Để đồ gỗ Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 13 tỷ USD

Trải qua 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào cuối tháng 10 vừa qua. Đây là cơ hội để nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu (KNXK) gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12-13 tỷ USD vào năm 2020...

Mở rộng cơ hội tham gia thị trường đồ gỗ toàn cầu

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu lâm sản chính từ đầu năm 2018 đến nay đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm), tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 23,37% tổng giá trị KNXK toàn ngành nông nghiệp; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính qua 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% giá trị KNXK. Hiện, Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới, thứ 2 ở châu Á về chế biến, xuất khẩu gỗ, với thị trường gồm 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ kết quả và kinh nghiệm có được, Việt Nam phấn đấu vươn lên đứng thứ 4 thế giới trong thời gian tới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Đánh giá về Hiệp định VPA/FLEGT vừa được ký kết giữa Việt Nam-EU, bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm giáo dục và phát triển (CED) chia sẻ: "Việc ký kết hiệp định này không chỉ giúp chúng ta mở rộng thị trường EU, mà còn có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường khác. Nói cách khác, hiệp định sẽ có tác động kép. Hiện nay, không chỉ EU có quy chế về gỗ hợp pháp, mà Hoa Kỳ còn có Đạo luật Lacey trước cả EU; tương tự, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã ban hành luật sử dụng gỗ sạch, hoặc gỗ bền vững; chỉ còn Trung Quốc là chưa có quy định. Khi thực hiện hiệp định, đồ gỗ của Việt Nam không những sẽ mở rộng tại thị trường EU mà còn mở rộng ra nhiều thị trường khác, có tiềm năng tăng trưởng 10-15%".

Ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, khẳng định: "Hiệp định VPA/FLEGT tạo cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị đồ gỗ toàn cầu. Qua việc ký kết hiệp định, có thể khẳng định nỗ lực của Việt Nam đã được ghi nhận, đồng thời thể hiện rõ thái độ nghiêm túc của chúng ta trong thực thi các quy ước quốc tế nói chung. Khi tham gia hiệp định này, chúng ta còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn. Ví dụ, gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800 USD/m3, nhưng nếu áp dụng công nghệ cao giá sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm".

Khách hàng tham quan các sản phẩm đồ gỗ cao cấp tại Siêu thị đồ gỗ Kim Liên (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: HƯỜNG QUANG.

Cần thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: "VPA/FLEGT là hiệp định thương mại song phương, ràng buộc pháp lý giữa Việt Nam-EU. Sở dĩ, Việt Nam đàm phán trong 6 năm bền bỉ để ký được hiệp định này là vì tháng 3-2010, Nghị viện châu Âu đã ban hành Quy chế gỗ châu Âu (Quy chế 995), quy định về gỗ hợp pháp. Doanh nghiệp các nước muốn xuất khẩu gỗ sang EU phải chứng minh được tính hợp pháp, thực hiện trách nhiệm giải trình và tuân thủ quy định của họ. Nếu vi phạm Quy chế 995 của EU, các lô hàng sẽ bị xử phạt, trả về hoặc tịch thu...".

Tuy vậy, trong quy chế gỗ của EU cũng mở ra hướng hợp tác, theo đó, quốc gia nào muốn xuất khẩu gỗ vào EU mà không muốn lô hàng nào cũng phải giải trình thì ký hiệp định đối tác tự nguyện, xây dựng hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Việc xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế 995 của EU khi xuất khẩu vào thị trường này.

Dự kiến, năm 2019 sẽ hoàn thành nghị định hướng dẫn thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Khi hiệp định mới được thực thi đầy đủ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ mới được hưởng lợi. Còn hiện nay, tất cả doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải thực hiện trách nhiệm giải trình, tuân thủ các quy định của EU về nguồn gốc gỗ nguyên liệu, chỉ khi được cấp giấy phép FLEGT mới thay thế được quy định đó.

Theo bà Tô Kim Liên, khi hiệp định này đi vào thực thi, thì tính minh bạch nguyên liệu gỗ của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ sẽ phải thể hiện rất rõ. Đòi hỏi các doanh nghiệp phải sản xuất minh bạch hơn, tuân thủ đúng yêu cầu của hiệp định. Đây chính là điều mà chúng ta hướng tới để thúc đẩy phát triển các sản phẩm lâm nghiệp và đồ gỗ.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho rằng, khi đẩy mạnh việc sử dụng gỗ hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng thì sẽ thúc đẩy sản xuất từ phía người trồng rừng-đối tượng trực tiếp làm ra các sản phẩm gỗ hợp pháp. Đồng thời, sản phẩm được chế biến, sản xuất gỗ hợp pháp sẽ thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu, không chỉ ở thị trường EU mà cả các thị trường khác.

Ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, người từng có nhiều năm gắn bó với ngành lâm nghiệp, khẳng định: "Nếu thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp thì việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT rất dễ. Đó là gỗ sản xuất phải có nguồn gốc hợp pháp, từ sản xuất, chế biến, đặc biệt là những khu rừng tuân thủ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC) thì thực hiện hiệp định này càng dễ hơn".

Cùng với thị trường EU, thời gian tới ngành lâm nghiệp cũng xác định tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại vào các thị trường: Australia, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ; đồng thời, triển khai kế hoạch phát triển thương mại gỗ, chú ý đến gỗ cao su và gỗ vườn nhà (có thể lên đến 3 triệu m3/năm) gắn với chế biến phục vụ xuất khẩu trong nhiều năm tới.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-do-go-viet-nam-dat-muc-tieu-xuat-khau-13-ty-usd-553659