đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Sản xuất muối của nước ta những năm trước đây, cung cầu tương đối cân bằng, khoảng 800-850 ngàn tấn/năm. Hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khoảng 250 ngàn tấn muối sạch phục vụ cho một số ngành công nghiệp, vì công nghệ sản xuất trong nước còn thấp kém nên chưa đạt yêu cầu về chất lượng muối. Để hạt muối “hướng ngoại” Trước thực trạng trên, năm 2007, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định 161/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020. Mục tiêu chung của Quy hoạch phát triển sản xuất muối là để đảm bảo việc sản xuất có hiệu quả và bền vững; đáp ứng đủ nhu cầu muối tiêu dùng của nhân dân và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp; giảm dần nhập khẩu muối công nghiệp và tăng dần xuất khẩu muối, các sản phẩm sau muối…. Cụ thể, đến năm 2010 diện tích sản xuất muối là 14.500 ha, trong đó muối công nghiệp là 6.000 ha; sản lượng muối đạt 1.500.000 tấn, trong đó muối công nghiệp đạt 800.000 tấn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều địa phương vốn là vùng sản xúat muối vẫn tiếp tục lo tập trung phát triển công nghiệp, phá vỡ quy hoạch ngành, khiến diện tích sản xuất muối sụt giảm. Việc đồng muối Cà Ná bị xóa xổ là nguy cơ khó tránh khỏi. Còn tại Khánh Hòa, một đồng muối 22 ha cũng vừa được quy hoạch phát triển khu công nghiệp. Tại Bạc Liêu, diện tích muối từ 5.000 ha đã giảm còn 2.100 ha... Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết: "Chúng tôi rất lo lắng vì điều này phá vỡ quy hoạch phát triển muối đến năm 2010 và năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó sẽ tăng diện tích sản xuất muối cả nước đạt 14.500 ha vào năm 2010, sản lượng 1,5 triệu tấn. Nhưng thực tế thì đúng là chúng ta đang thiếu muối, kể cả muối ăn". Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, với thực tế giá muối và khó khăn của nghề muối hiện nay, thật khó để đạt mục tiêu của quy hoạch phát triển nghề muối đến năm 2010 của Chính phủ. Do đó, trước mắt, cần phải cố gắng giữ nguyên diện tích đồng muối hiện có, rồi sẽ tăng cường thâm canh, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối. Chỉ có biện pháp tăng năng suất mới có thể giúp cho sản lượng muối tăng lên. Đồng thời, Bộ cũng sẽ thúc đẩy nhanh hơn dự án Xây dựng khu sản xuất muối công nghiệp tập trung Quán Thẻ (Ninh Thuận) để hạn chế nhập khẩu muối. Công Trí

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/de-dao-chieu-di-cua-hat-muoi/20103/28021.vgp