Để đất cát không trở thành hoang hóa

Phần lớn diện tích trong 17.000ha bãi cát, cồn cát ven biển tỉnh Quảng Trị đang bị hoang hóa, hiệu quả sử dụng thấp. Làm thế nào để biến vùng đất khô cằn đó 'sinh lợi' và ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề rất được quan tâm.

Người dân sinh sống trên vùng cát chịu nhiều thiệt thòi khi đất đai nghèo dinh dưỡng, nạn cát bay ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong việc sử dụng hiệu quả diện tích đất cồn cát ven biển bằng các biện pháp, như: Trồng rừng, cải tạo vùng cát; ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng vùng cát; thực hiện dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn gắn liền với sinh kế bền vững, dự án trồng rừng chống xói mòn trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Trị… Các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị còn có các chính sách hỗ trợ kinh phí để phát triển những mô hình nông nghiệp trên cát. Điển hình như mô hình trồng cây ném, sả tại các xã: Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Gio Hải, Gio Mai (Gio Linh), Triệu Phước (Triệu Phong), Hải An, Hải Khê (Hải Lăng); mô hình trồng nấm sò đã đưa vào sản xuất tại xã Gio Việt (Gio Linh); trồng kiệu, mướp đắng, trồng gấc có hiệu quả tại xã Triệu Vân (Triệu Phong)... Tại Quảng Trị cũng xuất hiện những mô hình trồng rau trên cát công nghệ cao; tiêu biểu như Dự án “Sản xuất rau củ quả trên đất cát bạc màu” của Công ty Khoáng sản Quảng Trị. Bước đầu, đơn vị đã trồng các loại như ném, cải bẹ, xà lách, măng tây, cà chua, ớt Hàn Quốc, củ cải trắng, thanh long ruột đỏ, dưa lưới... trên diện tích 20ha.

Gia đình (xã Vĩnh Tú, huyện vĩnh Linh) trồng dưa hấu trên vùng đất cát.

Mặc dù đã có những nỗ lực trong sử dụng diện tích đất cồn cát ven biển nhưng nhìn chung hiệu quả sử dụng vẫn còn rất thấp. Các mô hình kinh tế vùng cát chưa thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, còn manh mún. Diện tích đất cồn cát ven biển chưa sử dụng của tỉnh còn khá lớn, khoảng 29%. Để hạn chế tình trạng hoang mạc hóa, góp phần cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khả năng phòng hộ chắn gió, bão, cát bay... thì giải pháp lựa chọn giống cây trồng thích nghi với vùng cát ven biển là một trong những nội dung cấp thiết trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, thế nhưng, do hệ thống thủy lợi còn bất cập nên hiệu quả còn hạn chế. Ông Trần Cẩn, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết: “Năm 2017, tỉnh đã có 77 mô hình nông nghiệp vùng cát có hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, những mô hình này đang phụ thuộc vào tự nhiên, chưa có hệ thống thủy lợi và cấp nước để cung cấp “đậm” cho vùng cát. Ngoài ra, việc áp dụng khoa học công nghệ chưa nhiều do thiếu kinh phí, khiến các mô hình sản xuất kinh tế trên cát thiếu tính bền vững”.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa phương có diện tích đất cát ven biển tại Quảng Trị cần tăng cường trồng loại cây keo lá liềm, có khả năng thích nghi, phát triển tốt trên đất cát cố định, đất cát nội đồng ngập úng mùa mưa, nơi có thành phần dinh dưỡng nghèo. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Vùng đất cát Quảng Trị cần phải có kế hoạch cải tạo và sử dụng từng loại đất có hiệu quả để mang lại giá trị sử dụng bền vững; áp dụng các biện pháp canh tác trên các loại đất khác nhau. Các địa phương cần nghiên cứu mô hình kết hợp giữa trồng rừng keo lá liềm, phía bên trong bố trí các vành đai trồng các loại cây hoa màu và các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa tăng thu nhập, phủ trống vùng cát...”.

Để làm tốt những vấn đề nêu trên, giải pháp quan trọng là phải khắc phục được các hạn chế về hệ thống thủy lợi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 524 công trình thủy lợi các loại, trong đó có 130 hồ chứa, 213 đập dâng, 142 trạm bơm... phục vụ tưới tiêu với tổng chiều dài các loại kênh hiện có là hơn 2.125km. Tuy nhiên, phần lớn các công trình này xây dựng đã lâu, kênh mương không đồng bộ để dẫn nước về các vùng đất cát, khiến nhiều cánh đồng xác xơ bỏ hoang khi vụ mùa đến. Tỉnh Quảng Trị cần đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi đồng bộ, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào vùng đất cát để biến những vùng đất khô cằn thành những nơi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp...

HOA LÊ - THU NGA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-dat-cat-khong-tro-thanh-hoang-hoa-543636