Dè dặt mưu sinh dưới sông Hàn

Sau nhiều năm vắng bóng, chip chip (nhuyễn thể 2 mảnh giống nghêu) lại xuất hiện ở sông Hàn khiến nhiều ngư dân lặn bắt. Vấn đề đặt ra là đẩy đuổi để đảm bảo lưu thông đường thủy, hay khoanh vùng tạo sinh kế cho ngư dân?

Lực lượng liên ngành trong một chuyến kiểm tra hoạt động lặn bắt chip chip - Ảnh: NGUYỄN TÚ

Kể từ khi các ghe lặn mò chip chip trên sông Hàn rộ lên từ cuối tháng 6 và kéo dài đến nay (vào cuối mùa), lực lượng liên ngành gồm biên phòng, CSGT đường thủy, thanh tra thủy sản đã nhiều lần ra quân xua đuổi. Bởi có lúc khu vực sông Hàn “quy tụ” đến 60 phương tiện hoạt động liên tục từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý, gây cản trở giao thông đường thủy. Chưa kể, trang thiết bị thợ lặn rất thô sơ, không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho chính thợ lặn và thực tế đã có vài vụ thợ lặn tử vong trong lúc hành nghề.

Anh Võ Tấn Luận (ngụ tổ 34, P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) nhìn nhận nghề lặn vốn rất nguy hiểm, nhất là trên đoạn tuyến sông Hàn có tàu qua lại, nên họ chỉ rải khoảng 4 dây thở cho thợ lặn dưới sông để đảm bảo an toàn; nếu rải nhiều hơn sẽ vướng tàu bè, không kéo kịp khi gặp sự cố.

Xử lý “linh hoạt”?

Ông Dương Hiển Đông, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Thủy sản TP.Đà Nẵng) cho biết lực lượng liên ngành kiểm tra thường xuyên để giữ hành lang giao thông thủy nội địa, vì hiện nay đường giao thông thủy nội địa nghiêm cấm khai thác thủy sản.

“Tuy nhiên, trong vấn đề lấn chiếm hành lang thủy nội địa, hiện các lực lượng rất khó xử lý vì phần đông ngư dân nghèo phải mưu sinh nên đôi lúc bất chấp, việc xử phạt quy định còn nhẹ nên một số không chấp hành”, ông Đông nói.

Trên thực tế, lực lượng chức năng nhiều lần lúng túng khi ngư dân than thở và xin cho lặn hết ngày vì lỡ đổ dầu cho ghe, mất ngày công, hoặc “tranh thủ” kiếm sống vì chip chip mất mùa đã 4 năm nay mới có lại… Theo anh Võ Tấn Luận, tất cả cũng vì điều kiện kinh tế.

“Vì làm trên bờ không đủ ăn, mỗi ngày được 2-3 trăm ngàn chớ mấy! Anh em tập lặn bắt chip chip, sò lụa, thời điểm khách hàng Trung Quốc tiêu thụ thì kiếm thêm được ít, còn bán tại chỗ thì cũng chỉ được vài chục ngàn mỗi ký thôi”, anh nói.

Trong khi đó, anh Dương Văn Lợi (ngụ P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) đề nghị cơ quan chức năng xem xét “cấm thế nào cho hợp lý”, và gợi ý cho phép các thợ lăn hoạt động 2 bên mé, chừa luồng ở giữa (khoảng 10 - 15m) cho thuyền chạy.

Ngày 2.10, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng cho biết cá nhân ông ủng hộ ngư dân tiếp tục nghề lặn bắt chip chip trên sông Hàn. Bởi đây là nghề mưu sinh truyền thống, không chỉ giải quyết việc làm cho lực lượng thợ lặn P.Nại Hiên Đông mà còn giữ được hình ảnh nghề cá trên sông Hàn, điều rất quan trọng đối với một TP du lịch.

Đồng thời, việc này cũng giúp duy trì được đội thợ lặn tiếp tục bám trụ tại TP.Đà Nẵng hiện đang sụt giảm số lượng (vì không có đội ngũ kế cận), có thể tham gia vào các sự vụ cứu nạn, lặn tìm thi thể nạn nhân và tài sản, điển hình như vụ lật tàu Thảo Vân hồi năm 2016, vị lãnh đạo cho hay.

Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng) và Sở GTVT cũng nhìn nhận việc hành nghề trên luồng giao thông thủy là vi phạm, nhưng đánh giá tuyến sông Hàn đoạn qua trung tâm TP có đặc thù không còn các cảng hàng hóa, mật độ phương tiện không cao (nhiều nhất thuộc về các tàu du lịch chạy ban đêm). Vì vậy, liên ngành đề xuất UBND TP xem xét cho phép thợ lặn được hành nghề ở khu vực khoanh vùng ven bờ, vẫn chừa luồng chính giữa sông để đảm bảo an toàn cho phương tiện.

Nguyễn Tú

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/de-dat-muu-sinh-duoi-song-han-1009683.html