Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Sáng 18/12, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Thành phố có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tính chung, sản xuất nông nghiệp của Thành phố đã đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, Toàn Thành phố đã phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa tại các huyện: Gia Lâm, Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng, 19 xã chăn nuôi bò thịt tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Mê Linh, Gia Lâm, Sơn Tây,... 13 xã chăn nuôi lợn tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Sơn Tây, Ba Vì,... 29 xã chăn nuôi gia cầm tại: Ba Vì, Chương Mỹ, Sơn Tây, Sóc Sơn,...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tặng bằng khen cho các tập thể.

Với trên 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó, có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; đã hình thành 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với hơn 5.397ha tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín,... Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung sản xuất con giống bằng việc đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và đạt được hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn triển khai tái cấu trúc phương thức sản xuất chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Thành phố hiện có 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hàng ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại; 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa.

Các chuỗi đã thu hút được gần 3.000 hộ chăn nuôi và hàng nghìn chủ thể sản xuất và dịch vụ tham gia. Các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội được hình thành theo hai hình thức chính là: Mô hình chuỗi khép kín do một chủ thể là Doanh nghiệp tổ chức tất cả các hoạt động từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tiêu biểu cho mô hình chuỗi này là chuỗi thịt lợn AZ của HTX Hoàng Long, chuỗi trứng gà 729 Ba Vì của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chăn nuôi và Trồng trọt Phú An,... Hình thức thứ 2 là Mô hình chuỗi liên kết do nhiều chủ thể cùng hợp tác xây dựng chuỗi, trong đó, một chủ thể chịu trách nhiệm là đầu mối chuỗi, điều tiết các hoạt động xây dựng chuỗi và phát triển thương hiệu sản phẩm của chuỗi.

Trong tái cấu trúc về công nghệ, trong sản xuất giống và nâng cao năng suất, chất lượng giống, đối với lợn đã nâng cao năng suất sinh sản đàn lợn nái bằng các giống Gen+ nhằm đưa số con cai sữa/nái/năm từ 25 con trở lên (hiện nay bình quân 20-22 con, cao hơn bình quân cả nước khoảng 3-4 con/nái/năm); Sử dụng giống lợn Pietrain kháng stress vào sản xuất để nâng cao tỷ lệ nạc.

Đối với gia cầm, đã thử nghiệm thành công thụ tinh nhân tạo trên đàn gà. Nhập ngoại giống gà D300 (của Séc) vào lai tạo, sản xuất cho kết quả tốt. Tiếp tục phát triển các giống bản địa như: Vịt cỏ Vân Đình, gà Mía Sơn Tây. Hiện nay, đang đẩy mạnh lai tạo giống gà Ri với giống gà Mía để phục vụ chăn nuôi các vùng đồi gò như Ba Vì, Sóc Sơn.

Đối với nuôi trồng thủy sản, đã thử nghiệm một số công nghệ mới trong sản xuất giống như: Công nghệ xử lý cá rô phi đơn tính bằng phương pháp ngâm hormon chuyển đổi giới tính khác với phương pháp cho ăn thông thường. Kết quả thử nghiệm cho thấy tỷ lệ cá đơn tính đạt trên 95%. Sử dụng công nghệ lọc tuần hoàn trong quá trình sinh sản được triển khai tại Trại sản xuất thực nghiệm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản - Trung tâm Phát triển Nông nghiệp.

Tuy nhiên, công tác tái cấu trúc ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn do Luật Chăn nuôi đã được ban hành nhưng chưa có hiệu lực nên việc kiểm soát hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là rất khó khăn; Luật Nuôi trồng thủy sản và một số văn bản hướng dẫn đã được ban hành nhưng một số quy định trong quá trình triển khai còn vướng mắc và cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, bệnh dịch tả lợn Châu Phi do không có Vắc xin, không thuốc đặc trị nên khó kiểm soát, nguy cơ tái dịch cao; Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lớn, đặc biệt là chăn nuôi lợn, chăn nuôi quy mô lớn gần khu dân cư và chăn nuôi ở các hộ nhỏ lẻ; Chăn nuôi vẫn tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ, công tác quản lý giống chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ; Hạ tầng vùng nuôi nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đúng mức...

Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tập trung sản xuất con giống để phục vụ nhu cầu của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác; Tập trung nuôi bò thịt theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng như bò Wayu, BBB…

Bên cạnh đó, do sản lượng lợn bị tiêu hủy nhiều bởi dịch tả lợn châu Phi nên Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, phát triển nuôi gà thả vườn; những giống gà có thương hiệu như gà đồi Sóc Sơn, gà mía Ba Vì cần được mở rộng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn, nâng cao số lượng và kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh. Riêng thủy sản, đẩy mạnh và cố gắng tiếp tục mở rộng để chăn nuôi có hiệu quả. Đề nghị các Cục, Vụ và các Viện nghiên cứu phối hợp với Thành phố trong lĩnh vực khoa học để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-day-manh-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-101122.html