Để đi qua kỳ thi nhẹ nhàng...

Không tạo áp lực thi cử cho con cái cũng là để tránh những hệ lụy phía sau những kỳ thi của một vài người trẻ.

Để đi qua các kỳ thi nhẹ nhàng, cha mẹ cần giải tỏa áp lực cho con cái. (Nguồn: VGP)

Để đi qua các kỳ thi nhẹ nhàng, cha mẹ cần giải tỏa áp lực cho con cái. (Nguồn: VGP)

Trong bất kỳ kỳ thi nào cũng sẵn mang trong nó những áp lực đến từ chính người thi, vì phải cạnh tranh với những thí sinh khác. Đồng thời, áp lực từ mong ước đạt được kết quả tốt của người thân khiến đường đến phòng thi của thí sinh luôn trĩu nặng lo lắng. Biết điều này, người lớn có thể giải tỏa tâm lý cho các em.

1. Tôi nhớ ngày mình đi thi cách đây 20 chục năm, cũng có nhiều lo lắng như thế. Nhưng rất may, tôi đã được sự hỗ trợ của nhiều người thương quý, đó là gia đình, thầy cô, hàng xóm… Đến bây giờ, tôi vẫn không quên những cuốn sách tham khảo môn Văn thầy Nguyễn Ngọc Sáng đã trao cho mình.

Thầy là giáo viên chủ nhiệm, kiêm dạy bộ môn Văn của lớp tôi. Do tôi là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của trường nữa nên càng được thầy hỗ trợ chuyện sách vở. Nhờ những cuốn sách tham khảo của thầy mà tôi chắt lọc thêm nhiều câu thơ để dẫn chứng, chọn được những ý hay để dẫn dắt bài nghị luận thật thuyết phục.

Có lẽ nhờ thế, môn Văn của tôi thường đạt 8 điểm.

Thầy Trần Minh Hưng, giáo viên môn Hóa năm lớp 10, 11 cũng là người luôn động viên tôi. Là học sinh nghèo nhất trường, thầy thấy tôi chỉ có vài chiếc áo trắng thâm kim, nên gần Tết năm học cuối cấp, thầy gọi tôi xuống nhà tập thể của giáo viên và tặng tôi xấp vải. Thầy nói: “Em về may áo mặc Tết và để dành đi thi đại học có cái mà mặc”.

Khi hay tin tôi đỗ đại học, trước ngày tôi vào Sài Gòn, thầy đã cùng cô vào thăm, động viên và gửi tôi 100.000 đồng “để em đi đường uống nước”. Đó là số tiền thật lớn lúc bấy giờ.

Tôi đã nhận về tình thương của thầy và cả ấm áp của xóm giềng khi họ cũng đến chúc mừng tôi, rồi gửi người 5-10 nghìn để tôi uống nước đường xa.

Đó là sự chia sẻ khiến tôi dừng mọi lắng lo vì thấy, nếu mình cố gắng học cho tốt thì ở đâu cũng sẽ gặp được những người tử tế tiếp sức cho mình.

Mùa thi năm nay đã bắt đầu. Đâu đó, ở những vùng quê xa, tôi thấy thấp thoáng nhiều thí sinh giống mình ngày xưa. Các em cũng hăm hở bước vào mùa thi với ước mơ thay đổi cuộc sống bằng sự học. Đó là quyết tâm tốt và cũng đã được những người thân thương hỗ trợ.

Câu chuyện mùa thi từ những sự sẻ chia nhẹ nhàng như thế hay qua những phóng sự ảnh giúp bạn đi thi, những tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh vì khó đi lại… đã là những ánh sáng xóa bớt nỗi lo thi cử.

2. Mùa thi, tôi cũng nhớ má mình, một người khá cởi mở khi không bắt buộc tôi phải thi cho đỗ, nếu không thì sẽ có “hậu quả” gì đó với mình. Ngày tôi đi thi, má chỉ bảo ráng làm hết sức, kết quả sao cũng vui. Tôi đi thi vì thế nhẹ nhàng và có lẽ nhờ vậy mà làm bài tốt hơn.

Mấy tuần trước, trong kỳ thi vào lớp 10, có một bà mẹ cầm bó hoa - ghép từ hình ảnh thần tượng của con - cùng dòng nhắn nhủ “Bất kể con thi đạt kết quả thế nào, bố mẹ đều yêu con”. Hình ảnh ấy nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và chiếm được cảm tình, quan tâm, yêu thích của cộng đồng.

Không tạo áp lực thi cử cho con cái đã trở thành câu chuyện đẹp hàng đầu trong mùa thi bởi đây chính là cách để chúng ta giúp sĩ tử làm bài tốt hơn. Đó cũng là để tránh những hệ lụy phía sau những điểm thi chưa tốt - những nghĩ quẩn khi không đỗ vào đại học của một vài người trẻ.

Thực ra, từ nhiều năm nay, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công đã được nhiều người nhắc đến và chứng minh bằng thực tế, rằng có rất nhiều bạn trẻ đã chọn hướng đi khác sau khi lỡ thi trượt. Đó có thể là học nghề, là chọn hướng phát triển bản thân theo năng khiếu mà trước đó chưa được trau dồi đúng mức, là trở về quê nhà làm nông…

Tất nhiên, được đào tạo môi trường chuyên nghiệp như đại học sẽ giúp một con người có kỹ năng vững vàng, kiến thức chuyên sâu hơn. Nhưng, sự học cũng không phải chỉ dừng lại ở mỗi môi trường đại học, mà còn rất nhiều ngôi trường khác, từ nỗ lực tự học của bản thân.

Do vậy, có thể nói, mùa thi nếu nhìn ra xung quanh, ta sẽ thấy những câu chuyện đẹp từ sự tiếp sức sĩ tử bằng cách này cách khác, được truyền thông hoặc chỉ âm thầm. Ở đó, bài học về ứng xử với con cái, học trò mình trong việc tiếp nhận điểm thi, định hướng mở ra con đường mới hay khép lại hành trình, thậm chí cuộc đời một người trẻ đều tùy thuộc vào sự khéo léo của người lớn.

Có ai đó đã nói rằng, đừng lấy thành tích học tập của trẻ để điểm tô cho thầy cô, làm trang sức cho gia đình. Có lẽ đây là lời nhắc nhở mùa thi để đây không trở thành mùa lo lắng đến mức sợ hãi của những người trẻ tuổi vẫn còn cần được người lớn đỡ nâng hơn là trách móc, bắt chịu trách nhiệm này kia…

Tấn Khôi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-di-qua-ky-thi-nhe-nhang-190010.html